Cách nhận diện thiên tài khi phỏng vấn một người, đặc biệt là người trẻ và chưa có thành tích gì cả, là một chuyện vô cùng khó khăn nhưng hết sức quan trọng để biến nhóm làm việc từ tốt trở thành xuất sắc.

Thiên tài có thể làm chúng ta khó chịu và cách để nhận diện thiên tài

30/12/2020, 15:24

Cách nhận diện thiên tài khi phỏng vấn một người, đặc biệt là người trẻ và chưa có thành tích gì cả, là một chuyện vô cùng khó khăn nhưng hết sức quan trọng để biến nhóm làm việc từ tốt trở thành xuất sắc.

Vào một buổi chiều nọ, tôi phỏng vấn sáu nhà hóa sinh cho một vị trí trong nhóm nghiên cứu của mình. Mục tiêu là tìm được một người giải quyết được những vấn đề chính của dự án, người thông minh nhất nằm trong sáu ứng cử viên này.

Có phải là người giống tôi

Động lực ban đầu của tôi khi phỏng vấn ứng viên là tìm ra một người giống tôi. Trong nhóm ứng cử viên này, có một người tên là Jack, cậu ấy học ở Đại học Indiana, nơi tôi từng làm việc. Tôi biết các giáo sư của cậu ấy, họ nói với tôi rằng Jack vào phòng thí nghiệm làm việc trước những người khác và cần cù như một con chó kéo xe trượt tuyết. Điểm số của Jack thật xuất sắc.

Jack cũng có những sở thích giống tôi. Cậu ấy thích chạy bộ vào buổi tối, đọc truyện trinh thám và xem những trận banh của các trường đại học. Cậu ấy có hai đứa con gái nhỏ mà cậu cưng chiều hết sức. Jack rất dễ cười, nhất là với những câu chuyện tiếu lâm của tôi. Cậu giải quyết vấn đề bằng cách làm việc chăm chỉ hơn. Khi đối mặt với khó khăn, Jack tăng gấp đôi nỗ lực và không bao giờ bỏ cuộc.

Tôi biết mình cảm thấy thoải mái khi chọn Jack bởi vì cậu ấy tư duy giống tôi – hết sức logic, tăng từng bước một và tái tạo mọi thứ. Tuy nhiên, một thiên tài không tư duy theo cách đó. Nếu tôi muốn có một người bạn để làm việc chung, tôi sẽ chọn Jack.

Bất cứ nhóm làm việc nào cũng cần người như Jack. Cậu sẽ gắn kết cả nhóm lại bằng cách làm tất cả mọi việc lớn nhỏ, bao gồm cả những việc nhỏ nhặt không ai muốn làm. Thực tế, Jack dễ dàng thay thế tôi trong vòng mười năm nữa, dẫn dắt nhóm làm việc này. Jack giống tôi quá, cũng có nghĩa là cậu ấy chắc chắn không phải là một thiên tài.

Hay là người chống đối

Tôi cũng phỏng vấn một cô gái tên Jill, người làm cho tôi khó chịu hết sức. Cô ấy không hiểu những câu nói đùa của tôi. Khi tôi kể chuyện đùa, cô ấy nhìn tôi bằng cái nhìn đầy lúng túng. Bị kẹt cứng khi sử dụng những câu hỏi phỏng vấn truyền thống, tôi đành hỏi: “Điều gì là thách thức lớn nhất em phải đối mặt trong cuộc sống của mình, và em vuợt qua thách thức như thế nào?”.

Trả lời câu hỏi đó, Jill nói về ba trải nghiệm trong cuộc sống chả liên quan gì nhau, hầu hết là những chuyện cá nhân, như bị mất xe trong khi để máy tính xách tay trong xe. Còn sở thích của cô ấy hoàn toàn không “hàn lâm” chút nào, bởi vì chương trình đại học và sau đại học đều “chán phèo” đối với cô. Điểm số thì ở mức trung bình, chỉ vừa đủ để giữ được học bổng.

Lý do duy nhất tôi chọn phỏng vấn Jill là cô ấy đạt điểm GRE ở mức “gần hoàn hảo”, và công bố một nghiên cứu về thống kê cho dù chương trình học sau đại học của cô là hóa sinh. Thay vì gia nhập một trong những trường đại học nghiên cứu danh tiếng, Jill chọn một trường Công giáo nhỏ. Mặc dù là người Do Thái, nhưng Jill chọn trường này bởi vì ở đó có chương trình văn chương thời Trung cổ tuyệt vời. Cô muốn chọn môn này là một trong những môn học tự chọn trong lĩnh vực văn chương. Jill thích cả triết học và những trò chơi máy tính ảo. Jill đã điều chỉnh máy tính xách tay của cô vì trò chơi máy tính ảo, đó là lý do vì sao đối với Jill, mất máy tính là một sự đau khổ vô cùng. Tôi phải thú nhận rằng chỉ chút hiểu biết ít ỏi về cô đã cho tôi một cảm giác chiến thắng, bởi vì cuộc phỏng vấn quá khó khăn.

Jill có thể bất thình lình ngưng nói và để cuộc trò chuyện rơi vào im lặng. Cô ấy không hề thô lỗ hay cộc cằn, nhưng những câu trả lời của Jill không vào thẳng câu hỏi của tôi. Cô chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác. Tôi luôn phải hướng cô ấy quay lại câu hỏi của tôi để có thể điền vào tờ đánh giá trước mặt mình, nhưng cô ấy cứ tiếp tục trả lời một câu hỏi hơi khác của tôi, câu hỏi làm cô ấy thích thú trả lời hơn.

Rõ ràng, Jill chống đối tôi. Tôi biết phải làm việc với cô sẽ là một thách thức không nhỏ. Không dễ chịu cho tôi chút nào, nhưng cô ấy không chú ý đến sự khó xử giữa chúng tôi. Jill không bao giờ tuân theo những quy ước xã hội như tôi.

Tôi nhận thấy nếu tôi cần một người có thể giải quyết những vấn đề mà nhóm nghiên cứu đang gặp phải, Jill là một chọn lựa tốt hơn Jack. Jill suy nghĩ một cách trực quan và có vần có điệu. Cô có thể giữ cùng lúc nhiều ý tưởng không hề liên quan gì với nhau trong đầu. Những kết nối giữa những vần thơ Trung cổ và ứng dụng máy tính nhảy múa một cách tự nhiên trong đầu cô ấy.

Jill còn tỏ ra có hiệu quả trong những lĩnh vực ngoài chuyên môn của mình. Bất cứ khi nào thích thú một chủ đề gì, cô ấy đắm mình vào đó cho đến khi trở thành chuyên gia. Jill có thể chìm đắm vào một vấn đề trong nhiều giờ đồng hồ thậm chí không nhận ra mình quên ăn quên ngủ.

Chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo để nhận diện thiên tài. Chúng ta có khả năng bỏ sót họ bởi họ không giống chúng ta, và họ có thể làm chúng ta khó chịu. Bạn có khả năng bỏ sót một thiên tài, bởi vì bạn không thể giao tiếp tốt với họ. Để nhận diện thiên tài, tôi phải bỏ qua những yêu cầu như người đó phải kết nối được với tôi và tôi phải cảm thấy thoải mái với họ.

sepcuathientai-q1.jpg

6 câu hỏi nhận diện thiên tài

Tôi rút ra được sáu câu hỏi về ứng viên để đánh giá liệu họ có phải là thiên tài mà nhóm chúng tôi cần hay không. Sáu câu hỏi này sẽ giúp chúng ta nhận diện những đặc điểm về cách mà những thiên tài tư duy:

1. Ứng viên có suy nghĩ theo những đường thẳng song song thay vì một đường thẳng duy nhất? Einstein có khả năng tạo ra mối liên quan giữa khối lượng và năng lượng trong khi những người khác thì thấy không có liên quan gì cả.

2. Thành viên tương lai của nhóm làm việc có phải là chuyên gia trong nhiều hơn một lĩnh vực? Leonardo da Vinci không chỉ là một trong những nghệ sĩ thiên tài trong lịch sử loài người, ông ấy còn là một người có tầm nhìn đầy sáng tạo. Ông đã khái niệm hóa trực thăng, xe tăng, năng lượng mặt trời, máy tính, và lý thuyết về cấu trúc của vỏ trái đất rất lâu trước khi các kỹ sư địa chất hiểu được ý tưởng của ông. Bên cạnh thành công trong công việc, ứng viên có những sở thích và đam mê gì bên ngoài lĩnh vực của mình để sáng tạo hay không? Einstein cũng là một tay kéo violin cừ khôi và viết khá nhiều luận văn về Mozart.

3. Ứng viên có bị đắm chìm trong vấn đề mà họ đang đối mặt? Họ có trở nên bị ám ảnh về việc tìm ra lời giải hoặc đạt được mục tiêu? Họ có tiếp cận một thách thức bằng sự kích thích và tìm thấy niềm vui trong thách thức đó không?

4. Ứng viên có nhìn vấn đề từ những quan điểm khác nhau hay không? Họ có khả năng suy nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ hay không? Họ có khả năng diễn đạt những tư tưởng phức tạp bằng những cách đơn giản hay không?

5. Ứng viên có làm việc với năng suất cao hay không? Edison có rất nhiều bằng sáng chế, và Einstein cũng công bố hàng trăm bài nghiên cứu. Tất nhiên, không phải tất cả sản phẩm đó đều có cùng đẳng cấp như thuyết Tương đối, nhưng bộ óc của ông liên tục tạo ra những ý tưởng mới.

6. Thiên tài ít khi khoan dung cho sự luộm thuộm trong lĩnh vực của mình, nhưng họ có thể quên khuấy những thứ rất đời thường, ví dụ như quên trả tiền điện hằng tháng chẳng hạn.

Tôi sử dụng những câu hỏi này để nhận diện một thiên tài trong một nhóm các ứng viên. Khi tuyển dụng mới hoặc đánh giá những người trong nhóm làm việc, sử dụng những câu hỏi này cũng giúp nhận diện được những tài năng xuất sắc. Tất nhiên, xin nhớ rằng thiên tài rất hiếm. Phát hiện và tuyển dụng được một thiên tài được xem là một hành động phi thường của bất kỳ nhóm làm việc nào. Nếu phát hiện được một thiên tài và thu xếp thích hợp người đó vào một nhóm đang làm việc hiệu quả, chúng ta có thể tạo ra sự tiến bộ đột biến mà chưa ai từng nghĩ có thể làm được.

Theo Sếp của Einstein - First News

Bài liên quan
Sếp của Einstein - Cách lãnh đạo những người xuất chúng
Đúc kết 10 nguyên tắc để lãnh đạo những người xuất chúng, “Sếp của Einstein” là cuốn sách đầy cảm hứng và hữu ích về nghệ thuật lãnh đạo, quản lý nhân sự cấp cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiên tài có thể làm chúng ta khó chịu và cách để nhận diện thiên tài