Trước diễn biến giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, Thủ tướng mới đây đã giao Bộ Tài chính điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Thủ tướng giao sửa thuế xăng dầu, Bộ Tài chính đã làm đến đâu?

Tuyết Nhung | 01/03/2022, 12:39

Trước diễn biến giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, Thủ tướng mới đây đã giao Bộ Tài chính điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Sau kỳ điều chỉnh ngày 21.2, giá xăng RON 95 đã vượt mức 26.000 đồng/lít - mức cao nhất trong 8 năm qua. Thị trường vẫn tiếp tục "nóng" khi dự báo giá xăng dầu còn tăng tiếp vào kỳ điều chỉnh chiều nay (1.3).

Như Một Thế Giới đưa tin, hiện nay, mỗi lít xăng bán cho người tiêu dùng đang phải chịu nhiều loại thuế phí. Cụ thể, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, còn có một số khoản được đưa vào làm cơ sở để tính giá xăng dầu như: chi phí định mức, lợi nhuận định mức, Quỹ bình ổn giá...

xang-dau.jpg
Giá xăng dầu tăng phi mã trong những kỳ điều chỉnh gần đây 

Trong đó, cơ cấu giá xăng được cộng 8 khoản, gồm: giá CIF tính thuế (giá xăng nhập + chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON 95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (3.800 đồng với E5, 4.000 đồng với RON 95).

Trong mặt hàng xăng E5 RON 92, thuế phí chiếm 10.576 đồng/lít, tương ứng với 42,7% trong giá cơ sở, giá cơ sở hiện tại là 24.771 đồng/lít. Với xăng RON 95, thuế phí chiếm 10.942 đồng/lít, tương ứng với 43,2% trong giá cơ sở, giá cơ sở hiện tại là 25.332 đồng/lít.

Trong khi đó, với các mặt hàng dầu thì thuế phí chiếm dao động từ hơn 21% đến hơn 27%. Cụ thể, với dầu Diesel, thuế phí chiếm 5.294 đồng/lít, tương ứng với 26,1% trong giá cơ sở, mà giá cơ sở hiện tại là 20.265 đồng/lít. Với dầu hỏa, thuế phí chiếm 4.005 đồng/lít, tương ứng với 21,2% trong giá cơ sở, giá cơ sở hiện tại là 18.851 đồng/lít. Với dầu mazut, thuế phí chiếm 4.809 đồng/kg, tương ứng với 27,2% trong giá cơ sở, giá cơ sở hiện tại là 17.659 đồng/kg.

Có thể thấy, trong 4 loại thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu thì thuế bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ cao nhất. Khoản này là số tiền tuyệt đối, thay vì tỷ lệ phần trăm như nhiều loại thuế khác. Vì vậy, dù giá xăng giảm sâu hay tăng mạnh thì chi phí thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu vẫn là không đổi.

Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, bên cạnh những nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới thì gánh nặng thuế phí được xem là nguyên nhân đẩy giá mặt hàng này lên cao ngất ngưởng. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28.2.2022 theo đúng chỉ đạo tại văn bản trước đó của Văn phòng Chính phủ.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Một Thế Giới, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, việc phê duyệt hay không là từ phía các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để đánh giá mức độ phù hợp của khung và mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đến mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa đang thuộc đối tượng chịu thuế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung khung, mức thuế cho phù hợp.

Về phía Bộ Công Thương, để ổn định nguồn cung xăng dầu và giá cả mặt hàng này thời gian tới, lãnh đạo cơ quan này cho biết sẽ thực hiện việc bảo đảm tổng nguồn cung xăng dầu trước mắt trong Quý 2/2022 theo phương thức phân giao lại tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu bổ sung cho các thương nhân kinh doanh đầu mối.

Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khẩu khoảng 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do sản xuất trong nước không đạt kế hoạch sản lượng và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để đảm bảo cho nhu cầu phục hồi kinh tế. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu trong nước và đến giữa tháng 5.2022 sẽ xây dựng phương án phân giao tổng nguồn cụ thể cho 6 tháng cuối năm 2022.

"Theo tinh thần của Nghị định 95, Bộ Công Thương có tính đến các tình huống cấp bách, tiệm cận với giá thế giới để tiếp tục thực hiện điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, tuy nhiên khi cần, cứ 2 ngày một lần", lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.

Chiều nay, (1.3) là kỳ điều chỉnh tiếp theo của giá xăng dầu, theo dữ liệu được Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 24.2, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore hiện là 117,23 USD/thùng với xăng RON 95. Dầu diesel cũng lên mức 115,82 USD/thùng, tăng so với mức giá 107,75 USD/thùng kỳ trước đó. Như vậy, giá xăng dầu thành phẩm đã tăng khoảng 5%. Vì vậy, nhiều dự đoán cho rằng, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng lần thứ 6 liên tiếp trong kỳ điều chỉnh chiều nay.

Bài liên quan
Đừng nên đánh thuế môi trường với nhu cầu xăng dầu tối thiểu của người dân
Việc giảm thuế - phí, đặc biệt là thuế môi trường, tự chúng ta đóng cửa mà làm thì có lẽ giá xăng cũng không tăng cao và gây khó khăn cho túi tiền của đại bộ phận dân lao động như hiện giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng giao sửa thuế xăng dầu, Bộ Tài chính đã làm đến đâu?