Lần đầu tiên sau hơn 4 thập kỷ, con người đã đưa được mẫu đất đá của Mặt trăng về Trái đất.
Khoang tàu vũ trụ chứa mẫu đất và sỏi Mặt trăng đã hạ cánh xuống Nội Mông lúc 0 giờ 59 ngày 17.12 (giờ Việt Nam), kết thúc nhiệm vụ Hằng Nga 5 của Trung Quốc. Lần lấy mẫu vật Mặt trăng gần đây nhất là nhiệm vụ Luna 24 của Liên Xô, giúp mang về 170g vật chất vào năm 1976. Lượng mẫu vật mà tàu Hằng Nga 5 mang về dự kiến khoảng 2kg nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch trên bề mặt Mặt trăng.
Tàu Hằng Nga 5 gồm 4 module nặng 8.200kg được phóng vào ngày 23.11 và tới quỹ đạo Mặt trăng 5 ngày sau đó. Hai trong số 4 module là tàu đổ bộ và phương tiện cất cánh đáp xuống gần khu vực Mons Rümker, một ngọn núi lửa trong vùng lòng chảo khổng lồ Oceanus Procellarum vào ngày 1.12.
Tàu đổ bộ chạy bằng năng lượng mặt trời được trang bị camera, radar xuyên đất và máy quang phổ hình ảnh để khám phá môi trường xung quanh. Nhưng nhiệm vụ chính của tàu trong 2 ngày tiếp theo là thu thập mẫu từ bề mặt Mặt trăng và ở độ sâu 2m dưới lòng đất.
Vào ngày 3.12, phương tiện cất cánh mang theo mẫu vật phóng lên quỹ đạo thấp của Mặt trăng để gặp 2 module còn lại là tàu quay quanh quỹ đạo và khoang hồi quyển 2 ngày sau đó. Việc cất cánh đã làm hư hỏng tàu đổ bộ. Tàu ngừng hoạt động hôm 11.12 khi bóng tối bao trùm Mons Rümker nhưng đây không phải là mất mát to lớn.
Đội chuyên viên của nhiệm vụ Hằng Nga 5 đã phá hủy phương tiện cất cánh vào ngày 7.12, đưa phương tiện này trở lại Mặt trăng bằng một vụ tai nạn. Năm ngày sau, tàu quay quanh quỹ đạo và khoang hồi quyển bắt đầu hành trình trở về Trái đất.
Video về chuyến hành trình lấy mẫu vật Mặt trăng của tàu Hằng Nga 5
Hằng Nga 5 là nhiệm vụ mới nhất trong chương trình khám phá Mặt trăng của Trung Quốc. Tàu Hằng Nga 1 và 2 bay quanh quỹ đạo Mặt trăng lần lượt vào năm 2007 và 2010. Tàu Hằng Nga 3 đưa trạm đổ bộ và robot tự hành tới vùng sáng của Mặt trăng vào tháng 12.2013.
Tiếp theo sứ mệnh Hằng Nga T1 đã phóng nguyên mẫu khoang hồi quyển quanh Mặt trăng vào tháng 10.2014 để chuẩn bị cho hoạt động đổ bộ. Sau đó, nhiệm vụ Hằng Nga 4 cất cánh vào tháng 1.2019, hạ cánh xuống vùng tối của Mặt trăng cùng với trạm đổ bộ và robot thăm dò.
Dù nhiệm vụ Hằng Nga 5 diễn ra thành công, các nhà nghiên cứu vẫn cần xem xét và đánh giá mẫu vật. Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 3 mang mẫu vật Mặt trăng về Trái đất. Hai nước trước đó là Liên Xô và Mỹ. 6 nhiệm vụ Apollo từ năm 1969 đến 1972 đã thu thập tổng cộng 382 kg mẫu đất đá Mặt trăng.
Các nhà khoa học nói rằng các mẫu vật Mặt trăng từ khoang tàu vũ trụ Hằng Nga 5 sẽ cung cấp hiểu biết mới về lịch sử và sự tiến hóa của Mặt trăng, do đất đá ở vùng Mons Rümker được cho là hình thành cách đây 1,2 tỉ năm trước hoặc lâu hơn.
Bradley Jolliff, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Washington, cho biết: “Tất cả đá núi lửa mà các nhiệm vụ Apollo thu thập được đều có tuổi đời hơn 3 tỉ năm. Vì vậy, mẫu vật do Hằng Nga 5 thu thập sẽ lấp đầy một khoảng trống quan trọng”.
Cuộc hạ cánh hôm nay là lần trở lại Trái đất thứ hai của một tàu vũ trụ chỉ trong 11 ngày. Vào ngày 5.12, tàu thăm dò Hayabusa2 của Nhật Bản đã hạ cánh ở một vùng hẻo lánh ở Australia. Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã xác nhận sự hiện diện của một “lượng lớn” mẫu đất từ tiểu hành tinh Ryugu - cách Trái đất hơn 300 triệu km, trong khoang chứa. Sứ mệnh OSIRIS-REx của NASA dự kiến cũng sẽ mang về các mẫu của tiểu hành tinh gần Trái đất Bennu vào tháng 9.2023.