Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 368/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về Kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học và dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm tại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ

Trí Lâm | 14/11/2016, 19:21

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 368/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về Kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học và dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ.

Theo kết luận này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kết luận và kiến nghị nêu trong Kết luận thanh tra số 2634/KL-TTCP ngày 3.10.2016 và Kết luận thanh tra số 2632/KL-TTCP ngày 3.11.2016 của Thanh tra Chính phủ.

Thủ tướng cũng giao Thanh tra Chính phủ khi công bố chính thức kết luận thanh tra và tiến hành xử lý sau thanh tra: Phân tích, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến hậu quả thiệt hại và thua lỗ của từng dự án; xác định rõ phạm vi trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong từng dự án và theo từng giai đoạn, từ giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy đến giai đoạn đưa nhà máy vào hoạt động.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tổ chức đánh giá hiệu quả của từng dự án, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung của đề án phát triển nhiên liệu sinh học trong thời gian tới phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế và yêu cầu bảo vệ môi trường.

Trước đó, trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, PVTex là chủ đầu tư, nhưng trước khi phê duyệt dự án đã không thực hiện tổ chức thẩm định, xem xét các yếu tố về hiệu quả, tính khả thi của dự án. PVTex cũng không thẩm định tổng mức đầu tư như quy định, mà phê duyệt luôn, dẫn đến hậu quả thiếu chi phí vốn lưu động trong thời gian sản xuất thử và sản xuất không ổn định.

Thanh tra Chính phủ kết luận: “Do chủ đầu tư thiếu năng lực, kinh nghiệm, có phần buông lỏng quản lý, dẫn đến việc lập hồ sơ mời thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả trúng thầu và ký kết thực hiện hợp đồng không chặt chẽ, chưa rõ ràng, nhiều điều khoản mâu thuẫn và không được thực hiện trong thực tế... gây thiệt hại về kinh tế chưa thể xác định được”.

Cơ quan thanh tra chỉ rõ, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu PVN phải thoái vốn khỏi PVTex từ 56% xuống 36%. Tuy nhiên những quyết nghị của Bộ Công Thương và các nghị quyết của PVN đã đẩy tỷ lệ vốn PVN tại PVTex tăng từ 56% lên 75% là trái với chỉ đạo của Thủ tướng.

Nguyên nhân lỗ được xác định ngoài khách quan do thị trường tiêu thụ khó khăn, còn chủ quan do PVN, Vinatex là đại diện chủ sở hữu vốn tại PVTex chưa kịp thời xử lý những thay đổi phát sinh; còn nhiều thiếu sót và vi phạm trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát dẫn đến chi phí tăng cao (chi phí đào tạo là hơn 2,2 triệu USD, chi phí lãi vay là hơn 5 triệu USD, lỗ do chạy thử sản phẩm không đạt lên tới hơn 35,7 triệu USD); tiến độ thi công công trình chậm, lực lượng cán bộ công nhân lớn (thực tế tại thời điểm 30.6.2015 là 1.025 người, trong khi yêu cầu của dự án là 830 người) làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm cao; trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành nhà máy còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, sản phẩm khó tiêu thụ…

Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hữu quan xử lý về kinh tế 54 tỉ đồng và hơn 22.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp, đồng thời yêu cầu PVTex xử lý dứt điểm các tranh chấp do thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị, vật tư. Đồng thời xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tại Bộ Công Thương, PVN và Vinatex vì đã thiếu trách nhiệm trong vai trò quản lý Nhà nước, trong việc góp vốn, nhận góp vốn, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.

Trong cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 14.11, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết đang nghiêm túc, khẩn trương rà soát lại toàn bộ các dự án của các tập đoàn, tổng công ty thiếu hiệu quả, thua lỗ, có khả năng mất vốn như gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ... Tuy nhiên, công việc này cần nhiều thời gian vì liên quan tới khuôn khổ pháp lý, liên quan tới nhiều bộ ngành.

“Cơ chế quản lý, điều hành với các doanh nghiệp nhà nước là vấn đề lớn, cần nhiều Bộ ngành tham gia, sau buổi làm việc này, Bộ sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ”, Bộ trưởng cho biết.

Hoàng Long
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm tại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ