Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, nhất là ở cấp xã huyện phải nắm được địa phương mình còn bao nhiêu trường hợp bức xúc đối thoại, giải quyết hợp lý, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

Thủ tướng: ‘Nhiều lãnh đạo địa phương chưa bao giờ tiếp dân, thấy dân là lên xe chạy’

Trí Lâm | 08/10/2016, 11:07

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, nhất là ở cấp xã huyện phải nắm được địa phương mình còn bao nhiêu trường hợp bức xúc đối thoại, giải quyết hợp lý, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

Thông tin trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, diễn ra vào chiều 7.10.

Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn 2012-2015, số lượt công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 4,3%, số đơn khiếu nại tố cáo giảm 54,6%, số vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 39,3%. Tuy nhiên, số đoàn đông người tăng 32%, đặc biệt là số đoàn đông người khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng 61,6% so với giai đoạn 2008-2011.

Trong số đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai thì khoảng 70% là khiếu nại hành chính về đất đai, trong đó 40% liên quan tới thu hồi đất, tái định cư. Ở nhiều nơi xảy ra tình trạng giá đền bù không hợp lý, trình tự thu hồi đất không minh bạch, rõ ràng, bố trí nơi tái định cư điều kiện sinh hoạt khó khăn hoặc quy hoạch treo dẫn đến người dân mất đất sản xuất.

“Khi xây dựng một công trình, một dự án cần nêu rõ lý do và cam kết nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nếu không như vậy thì người dân có nghe không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật đã thể hiện bất cập cần bổ sung, không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là Luật Đất đai, trong đó có vấn đề giá đất. Ở nhiều nơi, người đứng đầu địa phương, đơn vị còn chưa coi trọng đúng mức công tác tiếp công dân, chưa công khai lịch tiếp dân, ngại đối thoại với dân.

“Nhiều chủ tịch xã, huyện và cả tỉnh chưa bao giờ tiếp dân, thấy dân mà lên xe chạy như vậy có đúng quy định không? Trong khi người dân tin tưởng mình như vậy? Nói phải, củ cải cũng nghe”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho rằng bởi vì lãnh đạo không chú trọng lắng nghe những bức xúc của dân nên mới dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp, viện lý do để không xem xét giải quyết, mặc dù công dân đã cung cấp thêm thông tin chứng minh rằng việc khiếu nại, tố cáo là có cơ sở. Cùng với đó là cách giải quyết khiếu nại không khách quan, hợp lý, thậm chí tham ô, tham nhũng trong giải phóng mặt bằng.

“Khi tôi còn làm Phó thủ tướng, giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng Quốc lộ 1, tôi hỏi thì người dân nói họ ở đây 40 năm rồi, nhưng cán bộ đòi giấy tờ. Người ta ở đây 40 năm rồi thì còn cần giấy tờ gì, phải quyết cho họ chứ”.Thủ tướng nhấn mạnh:“Nếu giải quyết có tình, có lý cho dân, không tham ô tham nhũng thì không ai kỷ luật các đồng chí”.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, nhất là ở cấp xã huyện phải nắm được địa phương mình còn bao nhiêu trường hợp bức xúc đối thoại, giải quyết hợp lý, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Hệ thống tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cần phải đặt mình vào vị trí bức xúc của người dân để nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nêu câu hỏi: “Tại sao khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua giảm nhưng số vụ khiếu kiện đông người lại tăng? Chúng ta cần làm rõ nguyên nhân… Đặc biệt, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai ngày càng hoàn thiện, tại sao khiếu nại, tố cáo vẫn tăng? Phải chăng ở khâu tổ chức thực hiện pháp luật?”.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu phải giải quyết dứt điểm chứ không chỉ giải quyết hết thẩm quyền. Các giải pháp hiện nay đủ chưa, cần bổ sung những giải pháp nào, lựa chọn giải pháp nào là đột phá để ổn định tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, làm giảm vụ việc đông người, bức xúc căng thẳng, vượt cấp lên Trung ương, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả bộ máy phải làm việc theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng, nước đến chân mới nhảy”.

“Đây không phải là lý luận, phải là thực tiễn hành động thì mới yên dân được. Cần coi trọng công tác dân vận, làm cho dân hiểu, nói cho dân tin, lưu ý công tác hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho người dân với sự tham gia của Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, vai trò của cơ quan Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị…”, Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để người dân thực hiện quyền khiếu nại tố cáo. Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ rà soát, kiến nghị sửa đổi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi sát quá trình thi hành Luật Đất đai, tổng hợp các bất cập, trình Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung, nhất là những quy định liên quan đến giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng…

Trí Lâm
Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
8 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: ‘Nhiều lãnh đạo địa phương chưa bao giờ tiếp dân, thấy dân là lên xe chạy’