Rishi Sunak, người sắp trở thành thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên của Anh. Điều này chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy quan hệ Anh và Ấn Độ nhưng câu hỏi đặt ra là liệu ông Sunak có đủ khả năng thuyết phục Ấn Độ tách rời Nga để xích gần hơn về phương Tây.
Trên thực tế, phương Tây đã nhiều lần gây áp lực để Ấn Độ dừng việc mua dầu cũng như buôn bán vũ khí với Nga. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn giữ thái độ trung lập và luôn bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết phương Tây khởi xướng tại LHQ để phản đối Nga.
Riêng Anh thì ngay cả dưới thời Thủ tướng Boris Johnson cũng chưa bao giờ trực tiếp gây áp lực để Ấn Độ phải điều chỉnh trong quan hệ với Nga. Hồi cuối tháng 4, ông Johnson đã thực hiện chuyến công du tới Ấn Độ và đã ra dấu về việc London muốn đảm bảo những khác biệt giữa hai nước không làm lu mờ sự hợp tác khi không đề cập đến thái độ của Ấn Độ về cuộc chiến Nga - Ukraine. Hồi tháng 3, bà Lizz Truss khi đó là Ngoại trưởng Anh cũng không đả động đến điều này khi công bố chương trình an ninh mạng Anh - Ấn trong chuyến thăm Ấn Độ.
Khi bà Liz Truss lên làm Thủ tướng Anh thì trong cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng nhiệm Narendra Modi, bà cũng chỉ tập trung vào vấn đề hợp tác thương mại “nhằm đưa Anh lên vị trí đầu để cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho tầng lớp trung lưu ngày càng đông của Ấn Độ”.
Cần nhớ rằng cả ông Johnson và bà Truss đều xuất thân từ Ngoại trưởng nên họ rất quan tâm vấn đề quốc tế. Nhưng cả hai cùng ý thức rằng họ không thể và không nên gây áp lực trong chính sách đối ngoại của New Dehli. Với ông Sunak là một nhà kỹ trị, xuất thân từ Bộ trưởng Tài chính và hầu như không quan tâm đến tình hình đối ngoại trước giờ thì rất khó để ông đi làm điều gì đó như thuyết phục Ấn Độ rời Nga hướng Tây. Thứ ông quan tâm hơn là vấn đề thương mại và người Ấn Độ di cư sang Anh.
Trong lần xuất hiện gần đây, Sunak đã nói rằng ông muốn thay đổi mối quan hệ giữa Anh và Ấn Độ để biến nó thành một trao đổi hai chiều hơn, giúp sinh viên và các công ty Vương quốc Anh ở Ấn Độ dễ dàng tiếp cận.
Phát biểu trước cuộc họp của các thành viên đảng Bảo thủ là người Ấn Độ ở Anh vào tháng 8, nghị sĩ 42 tuổi gốc Ấn Độ đã thề sẽ đưa Anh vượt qua "thời kỳ khó khăn" của lạm phát và xây dựng một nước Anh tốt hơn, an toàn hơn”.
Ông nói: “Chúng ta biết mối quan hệ Anh-Ấn là quan trọng. Tất cả chúng ta đều nhận thức rất rõ về cơ hội để Vương quốc Anh bán hàng và làm mọi thứ ở Ấn Độ, nhưng thực sự chúng ta cần phải nhìn nhận mối quan hệ đó theo cách khác bởi vì có một số lượng lớn mà chúng ta ở Vương quốc Anh có thể học hỏi từ Ấn Độ.
"Tôi muốn đảm bảo rằng sinh viên của chúng ta cũng dễ dàng đến Ấn Độ và học hỏi, cũng như các công ty của chúng ta và các công ty Ấn Độ hợp tác với nhau vì đó không chỉ là mối quan hệ một chiều, mà là mối quan hệ hai chiều, và đó là kiểu thay đổi mà tôi muốn mang lại cho mối quan hệ đó”.
Ông Sunak sinh ra tại Vương quốc Anh. Cha ông là bác sĩ đa khoa gốc Ấn Độ Yashvir và mẹ là dược sĩ Usha. Sunak đã nói rất nhiều về nguồn gốc di cư của gia đình trong chiến dịch tranh cử trước đây và nổi lên như chính khách đáng chú ý của đảng Bảo thủ.
Tuy nhiên, chuyện về khối tài sản của gia đình người vợ Akshata Murthy cũng trở thành đề tài bàn tán của báo chí Anh. Ngay từ nửa năm trước, hai đảng đối lập là đảng Lao động và đảng Dân chủ Tự do đã kêu gọi Sunak khi ấy là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Thủ tướng Boris Johnson phải trả lời “những câu hỏi rất nghiêm trọng” về số cổ phần ước tính 900 triệu USD (690 triệu bảng Anh) của bà Murthy trong công ty tư vấn và dịch vụ CNTT Infosys.
Infosys, được thành lập bởi NR Narayana Murthy - người cha vợ tỷ phú của tân thủ tướng Anh, hồi tháng 4 đã bị cáo buộc tìm cách hoạt động tại Nga trong khi hầu hết các công ty tư vấn và công nghệ thông tin lớn toàn cầu như SAP, Oracle, PwC, McKinsey, Accenture và KPMG đều đã đóng cửa hoạt động tại Nga.
Dù vậy, Sunak đã công khai bày tỏ: “Tôi thực sự vô cùng tự hào về những gì cha mẹ vợ tôi đã xây dựng”.
Là một người sùng đạo Hindu, ông Sunak thường xuyên đến ngôi đền gần nơi mình ra ở Southampton cùng các con gái của anh, Anoushka và Krishna, cũng rất giữ gìn văn hóa Ấn Độ.