Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cùng người thân, một số nhân viên chính phủ và binh lính sẽ được đưa đến một hầm trú ẩn ở độ sâu hơn 2 km dưới lòng đất trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Hầm trú ẩn nằm dưới công viên rừng quốc gia Tây Sơn, cách Trung Nam Hải (trụ sở của đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ) ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh 20 km về phía tây bắc. Hầm trú ẩn tọa lạc trong một hệ thống hang động đá vôi phong hóa đủ lớn cho một thành phố nhỏ và có nguồn cung cấp nước sạch ổn định cho 1 triệu người.
Theo SCMP, hầm trú ẩn này là một phần thuộc Trung tâm chỉ huy tác chiến phối hợp của Quân ủy trung ương Trung Quốc. Cơ sở này được tiết lộ vào năm 2016 khi truyền thông nước này đưa tin về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến đây. Không rõ trung tâm chỉ huy lẫn hầm trú ẩn được xây dựng vào lúc nào, nhưng theo truyền thông Bắc Kinh thì công tác xây dựng đã bắt đầu từ hàng thập kỷ trước, và hệ thống này đã được nâng cấp trong những năm gần đây.
Trung tâm chỉ huy được xem là “bộ não” của toàn quân đội, có hoạt động thường nhật là phân tích tin tình báo, theo dõi các hoạt động trên cả 5 chiến khu và ban hành mệnh lệnh cho các hoạt động quân sự trong lẫn ngoài nước.
Lối vào chính của cơ sở này ở công viên Tây Sơn, để các lãnh đạo có thể nhanh chóng di chuyển đến đây trong trường hợp có một mối đe dọa nghiêm trọng, ví dụ như một cuộc tấn công hạt nhân. Chính quyền vẫn có thể duy trì hoạt động từ trong hầm trú ẩn.
Ngoài hầm này, một số hầm trú ẩn khác được cho là đã được Trung Quốc xây trên khắp đất nước từ những năm 1950, nhưng địa điểm chính xác của chúng hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Hầm trú ẩn sâu nhất thế giới
Những hầm trú ẩn thường được xây dưới những ngọn núi đá cứng có thể chịu được vụ nổ mạnh. Chúng được thiết kế để hoạt động độc lập trong thời gian dài mà không cần nguồn tiếp tế bên ngoài, có hệ thống lọc gió tinh vi để lọc các chất phóng xạ ô nhiễm do bom nguyên tử giải phóng.
Một số hầm có thể rất lớn và phức tạp như một thành phố nhỏ, được trang bị hệ thống truyền thông tinh vi, có đường hầm đủ rộng cho máy bay lẫn xe tăng hoạt động, và đủ sức chứa hơn 1.000 người. Ví dụ tiêu biểu nhất cho hầm trú ẩn loại lớn chính là Tổ hợp núi Raven Rock tại Pennsylvania và Bộ tư lệnh quốc phòng không gian Bắc Mỹ có một phần nằm ở núi Cheyenne, bang Colorado của Mỹ.
So với hai hầm trên, hầm trú ẩn ở công viên Tây Sơn có những lợi thế riêng. Ông Tần Đại Quân, nhà nghiên cứu của Sở nghiên cứu Địa chất và Vật lý địa cầu thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, cho biết hầm Tây Sơn nằm ở độ sâu hơn 2 km. Độ sâu này ngang bằng với Krubera, hang động sâu nhất thế giới ở Georgia.
Theo ông Tần: “Theo hiểu biết của chúng tôi thì đây có lẽ là hệ thống hầm ngầm sâu nhất thế giới”.
Ngoài độ sâu ấn tượng, ông Tần còn cho biết khác với các hầm đá vôi phong hóa (Karst cave) khác thường nằm lộ hoặc gần trên mặt đất, hệ thống hang ở công viên Tây Sơn lại được chôn dưới một lớp đá dày và cứng, trong đó có đá hoa cương, với độ dày trung bình 1.000 m, trong khi theo các chuyên gia hạt nhân thì để có thể chống chọi lại một vụ tấn công hạt nhân, hầm trú ẩn cần được che phủ bởi lớp đá dày 100 m.
Có nguồn cung cấp nước ổn định
Nhà nghiên cứu Tần là người chịu trách nhiệm một dự án nghiên cứu nước ngầm ở công viên Tây Sơn do chính phủ Trung Quốc tài trợ. Ông tiết lộ một trong những mục đích của dự án là tìm hiểu xem liệu trung tâm chỉ huy dưới đất này có bị thiếu nước khi có thảm họa xảy ra hay không.
Theo ông Tần, mực nước ngầm ở Bắc Kinh từ những năm 1990 đã bị giảm qua từng năm do tình trạng khai thác nước giếng quá mức nhằm phục vụ cho phát triển thành phố. Nhiều nguồn dự trữ nước ngầm còn rất ít và lại không được tiếp thêm.
Tuy nhiên, kết quả cuộc nghiên cứu lại cho kết quả khả quan. Phân tích các mẫu nước lấy từ các giếng dọc theo công viên Tây Sơn cho thấy 90% lượng nước nước ngầm của khu vực được tái cung cấp từ trên mặt đất, từ nước sông hồ, tuyết và mưa. Không những vậy, một số đường dẫn cho phép nước được tích lũy dưới lòng đất.
Ông Tần tính toán mức nước hiện tại ở đây đủ để đáp ứng nhu cầu của hơn 1 triệu người. Lượng nước sẽ có thể ổn định và tăng thêm khi Trung Quốc đang triển khai xây đập dẫn nước từ sông Trường Giang về Bắc Kinh, làm giảm nhu cầu nước sinh hoạt từ các giếng khoan.
Tuy nhiên, ông Lưu Vĩnh, nhà khoa học hạt nhân của đại học Nam Hoa ở tỉnh Hồ Nam, cảnh báo trong trường hợp một cuộc tấn công hạt nhân xảy ra, các chất phóng xạ trong nước và đất sẽ tồn tại lâu. Chúng có thể ngấm vào các mạch nước ngầm, do đó nước sẽ cần được xử lý trước khi đưa vào sử dụng.
Ông Lưu hiện là người đứng đầu chương trình nghiêm cứu xử lý nước nhiễm phóng xạ được tài trợ bởi chính phủ. Ông cho biết: “Trung Quốc đã phát triển công nghệ và thiết bị hàng đầu thế giới cho đúng mục đích này (lọc nước)”.
Theo ông, một trong những cách lọc là đưa nước vào một màn chắn. Các màn chắn sau đó được ngâm vào thủy tinh nóng chảy để tách các chất phóng xạ. Sau khi đã tách phóng xạ, nước sẽ được làm nguội và được bảo quản trong các thùng chứa đặc biệt. Nước qua xử lý có thể được trữ dưới lòng đất trong nhiều năm.
Cẩm Bình (theo SCMP)