Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương còn thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát kết quả báo cáo quản lý tạm nhập tái xuất theo quy định; chưa kiên quyết trong kiểm tra, xử lý việc địa phương ban hành văn bản không đúng quy định...

Thanh tra Chính phủ kết luận: Bộ Công Thương có nhiều sai phạm trong giai đoạn 2010-2013

Duyên Duyên | 30/09/2016, 14:23

Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương còn thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát kết quả báo cáo quản lý tạm nhập tái xuất theo quy định; chưa kiên quyết trong kiểm tra, xử lý việc địa phương ban hành văn bản không đúng quy định...

Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo kết luận số 2441 về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu của Bộ Công Thương từ năm 2010 đến năm 2013.

Kết quả cho thấy, về ưu điểm, từ năm 2010-2013, Bộ Công Thương đã tham mưa cho Chính phủ kịp thời điều chỉnh, sửa đổi 3 lần các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tạm nhập tái xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng tại từng thời kỳ.

Theo đánh giá của các địa phương, những lần điều chỉnh này đã tạo cơ sở pháp lý đối với một số loại hàng hóa phù hợp theo tình hình thực tế và yêu cầu quản lý, góp phần đưa hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất của các doanh nghiệp cơ bản đi vào ổn định, góp phần tạo doanh thu, lợi nhuận cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kết quả thanh tra cũng cho thấy các chỉ đạo của Bộ Công Thương vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm.

Cụ thể, việc ban hành các Thông tư số 05/2013 và 05/2014 của Bộ Công Thương quy định công tác báo cáo còn chưa chặt chẽ. Chưa phân định rõ vai trò, trách nhiệm đơn vị chủ trì quản lý, cơ chế phối hợp với đơn vị tham gia quản lý nhà nước về tạm nhập tái xuất.

Các văn bản mà Bộ Công Thương ban hành chưa phù hợp với thực tế và chưa đủ cơ sở khoa học để xây dựng mức ký quỹ; chưa sát thực tế quy định về điều kiện kho bãi...

Bộ Công Thương chưa thực hiện tốt việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản thuộc chức năng của Bộ.

Ví dụ như việc thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát kết quả báo cáo quản lý tạm nhập tái xuất theo quy định; chưa kiên quyết trong kiểm tra, xử lý việc địa phương ban hành văn bản không đúng quy định tại Thông tư do Bộ này ban hành, còn để vi phạm quy định của pháp luật.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, Bộ Công Thương chưa kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng mạnh chế tài xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất nói chung và việc thu hồi mã số kinh doanh nói riêng theo các mức độ , hình thức vi phạm.

Song song với đó, việc kiểm tra hoạt động tạm nhập tái xuất chưa thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2, Điều 12, Quy chế làm việc số 1709/QĐ-BCT ngày 17.3.2008 của Bộ Công Thương.

Để các tồn tại, bất cập trên là chưa thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 4, khoản 18, Điều 2 Nghị định số 95/2012/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tố chức của Bộ Công Thương; làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến mục tiêu “khắc phục những hạn chế của hoạt động tạm nhập, tái xuất, đảm bảo yêu cầu quản lý, tránh sự lợi dụng chính sách để có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế và tránh những ách tắc tồn đọng có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến môi trường, xã hội”.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm này thuộc về tập thể, cá nhân được giao xây dựng thông tư hướng dẫn, các cá nhân được giao nhiệm vụ có liên quan đã chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu trong “chỉ đạo những vấn đề về cơ chế, chính sách đối với các hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế”.

Từ việc chỉ ra những khuyết điểm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công Thương cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, vai trò chủ trì trong hoạt động tạm nhập, tái xuất và chuyển khẩu, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực tiễn nhằm đưa hoạt động tạm nhập tái xuất ngày càng ổn định và phát triển bền vững, đảm bảo theo thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp tích cực hơn nữa trong xây dựng chính sách đảm bảo giám sát hàng hóa tạm nhập tái xuất chặt chẽ, nhằm chống gian lận thương mại, thẩm lậu hàng hóa, thất thu thuế trong hoạt động tạm nhập tái xuất đặc biệt về cơ chế kiểm soát chặt chẽ ngay tại hải quan nơi nhập (như áp dụng cơ chế quản lý rủi ro theo mức độ cao nhất đối với loại hàng hóa này).

Tạm nhập tái xuất là gì?

Tạm nhập tái xuất được quy định là việc thương nhân Việt Nam mua hàng của một nước để bán cho một nước khác, có làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam.

Tạm nhập tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng mua hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước xuất khẩu và hợp đồng bán hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước nhập khẩu. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng.

Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh tra Chính phủ kết luận: Bộ Công Thương có nhiều sai phạm trong giai đoạn 2010-2013