Các nhà khoa học gần đây đã tìm thấy một loại khí cho thấy dấu hiệu của sự sống trong bầu khí quyển sao Kim.
Trong khi bề mặt của sao Kim quá nóng để duy trì sự sống, với nhiệt độ trung bình vào khoảng 463 độ C, các nhà khoa học đã suy đoán rằng sự sống có thể tồn tại trên cao trong bầu khí quyển của hành tinh, nơi có điều kiện ôn hòa hơn.
Ngày 14.9, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế do giáo sư Jane Greaves ở Đại học Cardiff (Anh) dẫn đầu cho biết, họ đã phát hiện ra khí phosphine trong những đám mây của sao Kim. Điều này cho thấy các vi sinh vật có thể tồn tại trên hành tinh này và là một dấu hiệu về khả năng có sự sống bên ngoài Trái đất.
Theo các nhà khoa học, phosphine cũng là một phân tử được tạo ra trên Trái đất bởi các vi khuẩn phát triển trong môi trường không có oxy. Các phân tử phosphine, bao gồm các nguyên tử hydro và phốt pho, lần đầu tiên được phát hiện từ Kính viễn vọng James Clerk Maxwell (JCMT) gần đỉnh Mauna Kea ở Hawaii.
Giáo sư Greaves, người đứng đầu nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Astronomy cho biết: “Đây là một nghiên cứu được thực hiện vì sự tò mò thuần túy bằng cách tận dụng công nghệ mạnh mẽ của JCMT. Khi chúng tôi có những gợi ý đầu tiên về phosphine trong quang phổ của sao Kim, đó thực sự là một cú sốc”.
“Với những gì chúng ta hiện biết về sao Kim, lời giải thích có vẻ hợp lý nhất về phosphine chính là sự sống”, Clara Sousa-Silva, chuyên gia đến từ Viện Công nghệ Massachusetts và là đồng tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh.
Jim Bridenstine, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 14.9 đã ca ngợi việc phát hiện phosphine trong bầu khí quyển của sao Kim. “Sự sống trên sao Kim à? Việc phát hiện ra phosphine, một sản phẩm phụ của sinh học hô hấp kỵ khí, là bước phát triển quan trọng nhất trong việc tìm sự sống bên ngoài Trái đất”, ông viết trên Twitter.
Ông Bridenstine lưu ý thêm: “Khoảng 10 năm trước, NASA đã phát hiện ra sự sống của vi sinh vật ở độ cao 36.576km trên tầng khí quyển của Trái đất. Đã đến lúc chúng ta ưu tiên cho sao Kim”.
Long Hải (theo Fox News)