Trong khi nhiều doanh nghiệp dệt may đang lo ngại sẽ không được giảm thuế các sản phẩm dệt may xuất khẩu sang các nước TPP, bởi Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu, thì Bộ Công thương đã đem đến tin vui lớn cho ngành này khi tìm ra "cứu cánh" tạm thời.

Tin vui mới cho ngành dệt may từ TPP

Một Thế Giới | 11/10/2015, 07:00

  Trong khi nhiều doanh nghiệp dệt may đang lo ngại sẽ không được giảm thuế các sản phẩm dệt may xuất khẩu sang các nước TPP, bởi Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu, thì Bộ Công thương đã đem đến tin vui lớn cho ngành này khi tìm ra "cứu cánh" tạm thời.

Nỗi lo nguyên liệu
Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung vào các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như cắt, may mà bỏ qua các công đoạn hết sức quan trọng, mang tính chất nền tảng của ngành như dệt, nhuộm, thuộc da…
Chính vì số lượng doanh nghiệp tập trung vào sản xuất nguyên phụ liệu dệt may rất ít, không khác muối bỏ biển nên hiện chỉ cung cấp chưa đến 20% nhu cầu sản xuất trong nước. Thậm chí, dù sản xuất sợi đã ít nhưng Việt Nam còn xuất khẩu tới hơn một nửa lượng sợi sản xuất được ra nước ngoài thay vì phục vụ trong nước.

Tình trạng không có nguyên liệu sản xuất tại chỗ đã buộc nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí nhập khẩu từ những mặt hàng hết sức giản đơn như khóa, khuy… Điều này dẫn đến ngành dệt may Việt Nam phải phụ thuộc vào Trung Quốc rất nhiều, đặc biệt có những mặt hàng phụ thuộc tới 90% nguyên liệu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bà Đặng Phương Dung cũng phải thừa nhận, giá trị gia tăng trong hàng dệt may của Việt Nam rất thấp. Vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng không chiếm vị trí quan trọng.

Xuất phát từ điều này, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, ngành dệt may Việt Nam nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ không thể có được lợi ích gì từ TPP. Việt Nam chỉ xuất khẩu và làm lợi cho Trung Quốc.

Chắc chắn rằng, nếu muốn có được ưu đãi thuế như cam kết khi vào TPP thì Việt Nam phải chủ động được nguồn cung nguyên liệu, bởi việc nhập nguyên liệu từ các nước không thuộc thành viên của TPP sẽ không được chấp nhận giảm thuế. Đây là vấn đề hóc búa nhất của ngành dệt may trước thềm TPP.

Tuy nhiên... đã có cứu cánh tạm thời

Trong khi bài toán về nguyên liệu dệt may đang khiến không ít doanh nghiệp lo ngại thì Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã đem đến một tin vui cho dệt may Việt Nam.
Theo đó, trong nội dung cắt giảm thuế nhập khẩu trong hiệp định TPP có một nội dung khá quan trọng đó là danh mục “Nguồn cung thiếu hụt”. Đây có thể được xem là cứu cánh tạm thời cho dệt may Việt Nam.

Cụ thể, Danh mục “nguồn cung thiếu hụt” bao gồm: Danh mục thường xuyên và Danh mục tạm thời. Danh mục thường xuyên bao gồm các nguyên liệu dệt may hiện không được sản xuất trong các nước thành viên TPP. Sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu trong danh mục này sẽ luôn được áp dụng quy tắc “cắt và may".

Danh mục tạm thời gồm các nguyên liệu hiện không được sản xuất trong TPP nhưng có thể sẽ được sản xuất trong tương lai, vì thế các sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu trong danh mục này sẽ chỉ được áp dụng quy tắc “cắt và may” trong một khoảng thời gian nhất định.

“Về ngành dệt may, Danh mục nguồn cung thiếu hụt được đưa ra để đáp ứng yêu cầu được hưởng ưu đãi ngay tại các nước chưa mạnh về công nghiệp dệt” – ông Khánh cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Khánh, các doanh nghiệp có quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ ba (ngoài TPP) để làm ra sản phẩm may mà vẫn được ưu đãi. Bên cạnh đó cũng có thêm nhiều quy định khác giúp doanh nghiệp hưởng lợi mà không quá phụ thuộc vào nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.

Theo đánh giá tác động của TPP từ Bộ Công thương, riêng ngành dệt may, kim ngạch sẽ tăng trưởng đáng kể. Theo tính toán, cứ 1 tỷ USD kim ngạch dệt may sẽ tạo ra 250.000 việc làm các loại. Kim ngạch dệt may càng tăng, việc làm mới sẽ được tạo ra càng nhiều.

Ngoài ra, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam có thể thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm, và sản xuất nguyên phụ liệu. Điều này có thể giúp Việt Nam tăng giá trị nội địa cho hàng dệt may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cũng theo ông Khánh, nếu cứ tiếp tục ỷ lại vào danh mục này thì  Việt Nam sẽ chỉ làm gia công, không có động lực đầu tư cho sợi, dệt nhuộm và các công đoạn nền tảng khác của ngành.

Hoàng Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tin vui mới cho ngành dệt may từ TPP