Theo dự báo của Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT), kịch bản khả quan của năm 2019 là tăng trưởng GDP 7%, lạm phát 4,4%,thu hút FDI đạt 19,6 tỉ USD.

Tăng trưởng 7% GDP là kịch bản khả quan

22/01/2019, 16:20

Theo dự báo của Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT), kịch bản khả quan của năm 2019 là tăng trưởng GDP 7%, lạm phát 4,4%,thu hút FDI đạt 19,6 tỉ USD.

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 là 7% - Ảnh: Internet

Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia cho biết năm 2018, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội đạt 7,08% so với năm 2017, đạt và vượt kế hoạch năm là 6,7%, đạt mốc cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Theo đó, kết quả tăng trưởng khả quan năm 2018 là điều kiện thuận lợi tạo đà cho tăng trưởng cho năm 2019 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo; tỷ giá cơ bản vẫn trong khả năng giám sát của Ngân hàng Nhà nước; dự trữ ngoại tệ tăng; cán cân vãng lai thặng dư liên tục 8 năm liền, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, bền vững hơn.

Theo trung tâm này, tăng trưởng kinh tế Việt nam trong năm tới sẽ được hậu thuẫn của một số yếu tố, đó là lợi ích từ thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Châu Âu đem lại; tác động gián tiếp từ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có thể kích thích nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ. Chính phủ đã ban hành khung chính sách kinh tế Việt Nam trong năm 2018, trong đó nhấn mạnh đến phát triển khu vực tư nhân như một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng kinh tế trung hạn.

Các chính sách nhằm khuyến khích khu vực tư nhân sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, trung tâm này cũng cho rằng những vấn đề hạn chế, yếu kém tích tụ trong nội tại nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng thấp và năng suất lao động ở mức thấp vẫn sẽ tiếp tục hiện hữu. Động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự rõ nét, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng còn rất hạn chế.

Đặc biệt, nợ công đang ở mức cao và tỷ lệ trả nợ lớn trong những năm tới đây có thể gây tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang phụ thuộc ngày càng lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, điều này chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới vào khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh thương mại, canh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, nổi bật là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; rủi ro về giá dầu và các yếu tố bất định trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng; bất ổn địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Trên cơ sở đó, trung tâm này đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng năm 2019.

2 kịch bản cho tăng trưởng năm 2019

Kịch bản 1 (kịch bản cơ sở): Ngoài nước, kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 3,65% so với năm trước với kỳ vọng rằng tăng trưởng của một số nước đối tác của Việt Nam như Mỹ, khu vực châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc không quá thấp so với mức tăng của năm 2018.

Việc tham gia vào các hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu sẽ mang lại tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể mang lại cho Việt Nam lợi thế so với Trung Quốc khi xuất khẩu sang Mỹ. Xu hướng giá cả hàng hoá hạ nhiệt sẽ giúp giảm áp lực lên lạm phát tại Việt Nam. Lạm phát toàn cầu dự kiến tăng 3,6%, giảm so với mức 4% của năm 2018 và giá dầu dự kiến là 68,7 USD/thùng.

Trong nước, kinh tế vĩ mô khá ổn định, nhưng mặt bằng lãi suất tăng khoảng 1,5-2 điểm phần trăm do nhu cầu của nền kinh tế tăng trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng không còn dồi dào do thắt chặt chính sách tiền tệ. Xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phi thuế quan, rào cản thsương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tỷ lệ đầu tư/GDP dự kiến ở mức 32% trong năm 2019. Chính phủ chủ động và linh hoạt trong điều hành tỷ giá với biến động tỷ giá trung bình dưới 3% trong năm 2019, nợ công duy trì ở mức 63%/năm, tăng dư nợ tín dụng ở mức 16,5%.

Kịch bản 2 (kịch bản khả quan): Giả định các yếu tố ngoài nước dự kiến không thay đổi so với kịch bản cơ sở, kinh tế Việt Nam được đánh giá là ít chịu ảnh hưởng hơn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Theo đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng chảy vào Việt Nam mạnh hơn xu hướng rút khỏi thị trường bởi sự ổn định của kinh tế vĩ mô và sự cải thiện của môi trường kinh doanh trong 2019.

Đồng thời, việc các hiệp định thương mại có sự tham gia của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ năm 2019 sẽ thúc đẩy sự gia tăng của xuất khẩu hàng hoá và đầu tư và bù đắp sự suy giảm xuất khẩu do các biện pháp bảo hộ thương mại ở nước đối tác áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Phía điều hành của Chính phủ, trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định được duy trì từ các năm đầu kế hoạch, Chính phủ tiếp tục điều hành linh hoạt và kiểm soát tốt biến động tỷ giá (khoảng 2-2,5%), lãi suất (biến động chỉ từ 1-1,5%), kiểm soát chặt chẽ nợ công ở mức 61,5% GDP, trong khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP tăng lên khoảng 33% do sự phát triển của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực tư nhân trong nước.

Trung tâm này dự báo tăng trưởng GDP là 7%, lạm phát 4,4%,thu hút FDI đạt 19,6 tỉ USD.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
26 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng trưởng 7% GDP là kịch bản khả quan