Thủ tướng Hun Sen gọi những lời chỉ trích về quan hệ chặt chẽ của Campuchia với Trung Quốc là 'bất công' tại hội nghị Tương lai châu Á của Tập đoàn Nikkei (Nhật Bản).

Thủ tướng Campuchia: Nếu không dựa vào Trung Quốc, tôi sẽ dựa vào ai?

Nhân Hoàng | 20/05/2021, 11:54

Thủ tướng Hun Sen gọi những lời chỉ trích về quan hệ chặt chẽ của Campuchia với Trung Quốc là 'bất công' tại hội nghị Tương lai châu Á của Tập đoàn Nikkei (Nhật Bản).

Thủ tướng Campuchia - Hun Sen đã bảo vệ mối quan hệ thân thiết của mình với Trung Quốc, chỉ ra việc Bắc Kinh cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính cho quốc gia nhỏ bé của mình.

Trung Quốc là người bảo trợ chính trị quan trọng và là nguồn hỗ trợ phát triển lớn nhất của Campuchia, đã giúp đầu tư hàng tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng. Điều này đã làm dấy lên những lời chỉ trích rằng Campuchia trở nên quá phụ thuộc và là một đại diện cho Trung Quốc. Thế nhưng, ông Hun Sen gọi lời chỉ trích đó là "không công bằng" khi phát biểu trong hội nghị trực tuyến Tương lai châu Á.

"Không dựa vào Trung Quốc thì tôi sẽ dựa vào ai? Nếu không nhờ Trung Quốc thì tôi hỏi ai?", ông Hun Sen cho biết tại sự kiện, được tổ chức ở Tokyo (Nhật) và trực tuyến trong hai ngày 20 – 21.5.

Cũng có những ý kiến ​​cho rằng Campuchia dự định cất giữ các khí tài quân sự của Trung Quốc tại các căn cứ trên đất nước mình. Ông Hun Sen nhắc lại những lời phủ nhận trước đây rằng có kế hoạch làm như vậy tại căn cứ hải quân nơi chính phủ Trung Quốc đang giúp mở rộng các cơ sở.

Ông Hun Sen chỉ ra hiến pháp của Campuchia, trong đó cấm các căn cứ quân sự của nước ngoài ở trong nước.

Thủ tướng Hun Sen nói thêm rằng bất kỳ quốc gia nào cũng được hoan nghênh gửi tàu đến Campuchia, một ý kiến ​​mà ông nhắc đến liên quan đến viện trợ phát triển.

Chúng tôi không đóng cửa với bất kỳ ai trong việc chấp nhận hỗ trợ xây dựng đất nước”, ông cho hay.

thu-tuong-campuchia-neu-khong-dua-vao-trung-quoc-toi-se-dua-vao-ai.jpg
Thủ tướng Hun Sen phát biểu trong Hội nghị quốc tế lần thứ 26 về Tương lai của châu Á vào ngày 20.5

Thủ tướng Hun Sen vẫn thách thức về các lệnh trừng phạt thương mại của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên nước này vào tháng 8.2020.

EU đã đình chỉ một phần quyền tiếp cận ưu đãi tới khối này với 20% hàng hóa xuất khẩu của Campuchia, vì cái mà họ gọi nước này vi phạm nhân quyền có hệ thống. Động thái đó là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực sản xuất hàng may mặc trị giá 10 tỉ USD của Campuchia, vốn phụ thuộc vào thị trường châu Âu.

Trong số các mối quan tâm của EU có việc ông Hun Sen buộc giải thể đảng đối lập chính ở Campuchia, đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia. Đảng này đã gần giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia vào năm 2013. Kể từ khi đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia giải thể vào năm 2017, lãnh đạo đảng này đã bị buộc tội phản quốc và các thành viên cấp cao đã bỏ trốn ra nước ngoài để tránh án tù. Hơn 100 người ủng hộ đã bị lôi ra trước tòa trong các phiên tòa xét xử hàng loạt.

Ông Hun Sen cho biết đánh giá của EU "không phù hợp với thực tế" và tuyên bố sự tồn tại của hơn 20 đảng chính trị nhỏ là bằng chứng cho thấy Campuchia vẫn dân chủ. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng một số đối thủ phải "phục hồi" để tham gia vào chính trị.

Thủ tướng Hun Sen bác bỏ tác động từ việc EU hủy bỏ ưu đãi, nói rằng nó đã bị lu mờ bởi sự suy giảm kinh tế "khổng lồ" do đại dịch COVID-19. Campuchia sẽ không tìm cách lật ngược quyết định, ông nói thêm.

Ông Hun Sen cho hay: “Chúng tôi tiếp tục xuất khẩu 20% hàng hóa của mình sang châu Âu bằng cách trả thuế cho họ. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận rằng đất nước chúng tôi không thể thực thi luật pháp của riêng mình. Một quốc gia độc lập có chủ quyền phải thực thi luật pháp của mình".

Với việc Campuchia đang chống chọi với đợt bùng phát COVID-19 đáng sợ, Thủ tướng Hun Sen cũng đề cập đến nhu cầu làm vắc xin COVID-19 dễ dàng sẵn có, loại bỏ các hạn chế với việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ y tế qua biên giới.

Châu Á cần ưu tiên cao và hết sức coi trọng việc đảm bảo rằng vắc xin và thuốc COVID-19 là hàng hóa công cộng toàn cầu, sẽ được cung cấp và phân phối vì mục đích nhân đạo cho mọi quốc gia, đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương”, ông nói.

Ghi nhận ít hơn 500 ca bệnh và không có trường hợp tử vong nào do COVID-19 vào năm 2020, Campuchia đang phải vật lộn với đợt bùng phát coronavirus tồi tệ nhất với hơn 23.000 ca bệnh mới kể từ tháng 2.2021. Hiện Campuchia ghi nhận 23.697 ca mắc COVID-19 với 164 người chết và 15.700 trường hợp phục hồi.

Các cơ quan y tế của Campuchia đang gấp rút triển khai chiến dịch tiêm chủng và đã tiêm ít nhất một mũi cho hơn 2 triệu công dân.

Trong khi Campuchia nhận được một số lô vắc xin AstraZeneca thông qua chương trình COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, phần lớn nguồn cung vắc xin cho họ từ Trung Quốc, ông Hun Sen nhấn mạnh.

Nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc, có thể chúng tôi sẽ không có vắc xin cho người dân của mình”, ông nói.

Hội nghị quốc tế về 'Tương lai châu Á'  là diễn đàn đối thoại chính sách uy tín được tổ chức thường niên, có sự tham dự của các lãnh đạo, học giả, chính khách hàng đầu.

Năm nay, hội nghị tập trung vào vai trò của châu Á và những thay đổi chính sách gắn liền với đại dịch COVID-19, bao gồm các thách thức từ việc duy trì nguyên tắc hòa bình, ổn định, đa dạng khi các nước thúc đẩy sáng kiến phát triển kinh tế hậu đại dịch.

Theo thông tin từ trang web của hội nghị lần thứ 26, sự kiện này cũng đặt ra câu hỏi về cách thức các nước hợp tác trong những vấn đề quốc tế, trong đó có việc vượt qua các đại dịch khác trong tương lai.

Tại hội nghị này, phát triển kinh tế xanh cũng là chủ đề được quan tâm. Các học giả và lãnh đạo quốc tế sẽ thảo luận về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu…

Đây cũng là một trong những sự kiện quốc tế đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính kể từ khi nhậm chức. Hồi tháng 4.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới Thủ đô Jakarta (Indonesia) tham dự hội nghị các lãnh đạo ASEAN.

Các nguyên thủ và cựu lãnh đạo châu Á khác tham dự hội nghị 'Tương lai châu Á' có Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, cựu Thủ tướng Malaysia - Mahathir Mohamad, Phó thủ tướng Singapore - Heng Swee Keat, Thủ tướng Pakistan - Imran Khan…

Bài liên quan
‘ASEAN có thể là cầu nối cho Mỹ và Trung Quốc hợp tác’
Phát biểu khai mạc hội nghị Tương lai châu Á của Tập đoàn Nikkei (Nhật) hôm 20.5, Phó thủ tướng Singapore cho rằng sẽ có đầy rẫy những cơ hội để Mỹ hợp tác không chỉ với các nước ASEAN mà còn với Trung Quốc.

(2) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng Campuchia: Nếu không dựa vào Trung Quốc, tôi sẽ dựa vào ai?