Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, xét trên thang điểm từ 0 - 100 của Chỉ số cảm nhận tham nhũng, trong đó 0 là tham nhũng nghiêm trọng và 100 là rất trong sạch. Theo đó, vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.

Tham nhũng ở khu vực công của Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng

Trí Lâm | 22/02/2018, 12:44

Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, xét trên thang điểm từ 0 - 100 của Chỉ số cảm nhận tham nhũng, trong đó 0 là tham nhũng nghiêm trọng và 100 là rất trong sạch. Theo đó, vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.

          

Ngày 22.2, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công.Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu.

Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, cho rằng, việc tăng nhẹ điểm CPI trong hai năm liên tiếp (2016-2017) là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua. Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 - 100 của CPI, trong đó 0 là tham nhũng nghiêm trọng và 100 là rất trong sạch, vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.

Kết quả này cũng tái khẳng định đánh giá của Đảng và Nhà nước về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”.

Năm 2016, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, điểm số của Việt Nam tăng nhẹ (tăng 2 điểm so với mức điểm 31/100 trong suốt các năm từ 2012 đến 2015).

Trong năm 2017, với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, công tác PCTN trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về PCTN như tiến hành sửa đổi Luật PCTN hiện hành theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai Kế hoạch Hành động Quốc Gia về các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 (SDGs), nhằm đạt được những thay đổi mang tính hệ thống, bền vững và “giảm đáng kể mọi loại hình tham nhũng và hối lộ” đến năm 2030, Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, củng cố và xây dựng các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội.

Điểm CPI của Việt Nam qua các năm - Ảnh Tổ chức Minh bạch Quốc tế

Cụ thể, TT khuyến nghị, đối với Nhà nước, cần nâng cao tính hiệu quả trong công tác giám sát của Quốc hội và tính độc lập trong xét xử của các cơ quan tư pháp; đẩy mạnh nỗ lực PCTN trong các lĩnh vực người dân thường xuyên phải đối mặt với hối lộ và tham nhũng (cảnh sát, y tế công, giáo dục công).

Cùng với đó là mở rộng không gian xã hội dân sự, thiết lập và củng cố cơ chế tham gia hiệu quả để người dân, báo chí và các tổ chức xã hội ngoài nhà nước tham gia vào quá trình ra quyết định và giám sát các hoạt động quản lý nhà nước; Hoàn thiện cơ sở pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân và cộng đồng vào công tác PCTN.

Đối với Doanh nghiệp, tham nhũng đe dọa đến khả năng cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp, vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tham gia PCTN, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao uy tín và tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường năng lực PCTN nội bộ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm xây dựng, thực hiện và công bố công khai chương trình PCTN của doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử, trên cơ sở tham khảo các chuẩn mực quốc tế.

Đối với báo chí, các tổ chức xã hội và người dân, tham nhũng không thể bị đẩy lùi nếu không có sự tham gia tích cực của báo chí, người dân và các tổ chức xã hội, do đó, cần chủ động tham gia vào công tác PCTN thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình; thực hiện quyền tiếp cận thông tin và tham gia giám sát việc thực hiện Luật Tiếp cận thông tin 2016.

Bên cạnh đó, chủ động thực hành liêm chính, tố cáo các vụ việc tham nhũng, hối lộ ở các cấp độ khác nhau, trước hết bằng cách tự trang bị kiến thức và thông tin pháp luật, trong đó có pháp luật về PCTN.

Chỉ số CPI xếp hạng các quốc gia/vùng lãnh thổ trên cơ sở cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia/vùng lãnh thổ đó. Đây là một chỉ số tổng hợp, kết hợp kết quả của 13 cuộc thăm dò ý kiến và đánh giá tham nhũng do các tổ chức có uy tín thu thập. CPI là chỉ số về tham nhũng được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

Hoài Phong

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham nhũng ở khu vực công của Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng