Sau gần 20 năm có chủ trương, đến nay, câu hỏi “bao giờ có cầu Cát Lái” vẫn chưa có đáp án cụ thể. Tuy nhiên, cứ khoảng 2 - 3 tháng môi giới lại tung ra một văn bản, nhằm tạo sốt đất khiến nhà đầu tư “hụt hơi”.
Chủ trương 20 năm vẫn chưa giải phóng được mặt bằng
Cầu Cát Lái được quy hoạch xây dựng bắc qua sông Đồng Nai nối quận 2 (nay là TP Thủ Đức), TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Cầu Cát Lái không chỉ được đánh giá có vai trò quan trọng đối với Đồng Nai, là “cú hích” cần có để phát triển đô thị mới Nhơn Trạch.
Trong quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cầu Cát Lái cũng đóng vai trò trong việc hình thành tuyến kết nối thứ 2 từ sân bay này với đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM thông qua tuyến đường tỉnh 25C.
Với vai trò đó, từ năm 2003, Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng cầu Cát Lái với “sứ mệnh” kết nối đô thị mới Nhơn Trạch với TP.HCM. Hơn 15 năm sau, chủ trương này vẫn mãi chỉ là “chủ trương”. Đến tháng 8.2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng cầu Cát Lái, UBND tỉnh Đồng Nai đã tiến hành công tác khảo sát, lập các phương án để thống nhất với TP.HCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình.
Đồng Nai cũng đã “gút” 3 phương án xây dựng cầu Cát Lái để gửi các cơ quan chức năng TP.HCM xem xét, thống nhất thực hiện. Trên cơ sở đó, tỉnh đưa ra mục tiêu sẽ khởi công xây dựng cây cầu này trong năm 2020.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, trải qua rất nhiều cuộc họp giữa các cơ quan chức năng của 2 địa phương, TP.HCM vẫn chưa đồng ý với một phương án hướng tuyến nào. Nguyên nhân là do các phương án chưa giải quyết dứt điểm những ảnh hướng đến hoạt động của cảng Cát Lái, cũng như điều tiết lưu lượng được phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Thị Định ra vào nút giao Mỹ Thủy.
Gần đây nhất, vào tháng 4.2021, các cơ quan chức năng giữa 2 địa phương đã tiếp tục họp bàn về dự án này. Tại cuộc họp, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng phương án 2 về cơ bản đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động hiện hữu của cảng Cát Lái và tiết giảm lưu lượng giao thông trên đường Nguyễn Thị Định ra vào nút giao Mỹ Thủy.
Theo phương án 2, hướng tuyến cụ thể khi thực hiện xây dựng cầu Cát Lái được xác định có điểm đầu giao cắt với đường vành đai 2 tại cầu Kỳ Hà 3 và 4, tuyến đi dọc theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi qua khu vực đất nông nghiệp thuộc các xã Phú Hữu và Phú Đông (huyện Nhơn Trạch) và cắt qua đường tỉnh 25C, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại điểm cuối dự án.
Đáng chú ý, để thực hiện xây dựng cầu Cát Lái theo như phương án đề xuất, 2 địa phương Đồng Nai và TP.HCM cần thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất khoảng 40ha. Cụ thể, đối với dự án thành phần 1, diện tích đất chiếm dụng của dự án là hơn 16ha, trong đó trên địa bàn TP.HCM là khoảng 5,6ha, trên địa bàn Đồng Nai là hơn 10,5ha. Đối với dự án thành phần 2, diện tích đất chiếm dụng của dự án là gần 24ha.
Dù cơ bản đánh giá phương án 2 đã khắc phục được các tồn tại khi xây dựng cầu Cát Lái nhưng Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vẫn cho rằng phương án này còn có một số điểm cần phải rà soát, đánh giá lại để điều chỉnh, bổ sung thành một phương án tối ưu. Do đó, việc xác định được một thời điểm chính xác để khởi công xây dựng cầu Cát Lái vẫn đang nằm ở “chế độ chờ”.
Môi giới liên tục đồn thổi để tạo “sốt đất”
Theo đánh giá của giới bất động sản, nếu cầu Cát Lái được triển khai thi công thì Đồng Nai là địa phương được hưởng lợi nhiều hơn, trong đó có lợi ích rất lớn của các “đại gia” sở hữu quỹ đất ở Nhơn Trạch, Long Thành… Mặc dù sự ngăn cách chỉ là 1 cây cầu nhưng khoảng cách giá đất quận 2 và Nhơn Trạch khá lớn. Do đó, thông tin cầu Cát Lái sắp triển khai luôn là chiêu “tạo sốt đất” mà môi giới và doanh nghiệp bất động sản ở Đồng Nai sử dụng trong hàng chục năm qua.
Để hâm nóng thông tin này, cứ khoảng 2 - 3 tháng môi giới lại tung ra một văn bản với nội dung Đồng Nai mời TP.HCM họp để nghiên cứu phương án triển khai cầu Cát Lái. Hàng chục năm qua, Nhơn Trạch đã rất nhiều lần khiến các nhà đầu tư "hụt hơi" chạy đua theo những cơn sốt nhưng sau đó lại thất vọng.
Nhiều chuyên gia đánh giá Nhơn Trạch dù có nhiều tiềm năng để phát triển, quỹ đất còn nhiều, lại kế bên TP.HCM nhưng lại chưa được kết nối giao thông đồng bộ, điều này làm cho Nhơn Trạch luôn bị nhắc đến với cái tên "thành phố ma", "cú lừa thập niên"….
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng cầu Cát Lái nối khu vực quận 2, TP.HCM với khu đô thị Nhơn Trạch, Đồng Nai kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường bất động sản ở Nhơn Trạch khởi sắc hơn. Nguyên nhân là bởi nơi đây có vị trí liền kề với TP.HCM và là cửa ngõ giao thương kinh tế vùng TP.HCM – Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu.
Việc các dự án hạ tầng quan trọng như sân bay quốc tế Long Thành hay cầu Cát Lái được xây dựng sẽ giúp bất động sản Nhơn Trạch khởi sắc. Tuy nhiên, đây là câu chuyện dài hạn, không phải một sớm một chiều nên nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hơi với thị trường này.
“Giới đầu nậu và cò đất áp dụng thủ đoạn tung hỏa mù, thực thực hư hư, lợi dụng các thành quả phát triển hạ tầng giao thông, các thông tin chính thống để tung tin thất thiệt. Họ lợi dụng các tin đồn để kích, đẩy giá đất để thủ lợi tối đa trong phân khúc thị trường đất nền. Các nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng theo tâm lý đám đông có thể bị sập bẫy, bị thiệt hại nặng khi thị trường hạ nhiệt”, ông Châu cảnh báo.
Nhiều chuyên gia bất động sản cũng khuyến cáo người mua cần thận trọng tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định, tránh tâm lý đám đông. Vì thực tế thông tin xây cầu Cát Lái đã có từ lâu chứ không phải mới bây giờ, hơn nữa thời điểm cụ thể xây cầu cũng chưa được chính thức công bố.