Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải.

Tiếp cận tín dụng hiện là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân

Hoài Lam | 22/06/2023, 17:42

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải.

Ngày 22.6, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố báo cáo kinh tế Việt Nam thường niên năm 2023.

Báo cáo nêu rõ những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp đang gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, tình hình thị trường bị thu hẹp với khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn kéo dài. Một số khó khăn đáng chú ý khác là biến động thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, tuyển dụng nhân sự, tìm kiếm nhà cung cấp.

Về tiếp cận tín dụng, theo kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022, đây là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải.

Cụ thể, trong năm 2022 tiếp cận tín dụng đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021. Rất đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây.

Năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng là 49,4%. Đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có tiếp cận tín dụng lần lượt là 22 45% và 43%.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng chỉ còn 35,4% trong năm 2021. Đến năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng đã giảm đáng kể xuống con số 17,8%.

tin-dung.jpg
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây

Tìm kiếm khách hàng là khó khăn lớn thứ 2 của các doanh nghiệp, với tỷ lệ lựa chọn là 55,1%. Tình trạng này có thể thấy rõ qua sự suy giảm tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân trong nước có khách hàng chính ở cả thị trường trong nước và nước ngoài kể từ đại dịch COVID-19.

Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có khách hàng chính là doanh nghiệp FDI và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam lần lượt ở mức 17,2% và 9,6%. Năm 2022, những con số này chỉ lần lượt ở mức 7,4% và 3,7%.

Tỷ lệ doanh nghiệp có khách hàng ở nước ngoài năm 2022 cũng giảm so với trước dịch COVID-19. Năm 2019, có 10,9% doanh nghiệp cho biết xuất khẩu trực tiếp và 8,7% xuất khẩu gián tiếp qua bên thứ 3; những con số này đã giảm dần trong những năm sau đó; năm 2022 chỉ còn 3,9% doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và 2,6% doanh nghiệp cho biết có xuất khẩu gián tiếp.

Dấu hiệu tương tự có thể quan sát thấy trên tỷ lệ doanh nghiệp có khách hàng chính đến từ khu vực tư nhân trong nước và khu vực nhà nước.

Ngoài vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp cũng phản ánh khó khăn liên quan tới việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Có tới 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”, cao đáng kể so với con số 57,4% của năm 2021.

5 lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp trong năm 2022 là thuế/phí (35%), đất đai/giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy và xây dựng (13%). Môi trường pháp lý vẫn còn thiếu tính ổn định và khả năng tiên liệu dẫn đến rủi ro gia tăng cho các doanh nghiệp. Việc giảm rủi ro pháp lý, tăng cường tính ổn định về mặt chính sách và môi trường pháp lý có ý nghĩa lớn trong việc thu hút đầu tư vào các dự án lớn, phát triển kinh tế tư nhân và tăng động lực để các doanh nghiệp kinh doanh bền vững hơn.

"Các doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn mong muốn tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động", báo cáo nêu.

Khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy vấn đề ổn định chính sách, pháp luật đang là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm vừa qua tỷ lệ doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của trung ương lên tới 70,8%, trước đó năm 2021 và 2020 lần lượt là 68,8% và 67,4%.

Điều này đã thể hiện rõ trong năm 2022 với những vấn đề liên quan tới trái phiếu, điều hành thị trường xăng dầu và một số chính sách khác. Việc chính quyền địa phương thực thi chính sách, pháp luật của trung ương cũng đang là vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp.

Năm 2022, 70,4% doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được việc thực thi của chính quyền các địa phương đối với chính sách, pháp luật của trung ương, năm 2021 và 2020 tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh vấn đề này là ở mức 66%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp cận tín dụng hiện là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân