Ngày 12.7, tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc ban hành các dự luật vừa được Quốc hội thông qua, báo chí đã đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải về tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua đỉa, rễ cau… tại Việt Nam.

Thương lái Trung Quốc tạo cơn sốt hàng hoá lạ đời: Một kiểu đánh phá nền kinh tế

13/07/2017, 16:21

Ngày 12.7, tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc ban hành các dự luật vừa được Quốc hội thông qua, báo chí đã đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải về tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua đỉa, rễ cau… tại Việt Nam.

Người dân thu gom lá mãng cầu bán cho thương lái Trung Quốc

“Những người thu mua các mặt hàng trên đều là công dân các nước khác, đặc biệt là những nước có cùng đường biên giới với nước ta. Họ sang Việt Nam dưới hình thức du lịch nhưng khi vào họ có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dùng người Việt Nam để thu mua những mặt hàng đó”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Như báo chí đã rất nhiều lần phản ánh, tình trạng thương lái Trung Quốc vào Việt Nam thu mua những thứ lạ đời như râu ngô, phân trâu khô, hạt chè, rễ cau, rễ cây sim, lá điều khô... thỉnh thoảng lại diễn ra với những cơn sốt. Và khi những cơn sốt đi qua đều để lại nhiều hệ luỵ, nhiều hậu quả cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam.

“Chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, kể cả Bộ Công an cũng như các địa phương nơi thường hay xuất hiện tình trạng thu mua những sản phẩm trên. Để làm tốt việc này, chính quyền sở tại có vai trò rất quan trọng, đã được Chính phủ phân cấp, ủy quyền”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Theo ông Hải, khi đã hội nhập quốc tế, sẽ có nhiều công dân của các nước sang Việt Nam và ngược lại do các thủ tục đã đơn giản hơn nhiều, thậm chí không cần visa. Vì vậy, vai trò của các bộ, ngành là đưa ra những chính sách, quy định và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, còn hành động của chính quyền địa phương là cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn người Trung Quốc làm chuyện lạ đời.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng để ngăn chặn hay hóa giải nguy hại từ tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua những thứ lạ đời là điều không dễ. Việc thường xuyên tái diễn tình trạng thu mua những thứ lạ đời là minh chứng rõ nhất cho nhận định đó.

Thương lái Trung Quốc chủ động tạo những cơn sốt mơ hồ

Trong số những thủ thuật, thủ đoạn mà thương lái Trung Quốc thực hiện ở nước ngoài có việc tạo ra những “cơn sốt mơ hồ” nhưng cực nóng trên thị trường. Đây là một trong những thủ đoạn hết sức nguy hiểm với những chiêu trò có thể gây ra những nguy hại rất lớn cho đối tác của họ.

Dư luận thường thấy, tại một số quốc gia được xem là bạn hàng của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, cứ thỉnh thoảng lại lên cơn sốt về một loại sản phẩm nào đó với nhu cầu và giá cả tăng đột biến, vượt quá sức tưởng tượng của những người cung ứng. Đặc biệt, những mặt hàng càng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội của nước sở tại, thì cơn sốt về những loại sản phẩm đó càng dữ dội.

Có những sản phẩm đang được trao đổi, mua bán rất bình thường bỗng dưng trở thành những loại hàng hóa đặc biệt, giá cả tăng theo cấp số nhân, thị trường liên tục nóng bởi nhu cầu liên tục gia tăng. Và loại hàng hóa này còn đặc biệt ở cả cách mua cách bán và cách kiểm tra hàng hóa.

Có những mặt hàng vốn là những thứ hết sức thông thường bỗng nhiên có những đơn đặt hàng với những yêu cầu đặc biệt và giá cao bất ngờ. Dư luận xôn xao, cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp và nền kinh tế có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhưng tại sao lại có hiện tượng bất thường ấy thì từ các chuyên gia nghiên cứu về các lĩnh vực kinh tế tìm hiểu nhu cầu cho đến chuyên gia về kỹ thuật tìm hiểu về giá trị sử dụng, thậm chí cả chuyên gia trong lĩnh vực y khoa nghiên cứu về công dụng của sản phẩm, gần như đều không thể lý giải được.

Người có nhu cầu có thường không xuất hiện, mà chủ yếu là qua bộ phận trung gian tìm hiểu thị trường và bộ phận thu gom là thương lái nước sở tại. Và qua những lực lượng này thì dư luận chỉ có được những thông tin hết sức mơ hồ về mục đích mua bán và công dụng sản phẩm.

Cứ như thế, thị trường nghiêng ngả theo những bí mật của người mua. Thậm chí, đến khi kết thúc những cơn sốt hay loại hàng hóa đó không còn được mua bán nữa thì thông tin về mục đích và công dụng của nó vẫn nằm trong màn bí mật.

Người ta mua lá mãng cầu non, phân trâu khô... để làm gì thì không ai biết được, hiểu được. Y khoa với những công cụ hỗ trợ lâm sàng kỹ thuật cao cũng không thể tìm ra đâu là những hàm lượng tố chất có thể tạo nên những loại dinh dưỡng hay biệt dược có thể làm tăng sức mạnh hay sức để kháng một cách đặc biệt cho con người.

Song có lẽ người bán cũng chẳng quan tâm tới những bí mật đó, bởi mục đích là bán được hàng hoá với giá cao. Tuy nhiên, tác động của những cơn sốt mơ hồ quanh những sản phẩm được đặc biệt hoá đó đối với đời sống xã hội thì không hề nhỏ.

Hiệu ứng xã hội tiêu cực

Theo quan điểm của Forbes Asia, đằng sau những cơn sốt mơ hồ ấy là những kế hoạch được vẽ ra một cách bài bản và cực kỳ thâm sâu, mà mục tiêu của nó là móc túi những đối tác trực tiếp, còn mục đích là làm thiệt hại cho cả một nền kinh tế trong hiện tại và ảnh hưởng đến cả tương lai.

Điều dễ nhận thấy nhất, phía sau những cơn sốt của những sản phẩm được đặc biệt hoá, là sự chuyển đổi mục đích các hoạt động kinh tế diễn ra một cách tự nhiên nhưng rất nguy hiểm. Chẳng hạn, người trồng mãng cầu không phải để lấy quả mà chỉ để lấy lá non, người trồng ngô không phải để lấy lương thực mà chỉ để lấy râu non bán.

Từ thực tế đó sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực với nền kinh tế. Thứ nhất, các kế hoạch kinh tế vĩ mô bị phá vỡ, thị trường sản phẩm chính phẩm bị thiếu hụt và nguy cơ xảy ra hàng loạt những hợp đồng kinh tế bị vi phạm và phải bồi thường. Doanh nghiệp lao đao và mất uy tín, còn nền kinh tế thì mất đi sức hấp dẫn.

Thứ hai, đời sống kinh tế - xã hội bị xáo trộn khi cơn sốt đang ở mức cao trào và bị đảo lộn khi cơn sốt hạ nhiệt và chấm dứt. Cụ thể là tâm lý lo âu và chờ đợi của những nhà cung ứng không chuyên nghiệp cho một nhu cầu tự phát bất thường. Lo âu là không biết nhu cầu tiếp theo là mặt hàng nào và chờ đợi những cơn sốt trong tương lai.

Hậu quả là một nền sản xuất sẽ bị thu hẹp, người ta không biết sản xuất sản phẩm gì, trồng cây gì, nuôi con gì. Thậm chí người ta không tập trung, không quan tâm nhiều tới sản xuất bởi lẽ nguồn lợi từ hoạt động thương mại trong thời kỳ của những “cơn sốt mơ hồ” làm cho người sản xuất, nhà sản xuất mất động lực.

Ngày 18.7.2013, Trung tâm nghiên cứu về các vấn đề xã hội, thái độ và xu hướng dư luận xã hội toàn cầu của Mỹ (PEW), đã công bố kết quả khảo sát tại 38 quốc gia trên toàn thế giới về thái độ đối với Trung Quốc, trong đó có tới 26/38 nước, người dân không thích cách làm ăn của người Trung Quốc.

Tại một số quốc gia, số người dân không xem Trung Quốc là đối tác tin cậy chiếm tỷ lệ rất cao như tại Nhật Bản (89%), Hàn Quốc (79%), Úc (79%), Tây Ban Nha (85%), Ý (83%), Pháp (83%), Anh (82%), Israel (79%), Jordan (71%), Thổ Nhĩ Kỳ (68%), Mỹ (60%), Kenya (77%), Nigeria (70%), Nam Phi (67%), Senegal (62%), Argentina (71%) và Chile (65%).

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil nhưng cũng có tới hơn một nửa số người Brazil được hỏi (51%) không thích cách làm ăn của nước này. Những con số đó đã lý giải tại sao người Trung Quốc lo lắng về hình ảnh của họ đang ngày càng xấu đi ở nước ngoài.

Khảo sát của PEW với người dân Trung Quốc cho thấy có tới 56% người dân nước này được hỏi cho rằng đất nước của họ nên được tôn trọng hơn. Mong muốn là như vậy nhưng người Trung Quốc ra làm ăn ở nước ngoài lại không hướng tới việc thay đổi hình ảnh của họ, thậm chí còn làm xấu hơn với những cách thức làm ăn không minh bạch của mình.

Như vậy, người dân nước sở tại không ưa thích, cách thức làm ăn gian dối luôn bị phát hiện, đề phòng, vậy mà thương lái Trung Quốc vẫn có thể tạo ra những cơn sốt mơ hồ với những loại sản phẩm được chính họ đặc biệt hoá, làm thiệt hại cho đối tác, gây thiệt thại cho nước sở tại.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương lái Trung Quốc tạo cơn sốt hàng hoá lạ đời: Một kiểu đánh phá nền kinh tế