Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Giá thuê nhà ở giảm 16,36% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê: Lạm phát cơ bản 2 tháng qua chỉ tăng 0,67%, giá thuê nhà giảm mạnh

P.V | 28/02/2022, 11:21

Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Giá thuê nhà ở giảm 16,36% so với cùng kỳ năm trước.

Sáng nay, 28.2, Tổng cục Thống kê vừa công bố giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12.2021.

So với tháng trước, CPI tháng 2.2022 tăng 1%; trong đó, khu vực thành thị tăng 0,99%; khu vực nông thôn tăng 1,02%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá. Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 2.2022 tăng cao nhất là 2,35% so với tháng trước. Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

Tổng cục Thống kê chỉ ra, các yếu tố làm tăng CPI trong 2 tháng đầu năm 2022 đó là giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 2.990 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.980 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.230 đồng/lít. Bình quân 2 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân 2 tháng đầu năm 2022 giá gas tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 2 tháng đầu năm tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 2 tháng đầu năm 2022 như: giá các mặt hàng thực phẩm 2 tháng đầu năm 2022 giảm 1,75% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,37 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 21,89%, mỡ ăn giảm 23,31%; giá thịt chế biến giảm 4,74%.

Giá dịch vụ giáo dục giảm 4,36% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI giảm 0,24 điểm phần trăm.

Giá thuê nhà ở giảm 16,36% so với cùng kỳ năm trước do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản  tháng 2.2022 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,68%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Cũng trong tháng 2, chỉ số giá vàng tăng 1,85%. Giá vàng trong nước tăng biến động cùng chiều với giá vàng thế giới khi lạm phát các quốc gia tăng cao và lo ngại ảnh hưởng của giao tranh giữa Nga - Ukraine. Tính đến ngày 25.2.2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.862,16 USD/ounce, tăng 2,38% so với tháng 1.2022.

Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng trong ngày Thần tài, Lễ Tình nhân 14/2 làm chỉ số giá vàng tháng 2.2022 tăng 1,85% so với tháng trước; tăng 1,53% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 0,72%.

Chỉ số giá USD giảm 0,28%. Cụ thể, đồng USD tháng 2/2022 khá ổn định và tính đến ngày 25.2.2022, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 95,92 điểm, tăng 0,01% so với tháng trước.

Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 22.900 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 2.2022 giảm 0,28% so với tháng trước do nguồn cung đảm bảo; giảm 0,84% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá USD trong nước giảm 0,79%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng cục Thống kê: Lạm phát cơ bản 2 tháng qua chỉ tăng 0,67%, giá thuê nhà giảm mạnh