Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP cam kết giúp Việt Nam tăng cường năng lực ứng dụng KH-CN để cung cấp dữ liệu kịp thời và chất lượng trong quản lý rủi ro thiên tai.

Tăng cường công nghệ trong quản lý rủi ro thiên tai

Lam Thanh | 25/04/2022, 17:34

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP cam kết giúp Việt Nam tăng cường năng lực ứng dụng KH-CN để cung cấp dữ liệu kịp thời và chất lượng trong quản lý rủi ro thiên tai.

Áp dụng công nghệ trong ứng phó thiên tai

Ngày 25.4, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, đại diện tỉnh Phú Yên phản ánh số lượng trạm quan trắc trên lưu vực sông còn ít.

"Do đó, cần tăng số lượng trạm quan trắc ở thượng lưu sông Ba để tăng khả năng dự báo", ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói và nhấn mạnh cần có công nghệ tính toán dự báo lũ đến các trạm quan trắc cũng như các hồ chứa từ lượng mưa đo được hoặc từ lượng mưa dự báo và điều hành xả lũ ngay, không chờ đến khi lũ đã tập trung mới điều hành xả lũ.

Bà Caitlin Wiesen, quyền điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện UNDP kiến nghị cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) để hệ thống quản lý thông tin nhanh nhạy hơn.

Đại diện UNDP cam kết sẽ tiếp tục giúp tăng cường năng lực quốc gia và cấp tỉnh trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ để cung cấp dữ liệu kịp thời và chất lượng cho việc ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả trong quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam.

Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, với việc vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa, trong các năm vừa qua, các hồ trong quy trình đã tham gia cắt giảm đỉnh lũ từ 30 - 98% tùy từng cơn lũ, cắt giảm tổng lượng lũ từ 30 - 80% tổng lượng lũ (một số cơn lũ cắt được 85 - 92%).

"Bộ TN-MT đang tiếp tục rà soát, dự kiến trước mắt sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành một quyết định điều chỉnh chung, trong đó sẽ sửa đổi một số điều của các quy trình vận hành liên hồ trên một số lưu vực sông để giải quyết một số vấn đề còn tồn tại, bất cập chung của các quy trình, đặc biệt là bổ sung cơ chế phối hợp vận hành, cung cấp thông tin, dữ liệu...", ông Trần Hồng Thái nói.

thien-tai-2.jpg
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022

Nếu dự báo tốt, thiệt hại do thiên tai sẽ giảm

Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng năm 2021 những thiệt hại do thiên tai gây ra giảm đáng kể so với năm 2020. Tuy nhiên, trung bình trong 20 năm qua, ở nước ta mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết, thiệt hại về kinh tế từ 45 - 50 nghìn tỉ đồng. Riêng năm 2017 thiệt hại gần 60.000 tỉ đồng.

Phó thủ tướng cho rằng công tác dự báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chất lượng các bản tin dự báo cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa.

"Đợt mưa lũ trái quy luật ngay trong thời gian mùa khô ở các tỉnh Nam Trung Bộ vừa qua, nếu chúng ta có thể dự báo, cảnh báo sớm hơn, chính xác hơn, chắc chắn thiệt hại về tài sản của nhân dân đã được giảm nhẹ hơn", Phó thủ tướng nói.

Ngoài ra, theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, công tác hỗ trợ, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai còn bất cập, thủ tục rườm rà gây chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; công tác vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn có những tồn tại, bất cập; việc chấp hành quy định vận hành liên hồ chứa chưa nghiêm; việc thông báo cho chính quyền địa phương, người dân khi xả lũ ở một số hồ chứa chưa kịp thời, đúng quy định…

Phó thủ tướng lấy ví dụ, nhiều trường hợp ngay trong mưa lũ, người dân vẫn đi đánh cá, vớt củi hay đi qua ngầm, tràn, rất dễ xảy ra tai nạn. Hầu hết các trường hợp thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn cuối tháng 11, đầu tháng 12.2021 đều là do tai nạn, bị lũ cuốn trôi.

Phó thủ tướng yêu cầu đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai và nhấn mạnh “chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ và nguồn lực đầu tư lớn”.

Ngoài ra, cần sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố; củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở (lực lượng trực tiếp nhất, có trách nhiệm xử lý theo phương châm 4 tại chỗ khi xảy ra thiên tai, sự cố).

"Đầu tư cho phòng chống thiên tai là đầu tư cho phát triển bền vững", Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Bài liên quan
Trường ĐH Nam Cần Thơ khánh thành Viện Khoa học sức khỏe DNC 750 tỉ đồng
Ngày 18.1, Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) tổ chức lễ khánh thành Viện Khoa học sức khỏe DNC và kỷ niệm 12 năm thành lập trường (25.1.2013 – 25.1.2025).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường công nghệ trong quản lý rủi ro thiên tai