UBND xã sẽ tổ chức họp dân để giải quyết, công khai rõ ràng vụ tranh chấp vô tiền khoáng hậu này”, ông Thanh nói.
Một con chó, hai người giành, nhưng chó của ai?
Mấy ngày qua, người dân xã Bình Nhì (H.Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) không ngớt bàn tán chuyện 2 người phụ nữ giành nhau quyền được nuôi… một con chó. Người ta bàn tán, bình luận nhiều bởi chỉ một sự việc tưởng chừng đơn giản mà công an, chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh phải tốn nhiều thời gian, giấy mực để giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa thể xác định được ai là chủ sở hữu con chó.
Theo trình bày của bà Ngô Thị K.C. (ngụ ấp Bình Hòa Đông, xã Bình Nhì) hơn 4 tháng trước nhà ông Nguyễn Duy Th. (SN 1984, ngụ ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh, H.Gò Công Tây, là chồng bà C.) có con chó mẹ đẻ được 6 chú chó con. Khi chó con biết ăn cơm thì ông Th. mang 1 con về nhà bà C. nuôi. Con chó này có đặc điểm lông xám nâu đen, hơi xù, mõm đen, lông trên sống lưng màu đen, bên trong lưỡi có đốm đen.
Con chó được bà C. đặt tên là Bột, không buộc lại mà thả rông theo thói quen ở vùng nông thôn. Vợ chồng bà C. nuôi con Bột được hơn tháng, nặng khoảng gần 5 kg thì đột ngột con chó bỏ nhà đi đâu mất. Vài ngày sau, bà C. đi chợ thì nghe mọi người nói ở nhà bà Trần Ngọc L. (SN 1969, ngụ cùng ấp, tên thường gọi là bà Sáu T., quản lý chợ Bình Tứ, xã Bình Nhì) cách nhà bà C. khoảng 200 mét có con chó lạ đến ở. Nghi ngờ con chó lạ là con Bột, nên khi gặp bà Sáu T. ngoài chợ thì bà C. trình bày chuyện mình bị mất con chó.
Và bà C. nói với bà T.: “Con nghe nói thím Sáu có con chó lạ, thím cho con đến nhà nhìn xem phải con chó của con bị mất không?”. Nghe vậy, bà Sáu T. hỏi bà C.: “Chó của mày mấy ký?”. Lúc bà C. nói con chó bị mất chỉ khoảng 5-6 kg thì bà Sáu T. nói không phải, vì con chó ở nhà bà nặng tới hơn 20 kg. Dù bà C. nhiều lần nài nỉ bà T. cho phép được nhìn xem con chó lạ có phải là con Bột hay không, nhưng bà T. cương quyết từ chối, với lý do con chó đã… bỏ đi đâu mất.
Ông Th. trình bày vụ tranh chấp quyền nuôi con chó giữa bà C. và bà Sáu T. - Ảnh: Thanh Anh
Tối 14.3, lúc ông Th. đang đứng trước nhà thì nhìn thấy 1 con chó có hình dáng giống hệt con Bột đi ngoài đường. Nghi ngờ, ông Th. thử cất tiếng gọi: “Bột, Bột” thì con chó vẫy đuôi mừng rỡ, rồi đi theo ông vào ở luôn trong nhà. Sáng 17.3, trong lúc ông Th. đang phụ bà C. rửa chén, con chó đứng kế bên chồm lên làm bể chén, nên ông Th. tức mình đánh con chó. Bị đánh, con chó bỏ chạy ra đường mất dạng, nên bà C. cũng không biết con chó bỏ đi đâu.
Lát sau, ông Th. đi ra chợ thì nhìn thấy con chó đang đi theo bà Sáu T. vào nhà của bà. Thấy vậy, ông Th. đến nhà bà Sáu T., năn nỉ bà cho xin lại con chó, nhưng bị bà Sáu nạt ngang: “Chó gì của mày, con chó của tao nuôi”, nên ông Th. bỏ về nhà. Chẳng ngờ sau đó bà Sáu T. đến nhà bà C., la lối cho rằng con chó của bà bị vợ chồng bà C. “bắt trộm” đem về nhà, bất chấp bà C. hết lời phân bua là con chó tự tìm về chứ bà không “bắt trộm”, lúc con chó quay về thì bà C. cũng không buộc nhốt gì hết.
Khi bà C. hỏi nguồn gốc con chó, bà Sáu T. lớn tiếng cho rằng con chó bà xin của chị chồng là bà Tư Q. ở xóm trên, thuộc giống chó lai Berger nên chỉ nuôi hơn tháng mà nó to lớn như vậy. Nhưng khi ông Th. đi xác minh thì trong nhà bà Tư Q. không có con chó nào mới đẻ. Bà này chỉ nói trước đây có cho bà Sáu T. con chó, nhưng không nhớ là loại chó gì.
Trên đường về, khi đi ngang qua nhà bà Sáu T., ông Th. nghe bên trong có tiếng chó kêu la, nên đứng ngoài đường kêu: “Bột, Bột”. Nghe tiếng ông Th., con chó từ bên trong tung cửa chạy ra, đi theo ông về nhà. Một lúc sau, bà Sáu T. tới nhà bà C. chửi mắng, cho rằng bà C. tiếp tục bắt trộm chó của bà. Khi bà C. khẳng định mình không bắt trộm chó, con chó tự theo ông Th. đi về, thì bà Sáu T. đến công an xã trình báo bị vợ chồng bà C. bắt trộm con chó.
Chuyện đơn giản thành phức tạp
Nhận tin báo của bà Sáu T., ngay trong ngày 17.3, Công an xã Bình Nhì đã mời vợ chồng bà C. đến làm việc. Tại đây, vợ chồng bà C. đã đưa ra các bằng chứng chi tiết (hình ảnh), đặc điểm nhận dạng, tên gọi… của con chó từ lúc còn nhỏ cho đến khi bị mất. Vợ chồng bà C. còn khẩn thiết yêu cầu công an xã nhanh chóng xác minh làm rõ nguồn gốc con chó để trao trả đúng chủ, đồng thời phải yêu cầu bà Sáu T. xin lỗi vì có hành vi nhiều lần xúc phạm danh dự, vu khống vợ chồng bà C. bắt trộm chó.
Nhưng đến ngày 19.3 thì công an xã mời vợ chồng bà C. đến trụ sở, cho biết có bằng chứng con chó là của bà Sáu T. Do vợ chồng bà C. không chấp nhận con chó là của bà Sáu T. nên công an xã phải đem con chó về “tạm giữ” ở trụ sở công an cho đến nay. Cho rằng mình bị xử ép, vợ chồng bà C. gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện, Công an tỉnh Tiền Giang, yêu cầu giải quyết sự việc.
Ngày 8.4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang có thông báo cho bà C. biết vụ việc đã được chuyển cho Công an H.Gò Công Tây giải quyết. Đến ngày 21.4, UBND H.Gò Công Tây tiếp tục có văn bản chuyển vụ “Tranh chấp quyền sở hữu con chó” giữa bà C. và bà Sáu T. về cho Chủ tịch UBND xã Bình Nhì giải quyết, báo cáo kết quả cho UBND huyện.
Văn bản của UBND H.Gò Công Tây về vụ tranh chấp con chó - Ảnh: Thanh Anh
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Bình Nhì, cho biết ông chưa từng gặp vụ việc nào hy hữu, rắc rối như vụ này. Sau khi bà C. gửi đơn khiếu nại lên huyện, tỉnh, UBND xã đã tổ chức nhiều cuộc hòa giải giữa bà C. và bà Sáu T., nhưng không bên nào chịu thua bên nào.
“Ban đầu tôi cũng lấy làm lạ là con chó có tinh khôn gì đâu, giữ ở trụ sở công an xã mà gặp ai nó cũng vẫy đuôi mừng rỡ, không biết tại sao bà C. và bà Sáu T. lại tranh chấp rất căng thẳng. Sau khi tìm hiểu kỹ, trò chuyện, thuyết phục riêng với vợ chồng bà C. thì tôi được biết bà C. gửi đơn khiếu nại khắp nơi vì bị bà Sáu T. nhiều lần vu khống trộm chó ngoài chợ, làm mất uy tín của vợ chồng họ. Bản thân tôi cũng nhận thấy việc bà Sáu T. rêu rao vợ chồng bà C. bắt trộm chó là không có căn cứ, bởi con chó tự tìm về nhà bà C.”, ông Thanh cho biết.
Theo ông Thanh, sau cuộc hòa giải ngày 7.5, bà C. đã đồng ý nhường quyền nuôi con chó cho bà Sáu T. với 2 điều kiện: thứ nhất, bà Sáu T. phải công khai xin lỗi vợ chồng bà C. vì nhiều lần vu khống trộm chó, thứ nhì là UBND xã phải tổ chức họp dân ở khu vực chợ Bình Tứ, nói rõ mọi việc để trả lại danh dự cho vợ chồng bà C. “Về phía bà Sáu T. cũng đồng ý sẽ xin lỗi vợ chồng bà C. Sắp tới UBND xã sẽ tổ chức họp dân để giải quyết vụ rắc rối vô tiền khoáng hậu này. Nếu 2 bên tiếp tục căng thẳng, UBND xã sẽ yêu cầu họ đưa vụ việc ra tòa án giải quyết”, ông Thanh nói.
Tuy nhiên 1 luật sư ở Mỹ Tho cho rằng, tòa án khó thụ lý giải quyết vụ tranh chấp con chó kỳ lạ này. “Ở nông thôn người dân có thói quen nuôi chó thả rông, không rọ mõm, không đeo vòng cổ ghi rõ tên con chó, tên người chủ và địa chỉ nhà, không đăng ký với thú y. Con chó tự do đến nhà người này, người kia, thân quen với vợ chồng bà C. và cả bà Sáu T., nên rất khó để xác định chính xác người chủ”, vị luật sư phân tích.
Trong khi đó, mấy anh Công an xã Bình Nhì than thở, họ đã quá mệt mỏi trong thời gian hơn 1 tháng nuôi giữ con chó. “Hàng ngày anh em công an xã phải thay nhau bỏ tiền túi mua cơm cho con chó ăn, thấy nó có dấu hiệu bất thường thì phải kêu thú y đến khám bệnh, tiêm thuốc. Nguyên nhân chỉ vì con chó là “tang vật” của vụ án kỳ lạ này, nếu nó lỡ bị chết thì anh em công an xã khó lòng được yên thân với bà Sáu T. và vợ chồng bà C.”, 1 anh công an cho biết.
Thanh Anh