Từ năm 2030, hải quân Trung Quốc (TQ) sẽ có tổng cộng 415 tàu chiến, theo dự báo của James Fanell, một cựu sĩ quan tình báo của Bộ chỉ quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM) nhằm cảnh báo Mỹ cần đề phòng hải quân TQ.
PACOM có vùng hoạt động gồm tây Thái Bình Dương, gồm vùng Biển Đông đang căng thẳng, sau khi TQ công bố Sách Trắng quân sự 2015, nêu bật việc hải quân Quân đội giải phóng nhân dân TQ (NPLA) sẽ “bảo vệ vùng biển xa”.
Phát biểu tại một hội hội nghị hàng năm ở Viện nghiên cứu hàng hải TQ thuộc Học viện hải chiến Mỹ, ông Fanell nói Mỹ cần đề phòng hải quân TQ, vì NPLA sẽ tiếp tục phát triển trong 15 năm tới.
Theo trang Defense News, ông Fanell dự báo trong 15 năm đó, TQ sẽ có những 99 tàu ngầm, 4 tàu sân bay, 102 khu trục hạm và tàu hộ vệ, 26 hộ tống hạm nhỏ, 73 tàu đổ bộ và 111 tàu mang tên lửa.
“Nay NPLA sở hữu số tàu chiến lớn nhất châu Á, với hơn 300 tàu nổi, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tra. Hơn nữa, vào năm 2030, nhiều tàu chiến TQ sẽ còn hiện đại hơn nữa”.
Ở hội nghị trên, ông Fanell đặc biệt nhấn mạnh các khu trục hạm Luyang III lớp Type 052D, mà ông nói là chúng sẽ cho phép NPLA bành trướng hoạt động ở biển xa.
Sau hội nghị này, ông nói với trang Defense News: với hệ thống phóng thẳng đứng, Luyang III với tên lửa hành trình chống hạm YJ-18 cùng radar hiện đại là quá đủ cho NPLA, dù nó chưa thể ngang bằng một chiếc Aegis.
Fanell không phải là chuyên gia hải quân đầu tiên đề cập tầm hoạt động ở biển xa của khu trục hạm lớp Type 052D này.
Năm 2012, khi có tin đồn TQ sẽ triển khai chiếc đầu tiên, Toshi Yoshihara và James R. Holmes (đồng tác giả cuốn sách “Sao đỏ trên Thái Bình Dương: TQ trỗi dậy và thách thức chiến lược hàng hải Mỹ”) đã cảnh cáo: NPLA có lẽ đã tìm ra loại tàu chiến nổi hạng nhất.
Fanell nghỉ việc từ tháng 11.2014. lúc đó có tin ông bị cho nghỉ vì có một tuyên bố ngược với quan điểm hòa dịu của Lầu Năm Góc. Ông nói Bắc Kinh đã chuẩn bị lực lượng để có thể thực hiện một cuộc chiến nhanh gọn, tiêu diệt quân Nhật trên Biển Hoa Đông, sau đó chiếm quần đảo Senkaku của Nhật nhưng TQ gọi là quần đảo Điếu Ngư và tuyên bố chủ quyền.
Tại lễ nghỉ hưu hồi tháng 2.2015, Fanell cũng cảnh báo một cuộc chiến tranh tương lai với TQ:
“Đường hướng chiến lược này chỉ ra: TQ không chỉ tự đổi mới vì mục tiêu ổn định nội địa, mà đã và tiếp tục chuẩn bị sử dụng quân sự. Chúng ta chớ nên tự đánh lừa. Những chứng cứ tôi nghiền ngẫm 15 năm qua thì quá nhiều: Bắc Kinh chuẩn bị một hành động quân sự, và “giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã xác định rõ khung thời gian cho việc này”.
Nhiều đồng nghiệp của Fanell ở Viện hàng hải TQ (thuộc Học viện hải chiến Mỹ) cũng nhấn mạnh: TQ đang nhanh chóng xây dựng khả năng tiến hành chiến tranh chống ngầm (ASW) vốn là điểm yếu lâu nay của hải quân TQ.
Họ nói TQ đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động hải quân, để ngăn chặn “sự can thiệp và hành động khiêu khích” của các nước Đông Nam Á vốn cảnh giác trước sự cải thiện quân sự quá nhanh của TQ.
Nhưng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, TQ ít có khả năng thắng Mỹ và Nhật Bản. PLA có khoảng 2.100 chiến đấu cơ hoặc máy bay ném bom, nhưng chỉ vài trăm chiếc được xem là máy bay hiện đại.
Tàu sân bay Liêu Ninh (duy nhất cho đến nay của NPLA) hiện chỉ là cỗ phương tiện huấn luyện để mở đường cho một hạm đội tàu sân bay tương lai.
Và cả không quân-hải quân TQ đều đang học tập cách hoạt động ở biển xa. Đường băng mà TQ xây trên Bãi Đá Chữ Thập của Việt Nam vì không quân PLA cần có chỗ hạ cánh tiếp nhiên liệu do quá xa bờ biển TQ.
Tuy nhiên, báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng về quá trình hiện đại hóa quân sự TQ, đã lưu ý: “TQ đang đầu tư vào các khả năng đánh bại những cuộc triển khai quân sự và ngăn chặn bên thứ ba-gồm Mỹ-can thiệp trong một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột”.
Trên thực tế, điều đó có nghĩa hàng trăm trên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đặt gần bờ biển TQ là để ngăn chặn tàu chiến Nhật-Mỹ tiến vào gần lãnh thổ TQ. TQ cũng có hải đội tàu ngầm, có thể gây nguy hiểm cho tàu địch.
Bảo Vĩnh (theo National Interest)