Tạp chí Time đã xếp hạng Giám đốc Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và Chủ tịch ByteDance (chủ sở hữu TikTok) trong số 100 người có ảnh hưởng nhất làm việc về trí tuệ nhân tạo (AI) vì tác động của họ với lĩnh vực này tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thế giới số

Tạp chí Time vinh danh Giám đốc Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cùng CEO của ByteDance, Google, Meta

Sơn Vân 08/09/2024 11:20

Tạp chí Time đã xếp hạng Giám đốc Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và Chủ tịch ByteDance (chủ sở hữu TikTok) trong số 100 người có ảnh hưởng nhất làm việc về trí tuệ nhân tạo (AI) vì tác động của họ với lĩnh vực này tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

tap-chi-noi-tieng-my-vinh-giam-doc-cuc-quan-ly-khong-gian-mang-trung-quoc-va-ceo-bytedance-ben-canh-ceo-google-nvidia-meta.jpg

Zhuang Rongwen, Giám đốc Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, đã lọt vào danh sách Time 100 AI thường niên lần thứ hai của tạp chí Time (Mỹ) với tư cách là 1 trong 15 người trong hạng mục lãnh đạo vì đã thực hiện một nhiệm vụ mà một số người cho là bất khả thi: Áp đặt các hoạt động kiểm duyệt của Trung Quốc với công nghệ AI tạo sinh không thể đoán trước mà không kìm hãm sự đổi mới trong nước".

Dưới sự giám sát của Zhuang Rongwen kể từ năm 2018, cơ quan này đã tạo nên lịch sử vào mùa hè năm ngoái bằng cách ban hành quy định AI tạo sinh đầu tiên trên thế giới, chưa đầy một năm sau khi công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) ra mắt ChatGPT cuối tháng 11.2022. Bộ quy tắc yêu cầu các công ty phải có sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc với các mô hình AI trước khi phát hành chúng.

Những nhà lãnh đạo AI khác từ Trung Quốc lọt vào danh sách Time 100 AI là Liang Rubo (Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ByteDance) và Wang Xiaochuan (người sáng lập công ty khởi nghiệp Baichuan AI).

ByteDance đã xem AI là một trong những ưu tiên hàng đầu những năm gần đây. Công ty đã ra mắt các chatbot Cici và Doubao, đồng thời tạo ra trình tạo video Jimeng AI. Song với việc TikTok đang phải đối mặt với sự giám sát chính trị nghiêm ngặt tại Mỹ, “đừng mong đợi sẽ có sự nới lỏng nào khi nói đến các ứng dụng AI rộng lớn hơn của ByteDance", Time cho biết.

Hồi tháng 1, Liang Rubo chỉ trích nhân viên vì phản ứng quá chậm với sự xuất hiện của các công nghệ mới như AI tạo sinh. Liang Rubo nói vào thời điểm đó rằng nhân viên không bắt đầu thảo luận về ChatGPT cho đến nhiều tháng sau khi chatbot AI của OpenAI trình làng.

Nỗ lực thúc đẩy AI tạo sinh của ByteDance đang mang lại hiệu quả.

Phần mềm chỉnh sửa video CapCut của gã khổng lồ truyền thông xã hội ByteDance (chủ sở hữu TikTok) và mô hình AI Doubao dẫn đầu lượt tải xuống ứng dụng AI toàn cầu hồi tháng 7, theo hãng nghiên cứu ngành Unique Capital. Gauth của ByteDance nằm trong số 3 ứng dụng giáo dục miễn phí hàng đầu tại Mỹ trên Apple App Store và Google Play từ tháng 2 đến tháng 5, theo dịch vụ phân tích ứng dụng di động AppMagic.

Thành lập vào tháng 4.2023, Baichuan AI đã được công nhận là 1 trong 4 con hổ AI của Trung Quốc. Đó là 4 công ty khởi nghiệp được coi là tiên phong mới trong lĩnh vực này.

Baichuan AI của Wang Xiaochuan đã công bố vòng gọi vốn mới nhất trị giá khoảng 5 tỉ nhân dân tệ (687,6 triệu USD) vào tháng 7, định giá công ty ở mức hơn 20 tỉ nhân dân tệ. Các nhà đầu tư vào Baichuan AI có một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc, gồm Alibaba, Tencent và Xiaomi, cùng một số quỹ do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn.

Wang Xiaochuan sáng lập và cựu Giám đốc điều hành Sogou, từng là công cụ tìm kiếm internet lớn thứ hai Trung Quốc sau Baidu. Tencent đã mua lại Sogou vào năm 2021.

Những nhân vật khác từ các hãng công nghệ lớn được nêu tên trong danh sách Time 100 AI là Giám đốc điều hành Google - Sundar Pichaai, Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella, Giám đốc điều hành Nvidia - Jensen Huang, Giám đốc điều hành Meta Platforms - Mark Zuckerberg và Giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman.

screenshot-2024-09-08-105717.jpg
Nghiên cứu của nhà khoa học máy tính Andrew Chi-chih Yao đã tác động đến thương mại điện tử và quản lý tài sản tiền điện tử - Ảnh: Weibo

Các hạng mục khác trong danh sách của tạp chí Time là nhà đổi mới, nhà tư tưởng và nhà định hình. Nhà khoa học máy tính Andrew Yao Chi-chih (Trung Quốc) được vinh danh là 1 trong 23 nhà tư tưởng, cùng hai nhà khoa học máy tính người Mỹ là Ray Kurzweil và Ilya Sutskever (đồng sáng lập và cựu Giám đốc khoa học OpenAI).

Andrew Yao Chi-chih, người đoạt giải Turing và là Hiệu trưởng Viện Khoa học thông tin liên ngành của Đại học Thanh Hoa, đã đào tạo ra một thế hệ doanh nhân và học giả. Học trò của ông là những người đứng sau một số công ty khởi nghiệp triển vọng nhất ở Trung Quốc, gồm cả gã khổng lồ AI Megvii và công ty xe tự hành Pony.ai.

Giáo sư luật Zhang Linghan cũng nằm trong số 37 nhà định hình.

Bà Zhang Linghan, Giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, là tác giả chính của bản dự thảo sơ bộ của luật AI toàn diện được công bố vào tháng 3. Thách thức lớn nhất trong việc soạn thảo luật như vậy là "làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu phát triển và nhu cầu an toàn", Zhang Linghan cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3 với ấn phẩm Legal Weekly.

Danh sách đầu tiên năm ngoái của tạp chí Time có Robin Li Yanhong (đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Baidu), Lee Kai-fu (nhà đầu tư mạo hiểm và người sáng lập công ty khởi nghiệp 01.AI) và giáo sư Yi Zeng từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Lee Kai-fu: ‘Đến nay không có chatbot hoặc công cụ AI nào của Trung Quốc đủ tốt’

Nhà tiên phong công nghệ Lee Kai-fu (Lý Khai Phục) nói rằng Trung Quốc không có “khoảnh khắc ChatGPT” như Mỹ cách đây 17 tháng.

01.AI, công ty khởi nghiệp ở thủ đô Bắc Kinh do Lee Kai-fu (cựu Chủ tịch Google Trung Quốc) thành lập, hồi tháng 5 đã giới thiệu ứng dụng AI đầu tiên của mình cho người tiêu dùng.

Cụ thể hơn, 01.AI phát hành trợ lý năng suất miễn phí có tên Wanzhi, ứng dụng mới nhất trong loạt sản phẩm AI mà công ty đang phát triển.

Tương tự Office 365 Copilot của Microsoft, Wanzhi giúp người dùng tạo bảng tính, tài liệu và bản trình bày trình chiếu nhanh hơn, nhưng chủ yếu được thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc.

Wanzhi có thể giải thích các báo cáo tài chính, ghi lại nội dung cuộc họp và đọc nhanh các cuốn sách dài tới 600.000 từ của Elon Musk để đưa ra bản tóm tắt nhanh. Ứng dụng này hoạt động bằng tiếng Trung và tiếng Anh.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, Lee Kai-fu nói rằng Trung Quốc cần có ChatGPT của riêng mình để tăng tốc sự quan tâm, áp dụng và đầu tư. ChatGPT bị cấm ở Trung Quốc.

“Với người Mỹ, thời điểm này đã xảy ra cách đây 17 tháng. Người dùng Trung Quốc không có khoảnh khắc ChatGPT. Đến nay, chưa có chatbot hay công cụ AI nào của Trung Quốc đủ tốt”, Lee Kai-fu nhận xét.

Trong khi các công ty Mỹ như OpenAI, Meta Platforms và Alphabet đã dẫn đầu về AI tạo sinh thì các hãng Trung Quốc đang nỗ lực hết mình để bắt kịp. Ngoài 01.AI, các hãng công nghệ lớn Trung Quốc như Baidu, Alibaba, ByteDance đang rót vốn để phát triển các mô hình AI và dịch vụ chatbot riêng.

Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ tài chính và đưa ra chính sách về AI. Trung Quốc cấm các mô hình AI nước ngoài một phần vì chế độ kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt, nhưng Great Firewall (Tường lửa vĩ đại) cũng đảm bảo rằng các công ty trong nước sẽ có một thị trường địa phương khổng lồ mà không có sự cạnh tranh từ bên ngoài.

tap-chi-noi-tieng-my-vinh-giam-doc-cuc-quan-ly-khong-gian-mang-trung-quoc-va-ceo-bytedance-ben-canh-ceo-google-nvidia-meta2.jpg
Lý Khai Phục nói rằng Trung Quốc cần có ChatGPT của riêng mình để tăng tốc sự quan tâm, áp dụng và đầu tư - Ảnh: Getty Images

Sinh ra ở Đài Loan, Lee Kai-fu (62 tuổi) từng làm việc cho Apple và Google trước khi thành lập công ty đầu tư mạo hiểm của riêng mình hơn một thập kỷ trước. Ông trở thành Giám đốc điều hành 01.AI vào năm ngoái.

01.AI đã đạt được mức định giá 1 tỉ USD (hay trạng thái kỳ lân) trong vòng 8 tháng nhờ sức mạnh của mô hình AI nguồn mở vượt trội so với các đối thủ ở Thung lũng Silicon về một số thước đo chính.

Ngoài Wanzhi, 01.AI đang giới thiệu một mô hình ngôn ngữ lớn (công nghệ nền tảng cho chatbot AI) độc quyền lớn hơn được gọi là Yi-Large, nhắm đến người dùng doanh nghiệp.

Các nhà phát triển phần mềm sẽ có thể sử dụng Yi-Large với mức giá cạnh tranh. Lee Kai-fu cho biết giao diện lập trình ứng dụng (API) của Yi-Large sẽ có giá 2,50 USD cho 1 triệu token đầu vào và 12 USD cho 1 triệu token đầu ra. Khoảng 1 triệu token cho phép nhà phát triển gửi khoảng 250 truy vấn qua lại. Ông nói con số đó ít hơn nhiều so với GPT-4 Turbo của OpenAI.

Trong lĩnh vực AI và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, token là đơn vị của dữ liệu được sử dụng để biểu diễn văn bản. Token đầu vào và token đầu ra lần lượt mô tả cách mô hình AI tiếp nhận và xuất ra thông tin.

Giống như nhiều công ty Trung Quốc, 01.AI đã tích trữ bộ xử lý đồ họa (GPU) từ Nvidia kể từ khi rộ tin chính phủ Mỹ lên kế hoạch cấm xuất khẩu chip cao cấp sang quốc gia châu Á này, chẳng hạn H100 được sử dụng để đào tạo các dịch vụ AI hàng đầu.

Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đầu tư vào 01.AI, đã cung cấp thêm nguồn cung H100 cho công ty của Lee Kai-fu. Ngoài ra, 01.AI bổ sung nhu cầu của họ bằng GPU Nvidia H800 chậm hơn và kém mạnh mẽ hơn H100 một chút.

Lee Kai-fu cho biết: “Các mô hình AI của chúng tôi được đào tạo dựa trên những Nvidia H100 được đưa vào Trung Quốc một cách hợp pháp. Nghịch cảnh là mẹ của sự sáng tạo và chúng tôi tận dụng mọi thứ có thể từ khả năng tính toán có sẵn”.

Ngược lại với nhiều công ty khởi nghiệp AI toàn cầu, Lee Kai-fu cho biết 01.AI sắp có lãi. Sau khi đào tạo các mô hình AI trên các bộ dữ liệu Trung Quốc và thế giới, Lee Kai-fu đang đưa các mô hình và ứng dụng A này ra toàn cầu, đồng thời thu hút khách hàng trong và ngoài nước để tăng doanh thu vào năm tới.

Sau một tháng rưỡi thử nghiệm trên người dùng, 01.AI đang tung ra phiên bản Wanzhi dành cho trình duyệt PC (máy tính cá nhân) với các tính năng toàn diện hơn và phiên bản dành cho điện thoại di động, có thể truy cập thông qua dịch vụ nhắn tin WeChat. Lee Kai-fu xuất hiện trong các video hướng dẫn trên Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok) để hướng dẫn người dùng tiềm năng.

Ông cho biết: “2024 sẽ là năm bùng nổ với các ứng dụng AI tạo sinh ở Trung Quốc”.

Hồi tháng 5, Lee Kai-fu cho biết 01.AI đã hoàn thành việc huy động khoản đầu tư thứ hai trị giá 250 triệu USD trước vòng gọi vốn Series A trong vài tuần sau đó, và đến cuối năm nay sẽ bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư cho vòng Series A.

Công ty đã tinh gọn các quy trình phần cứng và phần mềm của mình để tối đa hóa hiệu quả và giảm chi phí.

Lee Kai-fu nói: “Khi GPT-5 xuất hiện, chúng tôi sẽ đi sau một bước”, đề cập đến mô hình ngôn ngữ lớn thế hệ tiếp theo của OpenAI. Thế nhưng, 01.AI tập trung vào việc làm cho AI có giá cả phải chăng thay vì tạo ra những mô hình đồ sộ, đắt tiền hơn.

“Bạn có thể chế tạo một tàu vũ trụ khổng lồ tuyệt vời, nhưng nó có thể đưa bạn từ thành phố Sacramento đến San Francisco (Mỹ) không?”, ông đặt câu hỏi, ám chỉ việc tạo ra các mô hình lớn và phức tạp không nhất thiết là giải pháp tốt nhất mà cần tập trung vào giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạp chí Time vinh danh Giám đốc Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cùng CEO của ByteDance, Google, Meta