Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này sẽ chính thức triển khai Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga từ tháng 10 tới, bất chấp những chỉ trích của Mỹ.
Quá trình triển khai các Hệ thống tên lửa phòng không S-400 tiên tiến của Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu vào tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuyên bố ngày 8.3.
"Việc triển khai S-400 sẽ bắt đầu vào tháng 10 và không quân đang nghiên cứu khu vực nào tốt hơn để triển khai chúng", Bộ trưởng Quốc phòng Akar nói.
Vị chỉ huy lực lượng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại rằng việc mua lại các hệ thống phòng không chính xác của Nga không phải là "ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, mà là một biện pháp bắt buộc".
Ông Akar nhấn mạnh rằng Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 là cần thiết "để bảo vệ người dân của đất nước".
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, Ankara và Washington "đang tiếp tục các cuộc đàm phán về việc chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ".
Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì quyết định mua S-400 của Nga, Washington thậm chí còn trừng phạt Ankara bằng quyết định ngừng giao máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ tháng 11.2016, Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán với Nga về việc mua các Hệ thống tên lửa phòng không S-400. Việc ký kết hợp đồng này đã được phía Nga xác nhận vào ngày 12.9.2017 và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khi đó tuyên bố Ankara đã tạm ứng tiền cho hợp đồng vũ khí này.
Hồi tháng 6.2018, một nguồn tin trong giới quân sự và ngoại giao Nga nói với TASS rằng các doanh nghiệp quốc phòng Nga đã được giao nhiệm vụ hoàn thành việc sản xuất các Hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ và đơn hàng sẽ được giao vào tháng 5.2019.
S-400 Triumf là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến nhất đã đi vào hoạt động của Nga vào năm 2007. Hệ thống này được thiết kế để phá hủy máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Hệ thống này cũng có thể chuyển đổi thành hệ thống phóng lên lửa đất đối đất tầm trung với tên lửa chuyên biệt cho nhiệm vụ này.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 có thể tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách 400km và ở độ cao tới 30km, thậm chí là vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp với tên lửa chuyên biệt.
Ái Vi (theo TASS)