Thái Lan là một cường quốc về du lịch và nổi tiếng vì sự cởi mở đối với cộng đồng LGBT (Đồng tính nam-nữ, song tính và chuyển giới). Tuy nhiên, đối với người dân địa phương, đó chỉ là bề nổi. Theo IGLHRC, từ năm 2006 tới 2012, tổng cộng đã có 15 người đồng tính nữ tại Thái Lan bị giết.
|
Arisa và Pacharee |
Mặt nước lăn tăn, rồi bị khuấy động mạnh bởi những chú cá tra nhào lên đớp thức ăn. Arisa Thanommek và Pacharee Hungsabut tiếp tục đưa tay vào túi thức ăn cho cá, nắm thêm hai nắm đầy, ném mạnh xuống mặt hồ nhân tạo nơi mà họ thường đến vào dịp cuối tuần.
"Chúng tôi có thể hình dung được mọi người sẽ phản ứng ra sao khi chúng tôi kết hôn", Arisa vừa nói vừa nghĩ tới những lời nói kỳ thị, gièm pha đau lòng của mọi người về bức hình đám cưới của 2 người được đưa lên mạng hồi tháng 5. "Thật buồn khi có những người lạ nói rằng gia đình chúng tôi nên xấu hổ".
Thái Lan muốn quảng bá hình ảnh đất nước họ là một mảnh đất của sự bao dung trong một lục địa mà phân nửa các quốc gia không thừa nhận vấn đề đồng tính về mặt luật pháp.
Thái Lan là 1 trong 7 nước châu Á đã ký kết vào tuyên bố bảo về quyền lợi cho cộng đồng LGBT của Liên Hiệp Quốc, và các quan chức ngành du lịch của nước này đã tiếp thị tới những khách du lịch đồng tính bằng cách giới thiệu trên các trang web du lịch rằng “Thái Lan ủng hộ mọi phong cách sống.”
Thái Lan có thể trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đưa việc kết hôn đồng giới vào luật. Rất nhiều cặp đôi đồng tính nam và nữ của nước này đang chuẩn bị tinh thần ăn mừng. “Nếu mọi việc suôn sẻ, việc kết hợp dân sự sẽ được cho phép trong vòng 6 tháng tới”, Anjana Suvarnananda nói. Bà là người sáng lập tổ chức Anjaree Foundation, đứng sau chiến dịch hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và dẫn đầu trong việc bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBT tại Thái Lan.
|
Anjana Suvarnananda |
Nhưng Arisa và Pacharee và cũng như rất nhiều người trong cộng đồng LGBT ở Thái Lan nhận ra rằng phần lớn sự bao dung, chấp thuận chỉ là vẻ bề ngoài. Mãi đến năm 2002, chính phủ Thái Lan mới công nhận đồng tính không phải là bệnh. Và phải hơn 4 năm sau nữa thì quân đội và một số trường đại học mới chấp nhận người đồng tính gia nhập vào hàng ngũ của mình. Đáng báo động hơn, thái độ chống đối cộng đồng LGBT còn có những trường hợp dính tới bạo lực.
|
Một cặp đôi đồng tính nam nổi tiếng tại Thái Lan |
Vào năm 2012, một bé gái 14 tuổi đã báo với cảnh sát vì bị người cha hãm hiếp trong suốt 4 năm, chỉ vì cô bé hẹn hò với một “toms”, từ dùng để mô tả những người đồng tính nữ ăn mặc và cư xử giống phái nam trong tiếng Thái. Tám tháng trước đó, cũng đã xảy ra trường hợp một “tom” bị giết bởi bạn trai cũ của người yêu. Chính mẹ của cô người yêu đã ủy thác việc giết người này cho người bạn trai cũ. Trong khoảng giữa 2 điểm thời gian đó, có một “tom” bị đánh bằng dùi cui tới chết, một người nữa bị hãm hiếp và giết, và một người nữa bị xiết cổ và rạch mặt bằng dao rồi bị ném xuống kênh.
Tổng cộng đã có 15 người đồng tính nữ bị giết từ năm 2006 tới 2012 theo một bản báo cáo của Ủy ban quốc tế bảo vệ nhân quyền cho người đồng tính (IGLHRC). Con số người đồng tính nữ bị tấn công kể từ sau đó, hay con số những người đồng tính nam và chuyển giới bị giết vẫn chưa được thống kê. Luật pháp của Thái Lan vẫn chưa có các tội danh “phạm tội do thù ghét”, và những trường hợp báo cáo bởi IGLHRC vẫn được chính phủ phân loại là “phạm tội do ghen tuông”.
|
Những nhà hoạt động quyền LGBT tại Thái Lan |
“Đôi lúc những người bảo vệ luật pháp không quan tâm khi một người đồng tính nam hoặc nữ bị giết. Họ chỉ nghĩ rằng đó là một trường hợp đánh ghen”, Tairjing Siripanich, đại diện của Ủy ban bảo vệ nhân quyền cho người đồng tính Thái Lan nói.
Sự kỳ thị ở khắp nơi quá rõ ràng. Theo một nghiên cứu có sự hợp tác của trường đại học Plan International and Mahidol với UNESCO đưa ra trong tháng 11 thì có 1/3 trong 2000 sinh viên LGBT được phỏng vấn cho biết họ đã từng bị quấy rối và 1/4 cho biết rằng họ đã từng bị lạm dụng tình dục. Trong đó, chỉ có vài người là chia sẻ chuyện ấy với người khác và rất nhiều người cảm thấy áp lực căng thẳng và 7% đã cố tự tử.
“Ủy ban nhân quyền cần phải là người tiên phong, cho mọi người thấy rõ ràng bạo lực đang diễn ra và vạch trần những chuyện này”, Grace Poore, đại diện khu vực của IGLHRC nói. “Và các tổ chức phi chính phủ địa phương cần tạo áp lực cho chính phủ ngăn chặn bạo lực chống lại cộng đồng LGBT.”
"Ở Thái Lan, chúng tôi luôn nở nụ cười và giữ vẻ mặt vui vẻ, nhưng chúng tôi nhắm mắt trước những bạo lực xảy ra ở đó", Kaona Saowakun, một người chuyển giới đã trải qua nhiều rắc rối bởi sự kỳ thị nói. Khi bị cấm thi tại trường đại học vì cách ăn mặc, anh ấy đã gởi một lá đơn tới Ủy ban nhân quyền quốc gia và Ủy ban này đã buộc trường đại học của anh ta sửa đổi. Tuy nhiên sau đó, trường đại học đã yêu cầu những ai không muốn “ăn mặc bình thường” phải nộp đơn báo trước mỗi học kỳ mới.
Những người thành đạt thuộc cộng đồng LGBT thường giữ kín xu hướng tính dục của mình. “Nếu Thái Lan thật sự có sự bao dung, mọi người đã lộ diện. Nhưng họ không làm thế.”, Douglas Sanders, một giáo sư nghiên cứu về các vấn đề của cộng đồng LGBT ở châu Á nói. “Chưa có một người nổi tiếng nào trong giới giải trí hoặc các nhân vật chính trị lộ diện, chưa có ai thực hiện việc làm gương”.
Bất kỳ ai thể hiện xu hướng tính dục đồng tính một cách công khai có thể bị đánh đồng với “lady boys”, những người đang thu hút khách du lịch đến Thái Lan nhưng lại luôn bị khinh thường bởi người dân địa phương . Và trong khi các cuộc diễu hành đồng tính và các biểu tượng của cộng đồng LGBT được thể hiện rõ ràng trong mắt du khách ở Phuket hay Pattaya, ở những nơi khác thì lại không được như thế.
Một cuộc diễu hành ở thành phố Chiang Mai năm 2009 đã dấy lên những cuộc tấn công thù ghét đến mức phải hủy bỏ. Khi những người tham gia chuẩn bị diễu hành, một nhóm người đã bao vây xung quanh khu vực, la hét qua loa phóng thanh và ném trái cây lẫn đá vào tòa nhà.
“Để tránh phiền phức và bị tấn công, chúng tôi quyết định che giấu bản thân”, Anjana nói. Các cuộc diễu hành đồng tính kể từ đó không được tổ chức ở Chiang Mai hay Bangkok nữa.
Tuy nhiên, nhà hoạt động 28 tuổi này vẫn xác nhận đã có những tiến triển đầy hứa hẹn. Ít ra là luật kết hợp đồng giới đang được xem xét đến, dù vẫn chưa có quy định cho việc nhận con nuôi và có sự nâng tuổi kết hôn từ 17 lên 20.
“Trước kia, những người đồng tính nam và nữ cảm thấy bị đe dọa khi chúng tôi bắt đầu lên tiếng, họ cảm thấy họ mất đi không gian yên bình trong xã hội mà họ đang có”, cô ấy nói. “Mọi người bây giờ đã nhận thức hơn về quyền lợi của mình. Họ đã thể hiện công khai hơn và thú nhận với gia đình.”
Arisa và Pacharee thật may mắn khi có cha mẹ ủng hộ việc đám cưới. Bây giờ họ chỉ còn chờ đợi luật pháp chứng nhận cho việc kết hôn của họ. “Tôi muốn có thể chăm sóc Pacharee nếu có chuyện gì xảy ra cho cô ấy”, Arisa nói. Hiện tại thì Arisa vẫn chưa được phép ký vào giấy xác nhận phẫu thuật cho người bạn đời.
Đám cưới của họ đã đem lại sự tức tối cho nhiều người. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, facebook của họ đã có hơn 23.000 người theo dõi. “Hầu hết những người theo dõi trên facebook của chúng tôi là các thiếu niên đang lo lắng về việc thú nhận”, Arisa nói. “Chúng tôi cố gắng trở thành tấm gương cho họ. Chúng tôi chưa bao giờ e ngại việc nắm tay hay hôn nhau nơi đông người”.
Tiểu Ngư (Theo TIME)