Ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về COVID-19 của Trung Quốc, cho biết nước này không thể theo đuổi chiến lược dynamic zero COVID trong dài hạn.

Chuyên gia COVID-19 hàng đầu bị xóa bài khuyến nghị Trung Quốc mở cửa để phát triển kinh tế

Sơn Vân | 19/04/2022, 23:57

Ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về COVID-19 của Trung Quốc, cho biết nước này không thể theo đuổi chiến lược dynamic zero COVID trong dài hạn.

Ông cho rằng Trung Quốc nên mở cửa để đưa sự phát triển kinh tế và xã hội trở lại bình thường, đồng thời thích ứng với việc mở cửa trở lại trên toàn cầu.

Bài xã luận có tiêu đề “Các chiến lược mở cửa trở lại trong kỷ nguyên COVID-19 sắp tới ở Trung Quốc” được đăng trên Tạp chí National Science Review tiếng Anh ngày 6.4. Một bản dịch tiếng Trung của bài báo đã được xuất bản trên các trang tin tức Trung Quốc hôm 18.4 nhưng bị xóa sau đó.

Trung Quốc cần mở cửa trở lại để bình thường hóa phát triển kinh tế xã hội và thích ứng với việc mở cửa trở lại toàn cầu”, ông Chung Nam Sơn viết với đồng tác giả Guan Weijie, nhà nghiên cứu liên kết với Phòng thí nghiệm trọng điểm về bệnh hô hấp của nhà nước ở thành phố Quảng Châu.

Họ cho biết chính sách dynamic zero COVID dựa vào cộng đồng là chìa khóa quan trọng trong việc giảm thiểu các trường hợp và tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc.

Việc triển khai nhanh chóng các loại vắc xin cũng như khả năng miễn dịch theo cộng đồng đã hình thành nền tảng cơ bản của quá trình mở cửa toàn diện ở một số nước phát triển. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết áp dụng cho việc mở cửa nhanh chóng và toàn diện ở Trung Quốc đại lục. Omicron gây ra nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể so với cúm theo mùa và có thể dẫn đến bất ổn xã hội cùng sự xuất hiện của các biến thể mới khác với khả năng lây nhiễm cao hơn”, họ viết.

Hai nhà khoa học cho rằng để Trung Quốc "mở cửa trở lại một cách có trật tự và hiệu quả", nước này nên thực hiện tiêm vắc xin trên toàn quốc, đặc biệt là để bảo vệ người cao tuổi, và tiêm mũi tăng cường bằng các loại vắc xin thuộc công nghệ khác nhau. Đây là phương pháp đã được sử dụng để "cải thiện rõ rệt khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron”.

Họ cho biết Trung Quốc cũng nên sử dụng các xét nghiệm nhanh kháng nguyên để xác định ca mắc COVID-19 kịp thời, nên điều trị bệnh nhân bằng thuốc kháng vi rút và kháng thể trung hòa để giảm nguy cơ nhiễm trùng tiến triển thành bệnh nặng cũng như tử vong.

Trung Quốc cam kết các biện pháp "nghiêm khắc nhất, kiên quyết nhất" để ngăn chặn sự lây lan của Omicron.

Vào tháng 2.2022, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã phê duyệt việc tiêm trộn vắc xin nội địa để cải thiện khả năng miễn dịch chống lại COVID-19 và bổ sung thêm hai loại vắc xin do nước này phát triển vào danh sách tiêm mũi tăng cường.

Tháng trước, Trung Quốc cũng lần đầu tiên công bố các xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho công chúng. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, các kit xét nghiệm nhanh này có thể được sử dụng bởi bất kỳ ai để phát hiện sớm ca dương tính với COVID-19, nhưng đặc biệt được khuyến nghị cho những người bị cách ly ở trung tâm hoặc tại các phòng khám y tế địa phương.

Trung Quốc đã phê duyệt phương pháp điều trị COVID-19 đầu tiên vào tháng 12.2021 bằng hỗn hợp kháng thể do Brii Biosciences phát triển và tiêm tĩnh mạch. Cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc cũng đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp Paxlovid, thuốc kháng vi rút của Pfizer, vào tháng 2.2022.

chuyen-gia-covid-19-hang-dau-trung-quoc-bi-xoa-bai-dich-khuyen-nghi-mo-cua.jpg
Ông Chung Nam Sơn cho biết Trung Quốc không thể theo đuổi chiến lược dynamic zero COVID trong dài hạn

Các chuyên gia đã viết trên tạp chí rằng nhiều nghiên cứu khoa học hơn về thời gian ủ bệnh và thời gian phục hồi sau khi mắc COVID-19 có thể giúp các nhà hoạch định chính sách quyết định khoảng thời gian cách ly tối thiểu và cách tốt nhất để kiểm soát việc tái nhiễm sau khi bệnh nhân xuất viện.

Họ nói thêm rằng Trung Quốc có thể thực hiện các xét nghiệm thí điểm tại các khu vực được chỉ định và điều chỉnh chính sách theo đặc điểm dịch bệnh của các trường hợp nhập cảnh để “xác minh kết quả quá trình chuyển đổi theo hướng mở cửa lại xã hội an toàn và có trật tự ở nước này”.

Theo các nguồn thạo tin, Trung Quốc đang điều chỉnh các hạn chế biên giới COVID-19 để rút ngắn thời gian cách ly với khách du lịch đến Thượng Hải, Quảng Châu, Hạ Môn và các thành phố khác.

Kế hoạch thí điểm kéo dài 4 tuần, cũng bao gồm thành phố Thành Đô, Đại Liên, Ninh Ba, Tô Châu và Thanh Đảo, đã được đưa ra vào ngày 11.4 để giảm cách ly từ 14 xuống 10 ngày với khách du lịch đến và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.

Những người bị cách ly sẽ phải trải qua 6 lần xét nghiệm PCR và 6 xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong giai đoạn đó, 7 ngày theo dõi sức khỏe tại nhà.

8 thành phố được chọn dựa trên số lượng chuyến bay đến, số lượng người nhập cảnh và năng lực kiểm soát COVID-19, theo một tài liệu phác thảo cuộc thử nghiệm.

Với các đợt bùng phát dịch tại địa phương, việc phong tỏa các khu vực cách ly có thể được dỡ bỏ sau 10 ngày liên tục không có kết quả xét nghiệm dương tính, thay vì 2 tuần như yêu cầu trước đây.

Các nhà chức trách sẽ phân tích, so sánh thông tin cách ly và xét nghiệm những khách du lịch đến và những người tiếp xúc gần có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 kể từ tháng 12.2021 để đánh giá kết quả thử nghiệm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia COVID-19 hàng đầu bị xóa bài khuyến nghị Trung Quốc mở cửa để phát triển kinh tế