Sau chuyến thăm Campuchia, ngày 14.10 Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới Bangladesh sau hơn 30 năm không có một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước nào của Trung Quốc đến quốc gia Nam Á này. Các công ty Trung Quốc và Bangladesh đã ký kết các thỏa thuận ưu đãi về thương mại và đầu tư trị giá lên đến 19 tỉ USD.
Ông Abdul Matlub Ahmad, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh (FBCCI), nhận xét: “Các thỏa thuận gửi đi tín hiệu tích cực cho thấy Bangladesh là điểm đến hấp dẫn và an toàn cho nhà đầu tư”.
Phó chủ tịch Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) cho biết "rất nhiều doanh nhân Trung Quốc muốn đầu tư vào Bangladesh”.
Ngoài ra, chính phủ hai nước còn ký hợp đồng tín dụng, theo đó Trung Quốc dành khoản vay lên đến 20 tỉ USD cho Bangladesh. Hai bên cũng đã ký thỏa thuận xúc tiến nghiên cứu một hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Bangladesh trong tương lai.
30 năm gần như lãng quên, bỗng dưng Bắc Kinh nhanh chóng thân thiện với Dhaka, điều đó khiến nhiều nghi vấn được đặt ra cho động thái này. Mục đích của lòng hữu hảo vượt thời gian này là gì? Phải chăng vì thị trường tiêu dùng hơn 100 triệu dân ngay sát nách đang bị bỏ ngỏ? Phải chăng vì một thị trường lao động giá rẻ đầy hấp dẫn?
Theo cá nhân người viết thì mục đích của việc tăng cường quan hệ Bắc Kinh - Dhaka không chỉ ở lợi ích kinh tế Bắc Kinh mang tới vùng đất nghèo khó này, mà đó là bước đi quan trọng của Trung Nam Hải, thể hiện quyết tâm gạt hẳn ảnh hưởng của Washington ra khỏi Nam Á để dễ dàng thực hiện mưu đồ chiến lược của mình.
Thủ đô Dhaka chào đón ông Tập với tượng các nhà lãnh đạo Bangladesh và Trung Quốc bằng giấy bồi dựng bên đường - Ảnh: Crienglish
Hoàn tất hàng rào bao quanh Ấn Độ
Đến nay chỉ còn ba tiểu quốc Bhutan, Maldives và Sri Lanka là chưa nằm trong vòng chiến lược của Bắc Kinh tại Nam Á. Các quốc gia Nepal, Pakistan, Afghanistan và nay là Bangladesh đã bị cuốn theo lợi ích của Bắc Kinh. Nhìn vào địa-chính trị tại khu vực Nam Á cho thấy hàng rào quanh Ấn Độ đã được Bắc Kinh hoàn tất và Bangladesh là mảnh ghép cuối cùng.
Có thể nhận diện, lúc này ý tưởng của Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi muốn “biến Nam Á từ chiến trường thành thị trường” thì chỉ Bắc Kinh mới có thể giúp New Delhi hiện thực hóa được. Vòng vây bao quanh Ấn Độ đang được Trung Nam Hải khép dần để đưa Modi vào thế phải chấp nhận chia sẻ lợi ích với Bắc Kinh chứ không thể hướng theo một quỹ đạo khác.
Pakistan - quốc gia láng giềng có ảnh hưởng quan trọng nhất tới sách lược “biến rào cản thành những cây cầu lợi ích” của Modi - hiện đã là đối tác chiến lược của Bắc Kinh. Cặp đôi Bắc Kinh - Islamabad đang khiến cho New Delhi gặp rất nhiều khó khăn khi xung đột Pakistan - Ấn Độ bùng phát tại khu vực tranh chấp Kashimir, nơi có lợi ích của Bắc Kinh.
Với Afghanistan xa xôi hẻo lánh, Bắc Kinh đã có tuyến đường sắt kết nối với quốc gia này. Trong khi Ấn Độ còn đang loay hoay tìm cơ chế khai thác lợi ích của quan hệ Ấn Độ - Afghanistan thì con tàu lợi ích Trung Quốc đã mang đến vùng đất nóng này nhiều lợi ích chiến lược. Tuyến đường sắt của Bắc Kinh tách biệt Tây Á và Nam Á quá lợi hại với Bắc Kinh.
Với “tiểu nhược” Nepal, trước đây chỉ cần một tháng Ấn Độ đóng cửa biên giới là có thể khiến Kathmandu không còn đủ dưỡng khí để thở. Nay tiền của Bắc Kinh đã khiến Nepal tạo thế bập bênh khai thác lợi ích từ Ấn Độ theo ý muốn. Nhờ vậy, hiện nay Kathmandu đã có thể thách thức những nước cờ mới của New Delhi.
Và nay Trung Nam Hải đã tăng cường kết nối với Bangladesh - mảnh ghép cuối cùng, điều này khiến cho hàng rào bao quanh Ấn Độ trở nên chặt chẽ hơn. Sẽ đến lúc Ấn Độ không thể cựa quậy được và lúc đó Bắc Kinh, chứ không phải Washington, mới là nơi cầu lợi ích của Modi cần kết nối.
Tạo cộng hưởng cho Moscow kết nối New Delhi
Trong khi Tập Cận Bình có mặt tại Bangladesh thì Putin cũng có mặt tại Ấn Độ để tăng cường quan hệ Moscow - New Delhi. Sau hội đàm giữa Tổng thống Putin với Thủ tướng Modi, nhiều thỏa thuận đã được hai bên ký kết. Một liên doanh Nga - Ấn ra đời sẽ sản xuất ít nhất 200 máy bay trực thăng Kamov 226T đáp ứng cho nhu cầu của quân đội Ấn Độ.
Bloomberg ngày 15.10 ghi nhận Ấn Độ là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chủ yếu là do thiếu năng lực sản xuất trong nước. Từ năm 2011 đến năm 2015, gần 40% xuất khẩu vũ khí của Nga tới Ấn Độ, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Modi đã cố gắng để thúc đẩy công nghiệp quốc phòng trong nước với chính sách "made in India”, từ đó liên kết với công ty quốc phòng nước ngoài để chuyển giao công nghệ.
Hai bên cũng đã ký thỏa thuận cung ứng mua hệ thống tên lửa của Nga cho Ấn Độ. Theo đó Ấn Độ sẽ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf với giá hơn 5 tỉ USD. Giới quân sự Ấn Độ cho biết hệ thống S-400 Triumf sẽ tăng đáng kể sức mạnh quân sự của Ấn Độ dọc biên giới giáp Trung Quốc và Pakistan.
Ngoài ra, thỏa thuận mua 4 tàu khu trục cho hải quân Ấn Độ, thỏa thuận hợp tác năng lượng 2016-2017, thỏa thuận đầu tư trị giá 12 tỉ USD phát triển cơ sở hạ tầng ngành lọc dầu giữa hai tập đoàn dầu khí Rosneft (Nga) và Essar (Ấn), bản ghi nhớ về hợp tác an ninh mạng cũng đã được hai bên ký kết.
Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi chuyến thăm của ông đến Bangladesh là bước ngoặt lịch sử trong quan hệ Bắc Kinh - Dhaka, cùng lúc Thủ tướng Modi hân hoan thông báo chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Ấn Độ lần này đã tạo ổn định cho quan hệ đối tác chiến lược Moscow - New Delhi.
Như vậy là cặp bài trùng Putin - Tập Cận Bình đã “nội công ngoại kích” Ấn Độ, tạo đòn bẩy khiến New Delhi ngày càng lệ thuộc vào trục Moscow - Bắc Kinh.
Khi Trung Nam Hải gây sức ép thì Kremlin giải tỏa ngay, từ đó khiến cho các chính sách của Modi sẽ phải tập trung vào khối BRICS, nơi mà Bắc Kinh đang đóng vai trò chủ xị để dựa vào đó thách thức Washington.
Ấn Độ sẽ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga với giá hơn 5 tỉ USD - Ảnh: Sputnik
Tăng cường khả năng kiểm soát Ấn Độ Dương
Cho đến giờ phút này, chiến lược xoay trục của Washington về châu Á - Thái Bình Dương đang gặp rất nhiều trở ngại. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không biết khi nào mới có thể vận hành khiến cho việc xoay trục giảm đi sự ảnh hưởng, bởi lợi ích từ TPP được xem là nền tảng cho chiến lược xoay trục của Washington.
Việc ông Obama “nhổ neo” quá sớm khiến Washington không thể tựa lưng vào các đồng minh cũ tại Đại Tây Dương và Địa Trung Hải để hỗ trợ xây trụ móng cho trục mới tại châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Đông nóng bỏng quá xa xôi và cũng đang dần tuột khỏi tầm kiểm tỏa của Washington, vì vậy khu vực Nam Á - Ấn Độ Dương được xem là sân sau cho trục mới của Mỹ. Quan hệ chiến lược Pakistan - Mỹ đã bị Bắc Kinh làm nhạt nhòa bởi nhiều lợi ích, vì vậy Mỹ tăng cường kết nối với Ấn Độ.
Có thể thấy từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền, Mỹ đã thể hiện chính sách ngoại giao thân thiện với Ấn Độ. Thủ tướng Modi đã 4 lần đến Mỹ và 7 lần gặp Tổng thống Obama kể từ khi nhậm chức năm 2014.
Hơn 2 năm trước, đương kim Thủ tướng Ấn Độ còn bị cấm sang Mỹ do bị cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo thì ngày 8.6.2016, ông Modi đã có bài phát biểu lịch sử trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Điều đó cho thấy quan hệ Mỹ - Ấn quan trọng nhường nào, bởi lẽ nắm được New Delhi thì Washington mới có thể kiểm soát được Nam Á và kiềm tỏa Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, khi nước Mỹ còn đang bận rộn với mùa bầu cử, Bắc Kinh đã nhanh chóng vô hiệu hóa các bước đi chiến lược chưa được định hình rõ nét của Washington tại bàn cờ chính trị mới ở Nam Á.
Khi nắm được Bangladesh, Bắc Kinh sẽ kiểm soát vịnh Bengal, nơi dự án “4 trong 1”, nhánh đi tắt cho con đường tơ lụa mới của Trung Nam Hải, phát huy lợi ích. Thế là Bắc Kinh đã kiểm soát “người khổng lồ” Ấn Độ ở mạn biển, từ Myanmar và Bangladesh ở phía đông vòng lên Pakistan ở phía tây, từ đó hạn chế tối đa con tàu lợi ích Mỹ buông neo tại bến đậu mới khai thông này. Sự chậm trễ của Washington nhưng lại vội vã với Obama khi chuyển trục đối ngoại đã giúp Trung Nam Hải dễ dàng hơn khi thực hiện các chiến lược của mình.
Tóm lại, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Bangladesh - một vùng đất bị lãng quên hơn 30 năm - và xây dựng mối quan hệ thân thiện vượt thời gian là một bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn với mưu đồ chiến lược của Trung Nam Hải. Khi hàng rào vây quanh Ấn Độ có được mảnh ghép cuối cùng thì cũng là lúc Bắc Kinh thể hiện rõ quyết tâm gạt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Washington tại khu vực Nam Á đầy lợi hại này.
Ngọc Việt