Để chỉ tính chất đẹp đẽ lộng lẫy thì người ta nói là hoa lệ, biểu thị vẻ bên ngoài đẹp nhờ trau chuốt nói là hoa mỹ, ví von tuổi trẻ tươi đẹp của đời người thì gọi là hoa niên (hay tuổi hoa)…

Thú vị 'hoa' và 'nụ' trong tiếng Việt

31/07/2018, 05:36

Để chỉ tính chất đẹp đẽ lộng lẫy thì người ta nói là hoa lệ, biểu thị vẻ bên ngoài đẹp nhờ trau chuốt nói là hoa mỹ, ví von tuổi trẻ tươi đẹp của đời người thì gọi là hoa niên (hay tuổi hoa)…

Hoa và nụ. Hoa đào tượng trưng cho mùa xuân - Ảnh: N.Thông

Đối với hoa (miền Nam gọi là bông), trước hết những người nói tiếng Việt đã đặc biệt chú ý đến vẻ quyến rũ của sự vật thường có màu sắc và hương thơm. Đồng thời nó cũng tạo nên sự chú ý ở hình dạng thường gặp: chính giữa là nhụy, rồi những cánh hoa mở ra xung quanh đều đặn như một sự khéo sắp đặt của tự nhiên.

Điều khá lý thú ở chỗ hoa có đặc điểm chung trong văn hóa nhân loại: Ở rất nhiều nước trên thế giới, hoa được coi là biểu tượng của sự toàn hảo, của sự thanh tao và tỏa sáng, của tình yêu và cả sự bấp bênh thoáng qua của vẻ đẹp nơi trần thế. Tại nhiều nước phương Đông, hoa cúc thường gợi nhớ đến mùa thu và những kỷ niệm (Mùa thu vào hoa cúc/Chỉ còn anh và em/Chỉ còn anh và em/Là của mùa thu cũ - thơ Xuân Quỳnh), hoa hướng dương là biểu tượng của lòng khát khao lý tưởng, hoa mẫu đơn tượng trưng cho sự phú quý, hoa sen là biểu tượng của sự thuần khiết giữa bụi trần tục lụy (Trong đầm gì đẹp bằng sen/Là xanh bông trắng lại chen nhị (nhụy) vàng/Nhị vàng bông trắng lá xanh/Gần bùn mà chẳng hôi thanh mùi bùn - Ca dao), hoa hồng là lời ngợi ca sự toàn mỹ, còn hoa đào tượng trưng cho mùa xuân (Cành đào năm chiến thắng/Lấp lánh màu hoa tươi/Mùa xuân xao xuyến đất/Mùa xuân xao xuyến người - thơ Chế Lan Viên)…

Trong tiếng Việt, hoa được dùng để ví von với vẻ tươi đẹp: mặt hoa da phấn, tươi (đẹp) như hoa. Trong văn nghệ, hoa thường được dùng khi nói về người con gái đẹp (còn "bướm" và "ong" là những chàng trai si tình). Cũng theo hướng suy tưởng như thế, hoa được sử dụng trong các từ ghép để chỉ người con gái đẹp nhất (trong cuộc thi người đẹp ở một vùng, hoặc một lĩnh vực nào đó) là hoa hậu và hoa khôi. Để chỉ tính chất đẹp đẽ lộng lẫy thì người ta nói là hoa lệ, biểu thị vẻ bên ngoài đẹp nhờ trau chuốt nói là hoa mỹ, ví von tuổi trẻ tươi đẹp của đời người thì gọi là hoa niên (hay tuổi hoa)…

Bằng sự cảm nhận trực tiếp, những người nói tiếng Việt đã so sánh hình dạng thường gặp của hoa với nhiều sự vật khác (trông cũng từa tựa như hoa), để từ đó lấy hoa làm tên gọi chung cho các sự vật khác ấy (theo cách ẩn dụ) hoặc chỉ tính chất của chúng: hoa lửa, hoa tuyết, hoa đèn, hoa tai, hoa tay, pháo hoa, cháo hoa, rỗ hoa… Người ta thậm chí còn nói vải hoa và chiếu hoa (chỉ loại vải và chiếu có hình trang trí, nhưng không nhất thiết bằng những hình hoa), chữ hoa (chỉ dạng chữ to thường dùng ở đầu câu và đầu danh từ riêng)… Như thế là từ "hoa" đã được mở rộng về nghĩa: Thoạt đầu nó chỉ hoa, rồi hình hoa, rồi hình trang trí tựa bông hoa, và rồi chỉ hình trang trí nói chung (trong vải hoa, chiếu hoa…). Về chữ hoa, chúng ta nhớ rằng trước đây dạng chữ này không chỉ to hơn chữ thường, mà còn được trang trí khá cầu kỳ bằng những nét và những móc bay bướm, rất đẹp…

Bây giờ hãy trở lại với từ "nụ". Đây là một từ khiêm nhường và hình như vẻn vẹn như chính sự vật được nó biểu thị (nụ): Chỉ có hình viên tròn như cái khuy, không có gì đặc biệt về hương thơm và màu sắc, lại thường bị bao bọc trong chiếc đài màu xanh nên hay bị lẫn vào đám cành lá (trừ khi trên cành trơ trụi lá). Nhưng không phải ngẫu nhiên mà nhân gian lại thích chọn cành đào với những nụ lấm tấm làm biểu tượng cho mùa xuân. Vấn đề ở chỗ nó đậm ý nghĩa: Người ta chú ý rằng nó chưa phải là hoa nhưng rồi sẽ là hoa, và trong cái hình dạng kín đáo hay rụt rè cam phận kia đang hứa hẹn một sự mỹ miều quyến rũ... Cười nụ là kiểu cười chúm chím như nụ, thường tạo sự lôi cuốn, quyến rũ, khác hẳn kiểu cười rộng miệng, cười hô hô ha ha rất vô duyên.

Tạ Văn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thú vị 'hoa' và 'nụ' trong tiếng Việt