Mới đây, một nhóm nghiên cứu về trắc lượng khoa học công bố cơ sở dữ liệu của hơn 100.000 tác giả bài báo khoa học có chỉ số trích dẫn lớn, có ảnh hưởng nhất thế giới.

Thực hư danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới

Theo Thanh Niên | 30/10/2021, 08:25

Mới đây, một nhóm nghiên cứu về trắc lượng khoa học công bố cơ sở dữ liệu của hơn 100.000 tác giả bài báo khoa học có chỉ số trích dẫn lớn, có ảnh hưởng nhất thế giới.

Dư luận xã hội ở Việt Nam có sự ngộ nhận cho rằng đây là danh sách vinh danh 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới.

Ngày 19.10, Elsevier (một công ty xuất bản học thuật, chủ sở hữu cơ sở dữ liệu Scopus) đăng tải thông tin về hơn 100.000 tác giả được trích dẫn nhiều nhất kể từ năm 1996 đến nay và cập nhật đến tháng 8.2021.

Khoảng 5 ngày sau khi đăng tải, thông tin này được lan truyền rộng rãi trong dư luận xã hội, nhưng đã được “Việt hóa”, kèm theo những thông điệp mang tính ngộ nhận, thể hiện nhận thức sai lệch về mục tiêu của các tác giả xây dựng bộ dữ liệu.

Có hay không bảng xếp hạng nhà khoa học thế giới ?

Theo một nhóm nhà khoa học trẻ ở Việt Nam đang ở nước ngoài trao đổi với phóng viên Thanh Niên, cơ sở dữ liệu chuẩn hóa về các tác giả có bài báo khoa học được trích dẫn nhiều là bộ dữ liệu do một nhóm các nhà khoa học xây dựng trên căn cứ khai thác cơ sở dữ liệu Scopus. Tác giả chính của danh sách này là GS John P.A. Ioannidis, một nhà khoa học uy tín, làm việc ở ĐH Stanford.

Bộ dữ liệu lần đầu tiên được công bố vào tháng 8.2019 trên tạp chí PLOS Biology (Mỹ). Tháng 10.2020, nhóm tác giả công bố phiên bản cập nhật cũng trên tạp chí này. Phiên bản cập nhật mới nhất được công bố trên trang Elsevier ngày 19.10 vừa qua, dựa theo dữ liệu Scopus tính đến ngày 1.8.2021.

Phiên bản này có 2 danh sách, một danh sách dựa trên dữ liệu Scopus từ năm 1996 (có thể xem danh sách này là đánh giá cho sự nghiệp hơn 20 năm của các nhà khoa học nên Báo Thanh Niên, tạm gọi là Danh sách Sự nghiệp). Danh sách còn lại dựa trên dữ liệu trong vòng 1 năm trước thời điểm các tác giả tiến hành phân tích. Dư luận xã hội mấy ngày qua chủ yếu bàn luận về danh sách thứ 2 (tạm gọi là Danh sách 2020).

Về bản chất, các danh sách này là thử nghiệm của nhóm tác giả trong việc áp dụng một chỉ số tổng hợp (composite score) từ 6 thông số về trích dẫn để đánh giá nhà nghiên cứu về mặt trích dẫn. Danh sách trong file Excel của các phiên bản thường có trên 100.000 tác giả (ví dụ phiên bản 10.2021, file Excel gồm hơn 186.000 tác giả). Nhóm tác giả danh sách xếp hạng lọc ra 100.000 nhà nghiên cứu có chỉ số tổng hợp về trích dẫn cao nhất từ các file Excel đó.

Như vậy, các danh sách chỉ thống kê những người được trích dẫn nhiều xét theo chỉ số tổng hợp do nhóm tác giả đề xuất, hoàn toàn không tính đến các yếu tố quan trọng khác thường được dùng để đánh giá đẳng cấp nhà khoa học như được trao các giải thưởng lớn, là thành viên của những viện hàn lâm và hiệp hội khoa học uy tín, hoặc được mời làm diễn giả các hội thảo hàng đầu trong ngành.

Theo TS Doãn Minh Đăng, hiện làm việc cho Công ty kỹ thuật IAV GmbH ở Đức, vì căn cứ để lập danh sách xếp hạng là chỉ số tổng hợp được tạo ra từ các thông số về trích dẫn nên các danh sách này bao gồm nhiều nhà khoa học với đẳng cấp rất khác nhau trong từng lĩnh vực, có cả những nhà khoa học rất uy tín lẫn các nhà khoa học vô danh, thậm chí có nhiều người đã từng dính bê bối về liêm chính học thuật bị cộng đồng khoa học “bóc phốt”. Rất nhiều nhà khoa học uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của họ không có trong các danh sách này.

Những tên tuổi là niềm tự hào của cộng đồng khoa học người Việt như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Phan Thành Nam… hoàn toàn vắng mặt. Trong số 10 nhà nghiên cứu đoạt các giải Nobel khoa học (vật lý, hóa học, y sinh và kinh tế) năm 2020, 2 người không có tên trong Danh sách 2020 là Andrea M.Ghez ở lĩnh vực vật lý và Robert B.Wilson ở lĩnh vực kinh tế (riêng Andrea M.Ghez còn không xuất hiện trong cả Danh sách Sự nghiệp).

Ngay cả khi có tên trong các danh sách trên, các nhà khoa học uy tín hàng đầu thế giới cũng nằm ở vị trí thấp. Tác giả có địa chỉ ở Việt Nam đứng hạng cao nhất là Ali J.Chamkha được xếp vị trí 2.634 trong Danh sách Sự nghiệp, cao hơn hẳn 9 trong số 10 khôi nguyên Nobel 2020 có tên trong cùng danh sách. GS Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago, Mỹ) cũng chỉ xếp ở vị trí 7.101 trong danh sách này.

Trường hợp “địa chỉ” Việt Nam

Phân tích thông tin liên quan tới các tác giả có địa chỉ Việt Nam của cả 2 danh sách Sự nghiệp và 2020 mới càng thấy sự phi lý của khái niệm “nhà khoa học hàng đầu” mà dư luận xã hội thời gian qua gán ghép cho bộ cơ sở dữ liệu này.

Ví dụ, trong Danh sách 2020 có tên cố GS Hoàng Tụy, nhà khoa học Việt Nam có uy tín nhất trong giới khoa học trong nước và quốc tế trong khoảng vài ba chục năm gần đây. Tuy nhiên, “vị trí sự nghiệp” của GS Hoàng Tụy nằm ở con số 81.257 “thế giới”, thứ 13 của Việt Nam. Trớ trêu hơn, vị trí của GS Hoàng Tụy nhìn chung đều dưới 12 tác giả có địa chỉ Việt Nam hàng chục ngàn bậc.

Với Danh sách Sự nghiệp, có 53 tác giả có địa chỉ Việt Nam, trong đó đa số được thống kê theo địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân. Nhưng chỉ có 28 tác giả có họ tên của người Việt, 25 người còn lại có họ tên nước ngoài. Theo TS Doãn Minh Đăng, ngay cả trong số các tác giả có họ tên Việt, có nhiều người là Việt kiều, đang làm việc tại các trường ĐH, viện nghiên cứu ở nước ngoài.

Phân tích Danh sách 2020 cho thấy có nhiều thông tin mà trước đây chỉ tồn tại ở diện nghi vấn thì nay hiện hữu qua con số, chẳng hạn như hiện tượng nhiều nhà khoa học không làm việc ở Việt Nam, nhưng lại ghi địa chỉ công bố ở Việt Nam (là địa chỉ duy nhất chứ không phải cùng lúc có nhiều địa chỉ theo kiểu người vừa làm việc nơi này, nhưng có mối quan hệ hợp tác với nơi kia).

Theo địa chỉ quốc gia, Việt Nam có 146 lượt tác giả (có một số tác giả được thống kê 2 lần do cách viết tên khác nhau hoặc xuất bản bài báo ở các lĩnh vực khác nhau). Số tác giả họ tên Việt có 87 người (kể cả người đang làm việc ở nước ngoài, nhưng do có bài công bố ghi địa chỉ trường ĐH trong nước nên được thống kê theo địa chỉ Việt Nam), 57 người còn lại có họ tên nước ngoài.

Kiểm tra ngẫu nhiên thông tin về một số tác giả người Việt đang làm việc ở nước ngoài, nhóm nhà khoa học trẻ Việt Nam nhận thấy có những người mà số bài báo ghi tên trường ĐH Việt Nam nhiều hơn số bài ghi tên chính trường mình làm việc, chẳng hạn như tác giả B.T.D (Na Uy).

Trong số 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, có tác giả họ tên nước ngoài tập trung chủ yếu ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng (32 người) và Trường ĐH Duy Tân (20 người). Điều thú vị là trong số các tác giả này, có bài thì ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân, có bài lại ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng...

Sự ghi nhận và đánh giá khách quan

Chúng tôi giảng dạy và nghiên cứu khoa học không phải vì mục đích để xếp vào hạng này nọ. Nhưng dẫu sao đây cũng là một sự ghi nhận và đánh giá rất khách quan, công bằng của cộng đồng quốc tế nên là sự động viên có ý nghĩa. Mấy GS nước ngoài mà tôi biết hoặc mấy GS Việt kiều có tên trong danh sách, đều là các GS hàng đầu, rất xuất sắc.

GS Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội (có tên trong cả 2 danh sách)

Cách xa giải Nobel hàng tỉ dặm

Các kiểu xếp hạng trích dẫn chung cho toàn bộ khoa học không có ý nghĩa gì cả. Người ta chỉ đánh giá H index giữa các chuyên gia cùng chuyên môn sâu. Vì thế, nếu đem những GS toán so sánh với các bạn trẻ trong lĩnh vực khoa học vật liệu thì đương nhiên GS toán học phải thua hàng nghìn bậc trong chỉ số trích dẫn. Nếu cho rằng cái danh sách chúng ta nói tới là một bảng xếp hạng thì với vị trí mấy nghìn đó nhà khoa học có lẽ đang cách xa giải Nobel hàng tỉ dặm.

GS Đào Tiến Khoa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (có tên trong cả 2 danh sách)

Bài liên quan
Việt Nam có 5 nhà khoa học vào top 10.000 thế giới
Việt Nam có 5 nhà khoa học thuộc top 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có 3 nhà khoa học liên tiếp có tên trong danh sách này 3 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
35 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hư danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới