Hiện tại Trung Quốc không lâm vào cảnh lạm phát tiêu dùng phá hoại nền kinh tế như các quốc gia khác, nhưng tình hình có thể thay đổi vì giá thịt lợn tăng.

Thịt lợn đe dọa nỗ lực kiềm chế lạm phát của Trung Quốc

Cẩm Bình | 06/07/2022, 13:40

Hiện tại Trung Quốc không lâm vào cảnh lạm phát tiêu dùng phá hoại nền kinh tế như các quốc gia khác, nhưng tình hình có thể thay đổi vì giá thịt lợn tăng.

Giá thịt lợn kỳ hạn tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) tăng mạnh nhất trong 1 năm, giá thịt bán buôn cao nhất trong 6 tháng.

Một năm qua Bắc Kinh đã rất cố gắng giữ giá nhiều loại hàng hóa ở mức thấp khi đại dịch COVID-19 cùng cuộc chiến tại Ukraine gây nên tình trạng thiếu nguyên liệu diện rộng. Giá thịt lợn tăng dường như là khởi đầu của một chu kỳ biến động thường kéo dài 3 - 4 năm, ngân hàng Goldman Sachs ước tính diễn biến này có thể đẩy giá tiêu dùng vượt mức mục tiêu 3% mà ngân hàng trung ương Trung Quốc đề ra.

thpork00.jpg
Thịt lợn Trung Quốc rơi vào chu kỳ biến động giá mới? - Ảnh:Bloomberg

Giới chức Trung Quốc lo lắng thấy rõ. Ủy ban Cải cách - Phát triển quốc gia Trung Quốc ngày 5.7 thông báo đang nghiên cứu phương án bán nguồn thịt lợn nhà nước dự trữ để ngăn giá tăng quá nhanh, đồng thời yêu cầu người chăn nuôi duy trì sản lượng bình thường không tích trữ.

Trung Quốc dày dặn kinh nghiệm trong quản lý thị trường thịt lợn vài năm gần đây, sau khi giá tăng vọt lên mức cao kỷ lục vì đợt bùng phát tả lợn châu Phi năm 2019. Họ có thể trực tiếp quản lý số lượng đàn với nông dân, khuyến khích ngân hàng cho người chăn nuôi vay hay giải phóng nguồn dự trữ.

Nhưng theo nhà phân tích Lin Guofa thuộc Công ty tư vấn Bric Agriculture: “Thị trường luôn tự củng cố. Khi tin rằng giá sẽ tăng mọi người có xu hướng tích trữ và mọi thứ có thể vượt tầm kiểm soát. Nhưng một khi kỳ vọng đảo ngược, giá cũng có thể giảm sâu hơn”.

Thịt lợn đắt đỏ chắc chắn kéo giảm ngân sách hộ gia đình vốn đã thiệt hại nặng nề vì loạt hạn chế chống dịch COVID-19. Ngoài ra, thịt lợn cũng là thành phần thực phẩm lớn nhất trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nên tác động của tăng giá càng được khuếch đại.

Tính đến tháng 5, giá thịt lợn trong rổ tính CPI vẫn thấp hơn giá 1 năm trước, nếu không giá tiêu dùng sẽ tăng 2,4% thay vì chỉ 2,1%. Tình hình sẽ đảo ngược nếu giá tiếp tục tăng.

Goldman Sachs trong một lưu ý tuần trước dự đoán giá thịt lợn có thể đẩy giá tiêu dùng lên trên mức mục tiêu 3% trong nửa cuối năm – khiến Ngân hàng trung ương Trung Quốc khó lòng tiếp tục nới lỏng chính sách mà không gặp phải nguy cơ lạm phát mất kiểm soát.

Giống như hàng hóa khác, động lực chính của giá thịt lợn là cung và cầu. Nguyên nhân chính là nguồn cung lợn con thiếu hụt do đợt rớt giá năm ngoái khiến heo nái bị cắt giảm.

Số lượng heo nái giảm từ cuối quý 3 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, hơn nữa thời gian từ lúc mang thai, sinh nở và giết thịt lại mất đến 10 tháng, tình trạng thiếu thịt tươi đang dần trở nên rõ ràng.

thpork01.jpg
Số lượng heo nái giảm - Ảnh: Bloomberg

Chi phí thức ăn gia súc là nguyên nhân đáng lo ngại khác. Tỷ lệ giữa giá lợn hơi với giá ngô ở mức thấp thậm chí có thời điểm rớt xuống thấp hơn mức hòa vốn – có nghĩa người chăn nuôi kiếm được ít lợi nhuận hơn hoặc không kiếm được lợi nhuận gì tính trên mỗi con. Vì vậy họ ít sẵn lòng thúc đẩy sản xuất hơn.

Ngân hàng đầu tư Citic Securities cho biết mức hòa vốn là khi giá lợn hơi cao gần gấp 6 lần giá ngô. Chưa rõ đợt tăng giá gần đây có bù đắp được chi phí thức ăn tăng vọt, khuyến khích người chăn nuôi tăng quy mô đàn hay không.

thpork02.jpg
Chi phí thức ăn cũng đem lại sức ép tăng giá thịt lợn - Ảnh: Bloomberg

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu dự trữ thịt lợn đông lạnh từ tháng 3 lúc tỷ lệ giữa giá lợn hơi với giá ngô thấp (người chăn nuôi đang thua lỗ). Nay thị trường phục hồi nên nỗ lực thu hút người bán trở nên khó khăn hơn. Giới chức nước này lên kế hoạch mua 160.000 tấn thịt lợn vào tháng 6 nhưng chỉ hoàn thành một phần nhỏ, thương nhân muốn giữ hàng chờ giá tăng cao hơn.

Theo nhà phân tích Evan Pay thuộc Công ty tư vấn Trivium China, thị trường dường như đang hỗ trợ giá thịt lợn tăng vì chi phí thức ăn gia súc tăng, nhu cầu tăng vì nhà hàng được mở cửa trở lại, quy mô đàn năm qua giảm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thịt lợn đe dọa nỗ lực kiềm chế lạm phát của Trung Quốc