Trên bằng Tổ quốc ghi công của ông Trương Văn Chóng ghi rõ thông tin: đi lính năm 1983, hy sinh năm 1985. Hơn 30 năm qua, gia đình lập bàn thờ, nhang khói nghi ngút, mẹ già của ông Chóng cũng hưởng chế độ chính sách hơn 20 năm qua.

Gia đình vỡ òa niềm vui đón ‘người chết’ trở về

Nguyên Việt | 22/02/2018, 09:49

Trên bằng Tổ quốc ghi công của ông Trương Văn Chóng ghi rõ thông tin: đi lính năm 1983, hy sinh năm 1985. Hơn 30 năm qua, gia đình lập bàn thờ, nhang khói nghi ngút, mẹ già của ông Chóng cũng hưởng chế độ chính sách hơn 20 năm qua.

Như Một Thế Giới đã thông tin, nửa đêm mùng 5 tết Mậu Tuất 2018, ông Chóng bất ngờ trở về tìm gia đình tại ấp Định Hòa B, xã Định Môn, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ, trong cơn xúc động nghẹn ngào. Và ông đã tự tay đập lư hương thờ chính mình,bởi ông vẫn còn sống sờ sờ ra đó!

Ông Nguyễn Thanh Bình,Phó phòng LĐ-TB&XH H.Thới Lai, xác nhận, người “liệt sĩ” vừa trở về sau 33 năm mất tích vào đêm mùng 5 tết chính là ông Chóng. Ngay sau khi làm việc lại sau Tết, chính quyền địa phương đã có các bước xác minh, lập thủ xác định ông Chóng còn sống, không hy sinh năm 1985 tại chiến trường Campuchia như các tài liệu đã lưu.

Theo ông Bình, năm 1995, xã Trường Lạc của Q.Ô Môn từng có trường hợp “liệt sĩ trở về”. Địa phương sau đó lập các thủ tục thu hồi quyết định công nhận liệt sĩ, cắt chế độ trợ cấp người có công và thu lại số tiền đã cấp.

Ông Bình cũng ký văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ để đề nghị tam ngưng các chế độ liệt sĩ đối với ông Chóng. “Sở sau đó sẽ có những thủ tục gửi Cục Người có công của Bộ để từng bước hủy, thu hồi các quyết định công nhận liệt sĩ và chế độ cho ông Chóng với gia đình", ông Bình nói.

Nước mắt sum họp ngày tết

Nửa đêm mùng 5 tết, trước sân nhà bà Huỳnh Thị Nía (87 tuổi) ở ấp Định Hòa B, xã Định Môn, bỗng trở nên huyên náo bởi tiếng những người đàn ông chửi bới. Bà Nía vừa ngủ tròn một giấc, đẩy cửa bước ra xem chuyện gì thì thấy người con trai thứ 8 của mình đang đôi co với 1 người đàn ông lạ mặt.

“Ông tới đây tìm ai, nửa đêm nửa hôm la hét vậy không để ai ngủ nghê gì được? Ông xỉn rượu thì về nhà ngủ đi”, người con trai thứ 8 của bà Nía nói lớn. Người đàn ông lạ đáp: “Tôi - em ruột ông Tư Cao, tôi tìm nhà Tư Cao, nửa đêm không biết hỏi ai đành phải la lớn cho mọi người biết”.

“Tôi là em ruột ông Tư Cao đây, ông là ai mà cũng đòi là em ruột nữa? Ông ở đâu vô nhận càn, tin tôi đánh ông không?”, con trai thứ 8 của bà Nía đáp trả. Trong đêm tối, người đàn ông lạ mặt đó xưng mình là Trương Văn Chóng, là con trai thứ 6 của bà Nía. Phía trong nhà bà Nía, hơn 33 năm bàn thờ ông Chóng vẫn không ngơi nhang khói. Nay có người tự xưng là ông Chóng trở về, cả gia đình không ai tin nổi!

Vừa thấy bà Nía đứng ở cửa nghe ngóng, ông Chóng chạy đến xúc động nói: “Má, con Chóng đây, con còn sống đây má”. Bà Nía bàng hoàng, không thể tin. Trước mặt bà là 1 người đàn ông lạ lẫm gần 60 tuổi, khác xa với tấm hình người thanh niên trẻ mà bà để thờ mấy chục năm qua. Nhưng chẳng lẽ đây là sự thật? Những cuốc điện thoại gọi cho anh chị em trong gia đình được phát đi, mong có người anh người chị nào đó của ông Chóng có thể nhận ra mặt được thành viên tưởng đã hy sinh của gia đình.

Bà Nía, mẹ ông Chóng xúc động khi gặp lại con trai sau hơn 30 năm xa cách và đinh ninh rằng con đã hy sinh - Ảnh: Thanh Nguyên

Bà Trương Thị Lượng (64 tuổi) người con thứ 3 của gia đình nhận điện thoại báo tin “thằng Sáu Chóng trở về” thì bàng hoàng tỉnh ngủ, chạy một mạch sang nhà mẹ mình để kiểm chứng. “Tôi mới đến sân, thấy thằng Chóng đứng trước hiên nhà là tôi nhận ra ngay. Tôi la lên: “Thằng Chóng đây mà”. Nó kêu: “Chị Ba”, rồi 2 chị em chạy lại ôm nhau khóc. Trời ơi, 2 chị em tôi khóc mà lòng vui sướng biết bao nhiêu mà nói”, bà Lượng nói.

Cả đêm đó, gia đình mấy chục người con cháu nhà bà Nía không ai ngủ được. Họ vây quanh ông Chóng, nghe ông kể lại vì sao còn sống mà biền biệt mấy chục năm trời không tìm về nhà. Bà Nía, mẹ ông Chóng là người đong đầy những cảm xúc lẫn lộn. Hằng ngày, bà tự tay thắp nhangcho con, và trong lòng bà, lúc nào cũng canh cánh nỗi đau về người con trai hy sinh không tìm thấy xác ở chiến trường Campuchia.

Giờ bàn thờ ông Chóng vẫn còn đấy, nhưng nay nhìn con trở về, bà hoang mang trong niềm vui sướng. “Từ lúc thấy nó, cho đến hơn 1 tiếng đồng hồ sau, tôi mới tin người đàn ông đó là con trai tôi. Mẹ con ôm nhau khóc, tôi run rẩy không tin nổi. Tôi từng tuổi này, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trải qua những cảnh tượng này. Thằng con tôi trở về từ cõi chết”, bà Nía xúc động nói.

Gian nan đường về nhà

Sau những phút xúc động thăm hỏi, cả gia đình bà Nía lại ngồi say sưa nghe ông Chóng kể về quá trình lang bạt từ Campuchia về Việt Nam. Câu chuyện không đầu không đuôi vì trí nhớ của ông Chóng không còn minh mẫn sau cơn tai biến bị liệt gần nữa người nhiều năm về trước…

Ông Chóng kể lại, trong 1 trận đánh vào năm 1985, ông và đồng đội bất ngờ bị quân địch vây ráp trong 1 cánh rừng ở Campuchia. Trước hỏa lực quá mạnh của địch, mọi người tự chống trả và tìm đường thoát thân. Ông Chóng cố chạy sâu vào rừng và thoát được nòng súng phía địch, nhưng bị lạc và không thể tìm được lối ra. Sau nhiều ngày đói khát, ông được người dân địa phương phát hiện và đem về nhà cưu mang.

“Tôi không nhớ nhiều về ngày đó. Sau khi được người khác cứu, tôi không nhớ nhiều về quê hương mình. Tôi cũng không biết mình ở đâu bên Campuchia. Cũng không biết hỏi ai để tìm đường về nhà. Tôi chỉ nhớ nhà mình ở Ô Môn, còn ở tỉnh nào, xã nào thì không nhớ nổi”, ông Chóng kể.

Ông Chóng ở lại Campuchia có vợ và sinh con. Dù trước lúc tòng quân, ông Chóng đã có vợ và 1 đứa con trai ở quê nhà. “Lúc tôi đi lính, nó (con trai ông Chóng - PV) mới biết đi chập chững. Giờ đã là 1 người đàn ông gần 40 tuổi”, ông Chóng nói. Có vợ ở Campuchia, ông Chóng sinh thêm 2 người con nữa.

Nhưng gần 10 năm trước, ông có 1 người vợ khác. Sau khi lấy người vợ này, ông trở về Việt Nam sinh sống và nhen nhóm tìm đường về nhà. “Tôi về H.Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và sống với… người vợ thứ 3, tôi có thêm được 1 người đứa con nữa. Tính tới nay cũng được 8 năm rồi. Về Việt Nam, tôi hỏi thăm nhiều người, Ô Môn là ở đâu, hỏi dần dần người ta mới chỉ ở Cần Thơ. Tôi mới tìm đường về nhà”, ông Chóng kể lại.

4 giờ chiều mùng 5 tết, từ Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) ông Chóng chuẩn bị hành trang đơn giản, mang chiếc xe máy đặt lên xe khách rồi mua vé xe về Ô Môn (TP.Cần Thơ). Đến khuya, xe về đến ngã ba Ô Môn. Ông hỏi đường về Vàm Nhon là nơi gần mình ở, đây cũng là thông tin ít ỏi mà ông Chóng có thể nhớ được.

Bằng Tổ quốc ghi công của ông Chóng - Ảnh: Thanh Nguyên

“Lúc tôi tới, trời khuya quá rồi, chẳng còn mấy ai mà hỏi thăm đường. Gặp mấy người đàn ông đi uống rượu về, tôi mừng quá chạy theo hỏi đại. Người ta chỉ tôi đi qua mấy cái cầu là tới. Tôi vừa chạy, vừa hồi hộp nghĩ đến cảnh mình về tới nhà. Quê tôi thay đổi quá, tôi nhìn không ra”, ông Chóng xúc động nói. Tới cầu Vàm Nhon rồi, ông Chóng tiếp tục hỏi đường. Thông tin tiếp theo mà ông có thể nhớ là tên của người anh trai thứ 4, tên Cao.

“Chạy về gần tới nhà, tôi gặp được 1 người đàn ông say rượu. Tôi hỏi nhà Tư Cao, ổng chỉ tôi chạy qua cầu để qua sông. Sau này mới biết, ông này là dượng út của tôi mà tôi với ổng lúc đó có biết nhau đâu. Ổng chỉ xong, tôi cắm đầu chạy nữa, chạy đến rồi không biết nhà nào mà vô. Tôi đứng giữa sân nhà má tôi để la lớn tên anh tôi ra để mọi người nghe thấy. Tôi không nhớ tên mẹ mình, nhưng khi vừa gặp bà, tôi nhận ra ngay”, ông Chóng hồ hởi kể.

Bước vào nhà, nhìn thấy bên bàn thờ cha mình là bàn thờ của… mình, ông Chóng đem tấm hình thờ của mình xuống, đập bỏ bát nhang. “Tôi còn sống mà, những cái này không cần nữa”, ông Chóng nói.

Thanh Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia đình vỡ òa niềm vui đón ‘người chết’ trở về