Tạp chí Microsystems & Nanoengineering đưa tin các nhà khoa học Mỹ đã phát triển được một bộ cảm biến dựa trên graphene, giám sát và giúp chống lại bệnh hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp.
Bộ cảm biến sẽ cho phép phát hiện sớm các cơn suyễn, nhờ đó không cần phải nhập viện và thậm chí giúp tránh được cả kết cục tử vong.
Theo nhà nghiên cứu Mehdi Javanmard tại Đại học Rutgers ở New Jersey, Mỹ, ý tưởng của các nhà sáng chế là những người bị bệnh phổi sẽ đeo thiết bị với một bộ cảm biến (trên cổ hoặc trên cổ tay). Một phương án lựa chọn kháclà những người có nguy cơ lên cơn hen suyễnsẽ định kỳ thổi vào thiết bị để dự đoán sự khởi đầu của cơn hen.
Các nhà khoa học đề xuất phân tích các chỉ dấu sinh học trong khí ngưng tụ hình thành từ nguồn không khí mà người bệnh thở ra. Chính qua khí ngưng tụ mà có thể xác định được và hiểu được ở hen suyễn cấp độ phân tử.
Các chuyên gia đã phát triển một cảm biến điện hóa cỡ nhỏ có thể ước tính một cách chính xác nồng độ nitrite trong hơi thở ra thông qua oxit graphene.
Nồng độ nitrite là chỉ dấu đáng tin cây phản ánh tình trạng viêm nhiễm ở đường hô hấp. Nếu bộ cảm biến nhận thấy nồng độ cao của nitrit, người bệnh kịp có thời gian để uống thuốc chặn cơn suyễn.
Được biết hen suyễn là bệnh phổi mạn tính làm hẹp đường thở trong phổi, ảnh hưởng tới 300 triệu người trên toàn thế giới. Các triệu chứng bao gồm ho, thở khò khè, thở dốc và tức ngực.
Trong tương lai, các nhà khoa học muốn tạo ra một phiên bản cảm biến gọn nhẹ, có thể tung ra thị trường trong vòng 5 năm tới. Đồng thời, họ cũng lên kế hoạch mở rộng danh sách các chỉ dấu sinh học mà bộ cảm biến có thể phát hiện được.
Vũ Trung Hương