Với mức tăng tiếp tục gần 20.000 ca/ngày, số người mắc COVID-19 tại Mỹ lên đến 141.854. Số ca tử vong cũng tăng lên 2.475 - thêm 255 trường hợp.
Tình hình dịch bệnh buộc Nhà Trắng phải duy trì các biện pháp giữ khoảng cách như yêu cầu người dân ở nhà, tránh tập trung hơn 10 người,... Động thái này đập tan ý định khôi phục phần lớn hoạt động kinh tế trước ngày 12.4 của Tổng thống Donald Trump.
Nhà lãnh đạo Washington phát biểu trong cuộc họp báo 29.3: “Chúng tôi sẽ kéo dài chỉ thị (về cách ly xã hội) đến ngày 30.4 để ngăn đà lây lan. Vào ngày 31.3 chúng tôi công bố kế hoạch hoàn chỉnh, dữ liệu cùng chiến lược chống dịch”. Ông hy vọng đất nước hồi phục trước ngày 1.6.
Dù Tổng thống Trump không ban hành lệnh một phần New York, New Jersey, Connecticut nhưng Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (UCDC) ra khuyến cáo đề nghị người dân ba bang này hạn chế di chuyển trong địa phương mình. Một số bang khác tự thực hiện hạn chế đi lại với người từ bên ngoài.
Số ca nhiễm lớn tạo áp lực lớn cho đội ngũ ở tuyến đầu chống dịch. Tại tâm dịch thành phố New York có hàng trăm y bác sĩ và cảnh sát mắc COVID-19, nhiều nhân viên cũng đổ bệnh vì làm việc quá sức.
Tại châu Âu, số ca tử vong vì COVID-19 của Ý lên đến 10.779 (tăng 756 trường hợp). Số ca nhiễm cũng thêm 5.217 người – tăng lên 97.689.
Gần đây mức tăng ca nhiễm theo ngày giảm xuống còn khoảng 5,6%, tuy nhiên Thủ tướng Giuseppe Conte không khẳng định dịch bệnh đã qua đỉnh, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác cao độ.
Số ca tử vong vì COVID-19 tại Tây Ban Nha tăng lên 6.803 sau khi ghi nhận 821 người chết trong vòng 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm cũng lên đến 80.110 (thêm 6.875 trường hợp).
Nhà bình luận Adam Parsons của trang Sky News nhận xét tốc độ tăng số ca tử vong Tây Ban Nha còn nhanh hơn cả Ý, và bên cạnh Madrid thì vùng Catalonia đang dần trở thành điểm nóng tập trung nhiều ca nhiễm.
Đức có 62.095 ca nhiễm và 533 ca tử vong. Pháp có 40.174 ca nhiễm và 2.606 ca tử vong.
Cẩm Bình (theo CNN, The Local Italy, The Local Spain)