Trong khi các bậc cha mẹ tại Mỹ đang do dự về việc có nên cho con mình tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin COVID-19 hay không, một số nước và vùng lãnh thổ khác có những lựa chọn mới: Chỉ tiêm một mũi vắc xin cho trẻ em.
Các quan chức ở Anh, Hồng Kông, Na Uy và vài nước khác đã khuyến cáo tiêm một mũi vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên giúp bảo vệ một phần khỏi vi rút SARS-CoV-2, mà không có những tác hại tiềm ẩn đôi khi được quan sát thấy ở liều thứ hai.
Quan chức y tế ở những nơi đây đang đặc biệt lo lắng về việc ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy bệnh viêm cơ tim có thể phổ biến ở thanh thiếu niên sau khi tiêm chủng hơn người ta tưởng.
Nguy cơ viêm cơ tim rất nhỏ và chỉ đáng kể sau khi tiêm mũi vắc xin mRNA thứ hai. Thế nhưng, những con số đã thay đổi phép tính rủi ro so với lợi ích ở các quốc gia có số ca mắc COVID-19 mới hầu như thấp hơn ở Mỹ.
Các cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã xem xét dữ liệu về bệnh viêm cơ tim vào tháng 6 và nhất trí bỏ phiếu khuyến nghị tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, cho rằng lợi ích của việc tiêm vắc xin vượt xa so với rủ ro.
Nghiên cứu của CDC đã ước tính rằng cứ mỗi một triệu bé trai từ 12 - 17 tuổi tại Mỹ được tiêm chủng thì vắc xin có thể gây ra tối đa 70 trường hợp viêm cơ tim nhưng sẽ ngăn ngừa được 5.700 ca mắc COVID-19, 215 trường hợp nhập viện và hai người chết. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ bị các vấn đề về tim khi mắc COVID-19 cao hơn nhiều so với khi tiêm vắc xin.
Viêm cơ tim là một trong những mối quan tâm khiến Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu các nhà sản xuất vắc xin tăng số lượng trẻ em trong các thử nghiệm lâm sàng. Vấn đề có thể trở thành tiêu điểm của cuộc thảo luận khi các cố vấn của FDA họp vào cuối tháng này để xem xét bằng chứng về tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 -11 tuổi.
Phân tích mới nhất được công bố hôm 6.10 trên Tạp chí Y học New England cho thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin Pfizer ở Israel cao nhất ở nam giới từ 16 – 29 tuổi. Khoảng 11 trong số 100.000 nam giới trong độ tuổi đó phát triển tình trạng này vài ngày sau khi được chủng ngừa. Đây là tỷ lệ cao hơn so với hầu hết các ước tính trước đó. Nguy cơ này không đáng kể ở phụ nữ ở mọi lứa tuổi.
Trong số 54 trường hợp được xác định trong nghiên cứu, một ca nghiêm trọng đến mức phải thở máy. Một bệnh nhân khác có tiền sử bệnh tim tử vong không rõ nguyên nhân ngay sau khi xuất viện.
Trong số 14 bệnh nhân ở nghiên cứu mới có biểu hiện bất thường về tim khi nhập viện, 10 người vẫn có một số dấu hiệu của vấn đề khi xuất viện. Thế nhưng khi các bệnh nhân được kiểm tra lại một vài tuần sau đó, tất cả 5 người trong số họ đã có kết quả dường như đã bình phục hoàn toàn.
Một nghiên cứu thứ hai cũng được công bố trên tạp chí cho thấy nam thanh thiếu niên từ 16 – 19 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim cao nhất sau khi tiêm mũi vắc xin mRNA thứ hai. Tỷ lệ này cao gấp 9 lần khi so sánh với nam thanh thiếu niên cùng tuổi không được tiêm vắc xin trong cùng thời gian.
Các quan chức y tế ở nước khác có kế hoạch xem xét lại chiến lược tiêm một mũi vắc xin khi có thêm thông tin về độ an toàn. Lúc đó, họ có thể chọn tiếp tục tiêm mũi vắc xin thứ hai. Tiến sĩ Walid Gellad, chuyên gia về an toàn thuốc tại Đại học Pittsburgh (Mỹ), nói khả năng trì hoãn mũi vắc xin thứ hai vẫn chưa nhận được quan tâm đầy đủ ở Mỹ.
“Ở Mỹ, mọi người không muốn nói về điều này vì những lí do không rõ ràng. Các bậc cha mẹ đang do dự có thể đánh giá cao thực tế rằng nguy cơ tác dụng phụ thực sự thấp hơn nhiều khi tiêm một liều so với hai liều. Các tác dụng phụ nghiêm trọng chủ yếu được thấy ở trẻ em trai, vì vậy cách tính liều lượng vắc xin phải khác nhau với trẻ em trai và gái”, ông Gellad nói.
Còn quá sớm để biết liệu viêm cơ tim có thể làm suy yếu vĩnh viễn tim của một số người sau khi tiêm vắc xin mRNA hay không. Tiến sĩ Jeremy Brown, chuyên gia về các bệnh hô hấp tại Đại học College London (Anh) và thành viên nhóm tư vấn vắc xin của Anh, nói: “Điều đó khiến chúng tôi rất khó đưa ra tuyên bố tuyệt đối rằng việc tiêm vắc xin này là hoàn toàn an toàn. Chúng tôi cần một số cảm nhận về hậu quả lâu dài của bệnh viêm cơ tim có thể là gì”.
Các chuyên gia cho biết tính cấp thiết của việc tiêm đủ hai liều vắc xin COVID-19 cho trẻ em phải được cân nhắc trong hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia. Ở Anh, tỷ lệ tiêm vắc xin cao ở những người lớn tuổi và có nguy cơ cao giúp cho các bệnh viện hầu như không phải tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 trở nặng.
“Nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng ở trẻ em 12 – 15 tuổi khỏe mạnh là hầu như không đáng kể. Để chống lại điều đó, phải đảm bảo rằng vắc xin bạn đang tiêm là hoàn toàn an toàn”, ông Jeremy Brown nói.
Một số chuyên gia lập luận rằng việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em sẽ giúp cắt đứt các chuỗi lây nhiễm vi rút. Việc tiêm chủng cho trẻ em để bảo vệ những người xung quanh là điều không thể chối cãi. “Nếu không tiêm vắc xin cho một đứa trẻ 15 tuổi để ngăn chúng lây nhiễm cho những người khác thì đó không phải điều đúng đắn về mặt đạo đức”, ông Jeremy Brown nói thêm.
Benjamin Cowling, nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, cho biết tại Hồng Kông, lập luận về việc trẻ vị thành niên tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19 thậm chí còn thấp hơn ở Anh.
Hồng Kông chỉ ghi nhận hơn 12.000 ca mắc COVID-19 với 213 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu. Kể từ tháng 4 tới nay, có ít hơn 10 ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở Hồng Kông. Vì vậy nguy cơ viêm cơ tim, tuy hiếm gặp nhưng lại vượt xa lợi ích của việc tiêm vắc xin đầy đủ cho thanh thiếu niên ở Hồng Kông, theo ông Benjamin Cowling.
Các thử nghiệm lâm sàng của vắc xin ở trẻ em không đủ lớn để phát hiện các tác dụng phụ hiếm gặp như viêm cơ tim. “Bạn sẽ chỉ nhìn thấy điều đó khi nó ảnh hưởng đến cấp độ dân số, sau đó thì mọi thứ đã quá muộn. Liệu có nên tiêm mũi vắc xin thứ hai cho trẻ em hay không thì cần phải xem xét cẩn thận”, ông Benjamin Cowling nói.
Thế nhưng, Mỹ lại không cùng suy nghĩ với các nước khác, Tiến sĩ Jeffrey Duchin, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và là thành viên không bỏ phiếu của nhóm cố vấn về vắc xin cho CDC, lưu ý.
Khoảng 2.000 người Mỹ đang chết mỗi ngày và các bệnh viện ở nhiều nơi đang lâm vào tình trạng quá tải. “COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới trẻ em tại Mỹ”, ông Jeffrey Duchin nói.
Hơn 63.000 trẻ em đã phải nhập viện vì COVID-19 từ tháng 8.2020 đến tháng 10.2021 với ít nhất 520 người đã tử vong. Một số trẻ em đã có những triệu chứng của COVID-19 kéo dài, trong đó các triệu chứng có thể tồn tại trong nhiều tháng và hơn 4.000 trẻ em đã được chẩn đoán mắc một tình trạng nguy hiểm được gọi là hội chứng viêm đa hệ thông.
Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.
“Tất cả các dữ liệu mà chúng tôi có cho đến nay đều cho thấy bản thân căn bệnh này còn tồi tệ hơn đáng kể so với tác dụng phụ của vắc xin. Với tất cả những điều đó, một nguy cơ nhỏ bị viêm cơ tim rất đáng để thực hiện và hai liều là hợp lý", ông Jeffrey Duchin nói thêm.
Theo ông Jeffrey Duchin, cũng có lo ngại rằng một liều vắc xin có thể không bảo vệ trẻ em chống lại mắc COVID-19, nếu có thì không lâu. “Tôi chưa thấy dữ liệu cho thấy rằng một liều vắc xin sẽ có mức độ bảo vệ cao và lâu dài”, ông cho hay.
Một số chuyên gia cho biết tất cả những mối quan tâm này cũng như dữ liệu về bệnh viêm cơ tim nên được thông báo trong một cuộc thảo luận quốc gia về việc nên tiêm một hay hai mũi vắc xin cho thanh thiếu niên.
“Chưa có đủ cuộc thảo luận về tác hại tiềm ẩn của việc tiêm vắc xin vì mọi người đều rất nhạy cảm vì sợ sự chần chừa và không muốn tiếp thêm động lực cho các chiến dịch chống tiêm chủng”, ông Duchin nói.
Đặc biệt tại Mỹ, nhiều chuyên gia y tế công cộng đã miễn cưỡng nói lên những lo ngại về vắc xin. “Không ai muốn đưa ra bất kỳ nghi ngờ nào về việc tiêm vắc xin cho trẻ em. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng có nhiều cách để nói về nó để thu hút những người đang do dự”, Tiến sĩ Walid Gellad chia sẻ.
Kristina Rogers (51 tuổi, bà mẹ hai con ở bang Oklahoma, Mỹ) nói cô hoan nghênh lựa chọn chỉ tiêm một mũi vắc xin cho con gái 12 tuổi của mình.
Kristina Rogers tỏ ra lo lắng khi không có đủ thông tin về tác dụng phụ lâu dài của vắc xin COVID-19 với trẻ em và cho rằng nên có nhiều cuộc thảo luận hơn về vấn đề này.
Kristina Rogers mắc bệnh tiểu đường và phát triển bệnh thận mãn tính sau lần mắc COVID-19 nặng vào năm ngoái. Anh rể của cô cũng mất vì COVID-19 vào năm ngoái. Thế nhưng, hai mũi vắc xin cũng khiến cô cảm thấy lo lắng về tác dụng phụ có thể ảnh hưởng quá nhiều đến con mình.
Các con của Kristina Rogers đều đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay mỗi khi đến trường nhưng vợ chồng cô vẫn chưa sẵn sàng cho chúng tiêm vắc xin. “Tôi sẽ chọn tiêm một mũi vắc xin cho con tôi nếu đó là một lựa chọn”, cô nói.