Thời gian qua rất nhiều người quan tâm tác dụng của xuyên tâm liên trong điều trị, dự phòng, nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể, nhất là công dụng đối với bệnh COVID-19.
Sau thời gian dài yên lặng giờ đây làm sống lại tác dụng của xuyên tâm liên trong điều trị, dự phòng, nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể, nhất là có khả năng hỗ trợ bệnh nhân mắc COVID-19.Vậy xuyên tâm liên là gì?
Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, xuyên tâm liên tên khoa học: Andrographis paniculata (Burm. f.) Nees. Tên khác là cây công cộng, lãm hạch liên, hùng bút, khổ đảm thảo. Xuyên tâm liên chứa 2 nhóm hoạt chất chính là diterpen lacton và flavonoid. Tính vị, công năng của xuyên tâm liên có vị rất đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau.
Đối với tác dụng dược lý trên thực nghiệm và trên lâm sàng, bác sĩ Vũ khẳng định xuyên tâm liên có tác dụng chống viêm, hạ sốt, giảm đau, viêm họng, viêm amidan, cảm lạnh, giảm huyết áp, giảm xơ mỡ động mạch ngăn cản sự ngưng tập tiểu cầu, bảo vệ gan chống thương tổn gan gây tăng tiết mật, chống ứ mật; làm tăng khả năng sống của tế bào gan, chống tiêu chảy, chống loét dạ dày, lợi tiểu, diệt giun đũa, hạ đường máu, chống sinh sản, chống nọc rắn, chống sốt rét, gây sảy thai.
Ngoài ra xuyên tâm liên có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, Shigella dysenteriae, Shigella shigae và Mycobacterium tuberculosis. trị viêm phế quản cấp và mạn, trị lao phổi, có hoạt tính kháng HIV, làm giảm tỷ lệ tế bào bị nhiễm vi rút, có tác dụng trên thụ thể nhận muscarin. Các chất chống alkyl hóa kết hợp với hoạt tính chống gây ung thư.
Từ thực tiễn trên, bác sĩ Vũ cho biết xuyên tâm liên có công dụng điều trị lỵ cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm mạo, phát sốt, viêm họng, viêm amidan, viêm phổi, rắn độc cắn. Ngày dùng 10 – 15g lá dưới dạng thuốc sắc uống. Nếu tán bột, mỗi lần uống 2 – 4g, ngày 2-3 lần. Để chữa viêm miệng, viêm họng, dùng vài lá nhai ngậm. Dùng ngoài, lá xuyên tâm liên một nắm giã với rượu xoa đắp phối hợp với uống thang thuốc có xuyên tâm liên, kim ngân hoa, sài đất, chữa lở ngứa rôm sảy, sưng tấy, nhiễm trùng ngoài da, vết thương, rắn cắn.
Theo bác sĩ Vũ, Xuyên tâm liên là một loại thảo dược, nếu trồng ở vùng nào thì vùng đất đó rất đắng, không thể trồng được loại cây khác. Từ sau năm 1975 đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, xuyên tâm liên được sử dụng như một kháng sinh. Đây có thể coi là một kháng sinh thực vật. Thời điểm đó thuốc kháng sinh còn rất hạn chế, nên các cơ sở y tế gần như sử dụng xuyên tâm liên làm kháng sinh. Hầu hết các bệnh đều dùng xuyên tâm liên để bao vây “đánh”, nhất là các bệnh cảm, sốt, viêm nhiễm…
“Công dụng chính của xuyên tâm liên vẫn là thanh nhiệt, giải độc. Đối với bệnh COVID-19 xuyên tâm liên chỉ hỗ trợ cho những bệnh nhân có triệu chứng về đường hô hấp, đau họng, sốt… còn không có triệu chứng thì không hỗ trợ, chứ không thể nào điều trị bệnh COVID-19. Theo tôi dựa vào kinh nghiệm người xưa cùng với thực nghiệm, xuyên tâm liên giải quyết, cải thiện các triệu chứng do COVID-19 gây ra ở thể nhẹ”, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Xuyên tâm liên là cây nhỏ, sống hàng năm, cao 0,4-1m. Thân vuông, mọc thẳng đứng, phân nhiều cành nhẵn. Lá mọc đối, có cuống ngắn, hình mác, dài 3-10cm, rộng 1-2cm, gốc thuôn, đầu nhọn dài, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm đen. Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành chùm thưa, hoa màu trắng, điểm những đốm hồng tím, đài có 5 răng nhỏ, đều, có lông; tràng hợp ở phần dưới thành ống hẹp, hình trụ, có lông, phần trên loe ra chia 2 môi, môi trên hẹp dài, môi dưới xẻ 3 thùy rộng, đầu nhọn; nhị 2, đính ở họng tràng, bầu 2 ô. Quả nang, hẹp, thuôn dài khoảng 1,5cm, hơi có lông mịn, hạt hình tròn. Mùa hoa tháng 9-12, mùa quả tháng 1-2. Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái thành từng đoạn rồi phơi hay sấy khô.