Khi nào chúng ta mới có thể nhìn thấy sự già nua biến mất khỏi cõi đời này? Chúng ta không cần phải vội. Trước sau gì chúng ta cũng đến được cái đích đó, nếu tuổi thọ con người cứ tăng đều một tuổi mỗi năm.
Một số người cho rằng điều đó sẽ xảy ra trong 25 năm tới. AGI (Artificial General Intelligence – trí tuệ nhân tạo tổng quát, hay máy tính có ý thức) có thể sẽ tìm được lời giải cho vấn đề này trong vòng 25 phút.
Cái chết là cách để trẻ mãi không già
Bạn có muốn một cuộc sống vĩnh cửu? Tương truyền, một thiền sư từng đưa ra lời chúc phúc: “Cầu cho cha của bạn qua đời, cầu cho bản thân bạn qua đời, và cầu cho con của bạn qua đời”. Đó là một lời chúc phúc vì nếu thứ tự đó mà đảo lộn thì thật là một bi kịch. Là một người cha của bốn đứa con, tôi sẽ cảm thấy thật kinh khủng nếu tôi sống lâu hơn các con của mình. Nhưng ngoài chuyện đó ra, tôi không có vấn đề gì với chuyện không chết. Tôi đã ngoài bốn mươi và có thể cảm nhận hơi thở lạnh lẽo của cái chết đang phả vào gáy của mình.
Tôi ý thức sâu sắc rằng tôi có nhiều ngày ở sau lưng mình hơn ở phía trước. Mặc dù vậy, vẫn còn hàng chục việc tôi muốn làm. Điều quan trọng ở đây không phải là sống mãi mãi, mà là chọn thời điểm và cách thức chúng ta chết đi, là đối diện với cái chết theo cách của mình. Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thể làm chủ cuộc đời mình và sống cho đến lúc chúng ta có thể nói những gì Julius Caesar từng nói: “Ta đã sống đủ cả về thời gian lẫn những thành tựu mình đạt được”.
Bên cạnh đó, có những người cho rằng cái chết khiến chúng ta phải xác định những điều cần ưu tiên và đưa ra sự chọn lựa vì sự sống là hữu hạn. Sự trì hoãn trong một thế giới không có tuổi già sẽ được nâng lên một “tầm cao mới”, và con người lúc đó có thể sẽ thường xuyên nói: “Tôi sẽ hoàn thành chuyện đó trong vài thế kỷ tới”.
Những người khác cho rằng người già qua đời là để nhường chỗ cho những ý tưởng mới mẻ và tiến bộ. Thử tưởng tượng nếu những người ở những năm 1600 hay thậm chí là 1800 còn sống đến hôm nay, phải chăng họ sẽ trở thành những người có khả năng “hô mưa gọi gió”? Điều đó có cản trở sự tiến bộ, hành trình đạt đến nền văn minh cao hơn, hay không? Suy cho cùng, cái chết có thể là cách của sự sống để trẻ mãi không già.
Muốn bất tử hãy làm điều có ích
Có thể thế giới cũng loại bỏ cái cũ giống như chúng ta loại bỏ lớp da chết của mình. Dù đã tồn tại trên hành tinh này hàng thiên niên kỷ, nhưng sự sống vẫn mãi tươi trẻ và liên tục được làm mới. Hầu hết các thực thể sống đều chỉ mới tồn tại trong khoảng thời gian được tính theo ngày, theo tháng hoặc theo năm, khiến hành tinh này có hệ tư tưởng đề cao năng lượng tuổi trẻ.
Nhưng toàn bộ câu hỏi về việc đánh lừa thần chết có thể vẫn gây nhiều tranh cãi. Chúng ta có thể sẽ mắc một sai lầm cơ bản giống hệt Gilgamesh, và mỗi lần nghĩ mình đã tìm ra được loài cây giúp trường sinh bất tử thì chúng ta lại bị con rắn phổng tay trên. Có nhiều lập luận xác đáng đã được đưa ra về lý do vì sao những phương pháp kéo dài tuổi thọ triệt để đều bất khả thi. Với tất cả những tiến bộ y khoa của thời hiện đại, chúng ta đã giảm được tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, chữa được nhiều loại bệnh tật, giúp mọi người hoạt động tích cực hơn và sống lâu hơn… nhưng chúng ta vẫn không thể nào tăng tuổi thọ lên mức tối đa.
Hiện tại, có khoảng 400.000 người sống đến 100 tuổi. Trong số đó, chỉ có khoảng 400 người sẽ đón sinh nhật thứ 110. Chỉ bấy nhiêu thôi. Trước nay, chỉ có khoảng 40 người từng sống đến 115 tuổi, và chỉ một người được công nhận là đã sống đến 120 tuổi. Nhìn chung, dù tỷ lệ người sống qua cột mốc 100 tuổi có tăng, nhưng số người sống đến 125 tuổi thì vẫn bằng không. Đây đơn giản là chuyện sẽ không bao giờ xảy ra.
Con người có 20.000 gien, mỗi gien đều có một giới hạn nhất định trong hoạt động của nó. Với tất cả những tiến bộ vượt bậc của lĩnh vực điện toán, chúng ta vẫn thường xuyên phải khởi động lại máy tính của mình. Các hệ thống phức tạp đơn giản là không thể được hoàn thiện để hoạt động một cách hoàn hảo.
Craig Venter – một nhà hóa sinh và là người đầu tiên giải mã trình tự gien – không nghĩ rằng con người có thể thắng được sự lão hóa: "Tôi không nghĩ chúng ta sẽ có lúc đạt được mục tiêu đó. Tôi biết nhiều hơn mọi người một chút về thực thể sinh học và quan điểm của tôi là nếu bạn muốn trở nên bất tử, hãy làm điều gì đó có ích trong cuộc đời mình."
Và đó chính là những gì Gilgamesh - người đi tìm sự bất tử - từng kết luận.