Hollywood đã thay đổi để trở thành một nơi thân thiện hơn với người da màu và phụ nữ. Tuy nhiên, nó chỉ diễn ra trên màn ảnh rộng.

Tại sao Oscars vẫn vắng bóng người da màu và phụ nữ?

Chí Thiện - bài | 10/02/2020, 06:01

Hollywood đã thay đổi để trở thành một nơi thân thiện hơn với người da màu và phụ nữ. Tuy nhiên, nó chỉ diễn ra trên màn ảnh rộng.

Khi Issa Rae và John Cho được chọn cho vai trò công bố danh sách đề cử Oscars lần thứ 92 vào ngày 13.1, họ phản ánh những phẩm chất mà Viện hàn lâm đã nỗ lực để đổi mới bản thân như trẻ trung hơn, cân bằng giới tính và… bớt trắng hơn.

Mặc dù vậy, chỉ có duy nhất 1 đề cử trong số 20 đề cử hạng mục diễn xuất là người da màu (Cynthia Erivo cho Harriet). Và dù Bong Joon-ho là người châu Á, hạng mục đạo diễn vẫn vắng bóng phụ nữ. “Chúc mừng những người đàn ông ấy”, Issa Rae nói giễu cợt.

Cynthia Erivo trong Harriet

Phải chăng Hollywood có vấn đề về đa dạng chủng tộc và giới tính?

Đúng. Và cứ mỗi mùa trao giải đến, Oscars luôn đứng đầu ngọn gió. Có điều, vấn đề này vượt ra khỏi phạm vi của Oscars hay bất kỳ giải thưởng nào khác. Các nhóm thiểu số và phụ nữ luôn bị đánh giá thấp trong mọi lĩnh vực tại Hollywood. Gần đây, tình hình đã được cải thiện nhưng không đáng kể đặc biệt là những vị trí đằng sau màn ảnh.

Sự thay đổi chậm chạp

Trên thực tế, sự hiện diện của các nhóm thiểu số và phụ nữ trên truyền thông - bao gồm điện ảnh - có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Theo hai chuyên gia truyền thông George Gerbner và Larry Gross, “hiện diện trên truyền thông phản ánh sự tồn tại trong xã hội; vắng mặt đồng nghĩa với bị loại bỏ”. Nó mang đến cho chúng ta thông điệp rõ ràng về những người có giá trị trong xã hội và ngược lại.

Danh sách đề cử giải Oscars 2015

Trong những năm gần đây, tình trạng người da trắng chiếm ưu thế tại giải Oscar đã làm dấy lên chủ đề về sự hiện diện trên màn ảnh rộng. Năm 2015, hashtag #OscarsSoWhite đã được sử dụng rộng rãi trên mạng xã hội như một lời chỉ trích dành cho Hollywood khi không có bất kỳ diễn viên da màu nào có mặt trong 4 hạng mục diễn xuất. Tình hình tương tự lặp lại vào năm 2016 và đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng cho Viện hàn lâm.

Các chuyên gia đã sử dụng các số liệu nhân khẩu học để chỉ ra rằng sự thiếu đa dạng vốn là một vấn đề toàn ngành.

Các studio đã chi một khoản tiền lớn để quảng bá cho những bộ phim do diễn viên da màu đóng chính hay do phụ nữ đạo diễn, từ loạt phim Fast & Furious cho đến Get Out, Us, Roma, Black Panther, Wonder Woman, Captain Marvel… và nhiều ví dụ khác.

Wonder Woman đã phá vỡ nhiều kỷ lục doanh thu

Bản báo cáo về sự đa dạng tại Hollywood do đại học California thực hiện gần đây, tập trung vào các bộ phim có doanh thu cao nhất trong giai đoạn 2018-2019, đã cho thấy lượng công việc dành cho diễn viên da màu và phụ nữ gần tương xứng với tỷ lệ dân số Mỹ.

Bên cạnh đó, nghiên cứu hằng năm mới nhất của USC Annenberg Inclusion Initiative cũng đã tiết lộ 31 trong số 100 bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2019 có tuyến nhân vật chính không phải người da trắng, nâng từ 14 phim vào năm 2015. Phụ nữ có mặt trong 43 phim - tăng từ 32 phim của năm 2015. Disney có độ đa dạng tốt nhất và có phim do nữ đóng chính đạt doanh thu cao nhất.

Dữ liệu hiện nay cho thấy Hollywood đang dần tiến tới một tương lai đa dạng hơn nhờ vào những chiến dịch như #MeToo và Time’s Up. Khi màn ảnh rộng bắt kịp màn ảnh nhỏ trong việc tạo ra những câu chuyện bao quát hơn và kết nối với nhiều đối tượng khác nhau, vẫn có sự bất đồng giữa những gì bán được vé và ai đang được chọn để thắng giải. Đó là cái lỗi mang tính hệ thống của ngành công nghiệp giải trí.

Đằng sau màn ảnh

Kathryn Bigelow là người phụ nữ duy nhất từng thắng giải Oscars tại hạng mục 'Đạo diễn xuất sắc nhất'

Sự đa dạng đã trở thành một điều bắt buộc cho mọi studio lớn nhưng phân phối không đồng đều. Cho tới nay, nó chỉ diễn ra trên màn ảnh chứ không phải đằng sau máy quay.

Trong 250 bộ phim có doanh thu cao nhất 2019, phụ nữ chỉ chiếm 27% các nhà sản xuất, 19% biên kịch và 13% đạo diễn.

Báo cáo của UCLA cũng bao gồm một phân tích tại nơi làm việc của các hãng phim lớn và tầm trung. Nó cho thấy hơn 90% vai trò cấp độ C được trao cho người da trắng và 82% bởi nam giới. Đối với chức vụ giám đốc điều hành cấp cao, 93% là người da trắng và 80% là nam giới.

Một chuyên gia truyền thông cho rằng việc thiếu đại diện của phụ nữ trên màn ảnh là phản ánh hệ thống quyền lực trong bộ phận sản xuất nội dung. Nói theo cách khách, càng nhiều phụ nữ tham gia vào vai trò ra quyết định thì triển vọng thay đổi càng cao. Điều này cũng có thể áp dụng cho các nhóm thiểu số.

Kristine Belson - giám đốc của Sony Pictures Animation

Vài chuyên gia còn cho rằng bằng cách tăng sự hiện diện của phụ nữ trên màn ảnh, các studio có thể xem nhẹ việc tuyển dụng họ cho khâu sản xuất. Lĩnh vực cạnh tranh khủng khiếp nhất đối với phụ nữ tại Hollywood không phải diễn xuất mà là đạo diễn và biên kịch. Trong khi đàn ông vẫn nắm quyền sinh sát, rất khó để phụ nữ có thể tự do phát huy hết khả năng của mình.

Hollywood đúng là có vấn đề nhưng đó không phải là lý do Viện hàn lâm biện hộ cho danh sách đề cử kém đa dạng của mình.

Năm 2016, Viện hàn lâm đã hứa sẽ thay đổi bằng cách đưa ra sáng kiến ​​A2020, với nỗ lực tăng gấp đôi số lượng thành viên là phụ nữ và người da màu vào cuối năm. Đúng là Viện hàn lâm đã hoàn thành chỉ tiêu với thành viên da màu tăng từ 8% vào năm 2015 lên 16% vào năm 2019 còn phụ nữ là 25% lên 32%.

Mặc dù vậy, sự thật là đàn ông da trắng (và già) vẫn chiếm đa số. Đó là một cấu trúc quyền lực bảo thủ mà quá trình ra quyết định thấm nhuần tính cá nhân của họ, từ việc đánh giá một bộ phim cho đến chọn cái tên chiến thắng.

Khi nhận giải BAFTA cho vai Joker vào đầu tháng này, Joaquin Phoenix đã đề cập đến chủ đề này: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã gửi một thông điệp rất rõ ràng là những người da màu không được chào đón ở đây. Tôi không nghĩ có bất kỳ ai muốn nhận được ưu đãi, mặc dù đó là những gì chúng ta dành cho nhau mỗi năm. Tôi nghĩ tất cả mọi người đều muốn được đánh giá cao và tôn trọng cho công việc của họ”.

Đa dạng không nên là một hành động mang tính tượng trưng, chiếu lệ. Điều Hollywood cần làm là dân chủ hóa cách thức làm việc và môi trường làm việc. Nếu không sự thay đổi trên màn ảnh chẳng tác động gì nhiều đến những gì diễn ra đằng sau máy quay.

Mai Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao Oscars vẫn vắng bóng người da màu và phụ nữ?