Theo TS Lê Đăng Doanh, thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) hiện đang đè nặng lên vai 6 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và 11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, trong khi đó việc thu chi ngân sách đang còn nhiều hạn chế, thể hiện qua sự thiếu công bằng trong thu chi ngân sách địa phương khi các tỉnh giàu đang phải gồng mình đóng góp cho các tỉnh nghèo...

Thiếu công bằng khi tỉnh giàu phải gồng mình gánh tỉnh nghèo

tuyetnhung | 12/02/2017, 07:25

Theo TS Lê Đăng Doanh, thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) hiện đang đè nặng lên vai 6 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và 11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, trong khi đó việc thu chi ngân sách đang còn nhiều hạn chế, thể hiện qua sự thiếu công bằng trong thu chi ngân sách địa phương khi các tỉnh giàu đang phải gồng mình đóng góp cho các tỉnh nghèo...

Trình bày tại hội thảo “Xây dựng sáng kiến thúc đẩy công khai minh bạch Ngân sách Nhà nước”, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, từ năm 2006 đến nay, bội chi ngân sách của Việt Nam liên tục tăng nhanh cả về số tuyệt đối lẫn về tỷ lệ GDP. Cụ thể, tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2015 của nước ta đã lên đến 6,11% GDP; năm 2016 vào khoảng 5% GDP.

TS Lê Đăng Doanh

Dự toán NSNN năm 2016 chỉ ra trong 63 tỉnh, thành phố thì chỉ có 13 tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết, nên không nhận bổ sung cân đối từ Ngân sách Trung ương.

Trong tổng số thu dự toán NSNN năm 2016 là hơn 1 triệu tỉ đồng, thì 14 tỉnh miền núi phía Bắc đóng góp chỉ khoảng 3,6%; 13 tỉnh, thành phố ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ đóng góp được trên 4,5%; 14 tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đóng góp gần 11%; riêng 5 tỉnh Tây Nguyên có tỷ lệ đóng góp vào NSNN thấp nhất, ở mức 1,4%.

Theo đó, gánh nặng thu NSNN đang dồn lên vai 6 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ khi phải đảm đương tới trên 42% tổng thu NSNN, và 11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng với tỷlệ hơn 30%.

Chỉ riêng số thu NSNN của TP.HCM đã cao hơn nhiều so với số thu của toàn bộ 46 tỉnh, thành phố nằm ngoài vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Chênh lệch giữa tỉnh có số thu NSNN thấp nhất (tỉnh Bắc Kạn) với tỉnh có số thu cao nhất (TP.HCM) lên tới gần 600 lần.

Từ đó,chuyên gia này cho rằng việc thu chi ngân sách của nước ta đang tồn tại nhiều hạn chế như sự tương quan thu chi bình quân đầu người tại một số địa phương, hay là thiếu công bằng trong thu chi ngân sách địa phương khi các tỉnh giàu đang phải gồng mình đóng góp cho các tỉnh nghèo.

Bởi lẽ, chi ngân sách bình quân đầu người giữa các địa phương gần như ngang nhau, trong khi thu ngân sách bình quân đầu người lại có sự chênh lệch lớn.

"Có những tỉnh nghèo xài rất sang trong khi không có ngành công nghiệp nào. Có tỉnh đầu tư nhiều đến mức nợ rất lâu và chưa biết bao giờ mới trả được", ông Doanh nói.

Vì vậy TS Doanh cho rằng các tỉnh nghèo, thu nhập thấp cần phải chấp nhận chi tiêu tiết kiệm hơn, bộ máy phải tinh gọn hơn, không thể tiếp tục tình trạng tỉnh nghèo, sống chủ yếu bằng điều tiết ngân sách, mà bộ máy vẫn cồng kềnh.

Bên cạnh đó, cần chuyển nguyên tắc phân cấp ngân sách hiện nay theo hướng chính quyền địa phương không được tự chủ về các khoản thu và mức thu sang chế độ tự chủ ngân sách; cho phép địa phương được tự chủ nhiều hơn về thu-chi ngân sách.

Đồng thời công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân về thu chi ngân sách; thực hiện tiết kiệm triệt để, cắt giảm các chế độ có tính đẳng cấp, các ưu đãi không còn phù hợp và quá sức chịu đựng của ngân sách; cắt giảm biên chế, cắt giảm trợ cấp đối với các tổ chức quần chúng...

Bà Ngô Thị Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Hội nhập và phát triển (CDI) cho biết, về vấn đề minh bạch ngân sách, Việt Nam đạt 18/100 điểm trong cuộc khảo sát năm 2015 do Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) thực hiện tại 102 quốc gia.

Qua số điểm trên, bà Hương cho rằng việc Việt Nam vẫn còn rất hạn chế trong việc cung cấp thông tin về ngân sách cho công chúng. Theo bà, một trong những vấn đề đánh tụt điểm của Việt Nam là chưa công bố dự thảo dự toán ngân sách.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu công bằng khi tỉnh giàu phải gồng mình gánh tỉnh nghèo