Được xem là "thủ phủ" nuôi lợn, cung cấp lợn thịt cho nhiều tỉnh thành phía Bắc, nhưng hiện nay ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đang chìm trong ô nhiễm nghiêm trọng vì tình trạng vứt xác lợn chết bừa bãi.
Nhờ nuôi lợn mà kinh tế của người dân xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục phất lên trông thấy. Nhưng cũng vì nuôi lợn mà người dân nơi đây đang phải gồng mình chống chọi lại nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Từ mô hình chăn nuôi lợn phát triển của những hộ dân ban đầu, người dân Ngọc Lũ bắt đầu mở chuồng trại chăn nuôi, làm giàu từ lợn. Từ những người dân nghèo, Ngọc Lũ bây giờ chẳng thiếu “tỷ phú nông dân”.
Nhưng đằng sau việc phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi lợn ấy, người dân xã Ngọc Lũ đang chống chọi lại với ô nhiễm môi trường. Chưa giải được bài toán xả thải ra môi trường, chính quyền xã Ngọc Lũ lại vướng ngay một bài toán không kém phần “oái oăm” khi xác lợn chết bị vứt la liệt khắp nơi, phân hủy bốc mùi hôi thối.
Tình trạng lợn chết bị các hộ chăn nuôi vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường xảy ra nhiều tháng nay, khiến cuộc sống xung quanh đây đang lao đao vì ô nhiễm nay lại càng khốn đốn hơn. Theo người dân nơi đây, lợn chết được những hộ chăn nuôi vứt vào những lúc trời tối hay sáng sớm khi không có người qua lại, những con lợn chết có cân nặng từ 30kg trở lên,…
Ngoài mương nước những bao bì chứa xác lợn chết nằm lăn lóc khắp mọi nơi
Ghi nhận của PV tại nhiều xóm, xác lợn chết vứt tràn lan ra vệ đường, bờ ruộng, dưới dòng sông… Đặc biệt, tại khu vực nhà chứa rác của xã Ngọc Lũ, không khó bắt gặp xác lợn chết được người dân vứt ra bãi rác, một số con đang trong tình trạng phân hủy nặng. Việc vứt xác lợn chết bừa bãi, vô ý thức không những làm cuộc sống người dân bị đảo lộn mà còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh đến đàn lợn trong vùng.
Để tự cứu lấy mình, một số hộ dân phải trưng biển cấm:“Cấm đổ rác thải và súc vật chết ra nơi công cộng. Bắt được phạt từ 1 - 5 triệu đồng”. Nhưng các đối tượng vẫn lợi dụng lúc không có người qua lại, đêm hôm đi vứt xác lợn chết ra đường.
Trưng biển cấm chỉ có tác dụng vào lúc đông người và trời sáng
Chị L.T.T (xóm 9, xã Ngọc Lũ) bức xúc cho biết: “Lâu nay đã chìm trong mùi hôi thối chưa đủ, họ còn mang cả xác lợn chết vứt khắp nơi ra thế này, dân chúng tôi làm sao mà chịu được. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, khiến người dân đi qua đây ai cũng phải bịt mũi. Thật không thể chịu nổi nữa”.
Chị T cho biết thêm, mấy ngày nay thời tiết nóng nắng, mùi hôi thối từ những con lợn chết bốc lên khiến những người ra thăm ruộng lúa không chịu nổi. Nhất là khu vực nhà chứa rác, nếu tình trạng này không được xử lý dứt điểm, nhiều người có ruộng lúa gần nhà chứa rác này sẽ nghỉ làm ruộng vì không chịu nổi cái mùi lợn chết.
Trao đổi về vấn đề trên, Đặng Văn Cử, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết: “Số lợn chết trên là do lợn cắn nhau hoặc dẫm đạp nhau chứ không phải do dịch bệnh. Do ý thức của một số hộ dân chăn nuôi quá kém, nên xảy ra tình trạng vứt xác lợn chết ra đường, ruộng… Chúng tôi cũng phải liên tục tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi phải nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường và yêu cầu người dân không vứt xác lợn chết bừa bãi.
Ông Cử cho biết thêm, UBND xã Ngọc Lũ đã chỉ đạo thu gom số lợn chết để tiêu hủy, chôn lấp nhằmbảo đảm vệ sinh môi trường nhưng chỉ được vài hôm thì tình trạng tương tự lại tái diễn. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh việc ký cam kết với từng hộ chăn nuôi về việc khi xảy ra lợn chết phải báo cáo lên chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý lợn chết theo đúng quy trình, nếu hộ nào không thực hiện theo cam kết, sẽ kiên quyết xử lý mạnh hộ gia đình đó.
Đức Văn -Dân Trí