Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, loại tên lửa tầm ngắn mới của Triều Tiên có thể xuyên thủng lá chắn phòng thủ của nước này, khi nó có đường bay khó xác định.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya ngày 27.8 cho biết, Tokyo tin rằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới của Triều Tiên với quỹ đạo bay bất thường của nó có thể dễ dàng vượt ra các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay.
Nhật Bản hiện đang rất lo lắng trước các vụ thử tên lửa liên tục gần đây của Triều Tiên, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng những vụ thử tên lửa này "không nguy hiểm".
Hiện cả Mỹ và Nhật Bản đang triển khai các khu trục hạm trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis ở khu vực biển Nhật Bản. Nhật Bản cũng có kế hoạch trang bị hai hệ thống Aegis trên đất liền để bảo vệ không phận của mình chống tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, hệ thống này chỉ có thể chống lại các tên lửa đạn đạo, vốn bay theo một quỹ đạo cố định, có thể tính toán được để đánh chặn. Trong khi đó, loại tên lửa mới của Triều Tiên có thể thay đổi quỹ đạo trong khi bay, khiến việc đánh chặn nó trở nên khó khăn hơn nhiều lần.
"Phân tích chi tiết về các vụ phóng mới nhất của Triều Tiên đang được tiến hành với Mỹ", một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hôm 27.8.
Cũng trong ngày 27.8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức một phiên họp khẩn bàn về hành động phóng liên tục tên lửa mới của Triều Tiên theo yêu cầu của Đức, Pháp và Anh. Ba nước này đã lên án các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Bình Nhưỡng và cho rằng hành động này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Các lệnh trừng phạt quốc tế phải được giữ nguyên và được thực thi đầy đủ và nghiêm ngặt cho đến khi các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên bị dỡ bỏ. Điều quan trọng là Hội đồng Bảo an cho thấy sự đồng thuận trong việc duy trì các lệnh trừng phạt của mình", đại diện của Anh, Đức, Pháp tuyên bố sau cuộc họp này.
Thiên Hà (theo The Guardian)