Vấn đề TQ xây đảo nhân tạo trên Biển Đông sẽ bị các Bộ trưởng quốc phòng và chỉ huy quân sự “tấn công” ào ạt tại hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La (Singapore), theo báo The Wall Street Journal (WSJ).

Báo Mỹ: Trung-Mỹ khẩu chiến ở Đối thoại Shangri-la

Một Thế Giới | 30/05/2015, 05:30

Vấn đề TQ xây đảo nhân tạo trên Biển Đông sẽ bị các Bộ trưởng quốc phòng và chỉ huy quân sự “tấn công” ào ạt tại hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La (Singapore), theo báo The Wall Street Journal (WSJ).

Hội nghị này có sự tham dự của các quan chức Mỹ gồm Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter, Trung Quốc (TQ) và châu Á. WSJ đưa tin TQ cử đoàn mạnh đến, để cãi lại việc cộng đồng quốc tế quan ngại việc TQ gây bất ổn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố độc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông.

Cuộc đấu khẩu chắc chắn sẽ làm nóng sự căng thẳng về quyền tự do hàng hải của châu Á. TQ hiện phô trương sức mạnh quân sự để thể hiện sức mạnh kinh tế-chính trị, khiến các nước nhỏ lâu nay trông cậy Mỹ bảo vệ hòa bình phải lo ngại.

Việc Mỹ tung video chứng cứ TQ xây đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cùng những hành vi hàng hải hung hăng của Bắc kinh, là các dấu hiệu Mỹ cứng rắn với TQ về vấn đề tranh chấp Biển Đông

Đoạn video cho thấy TQ xây ồ ạt các cơ sở quân sự trên các bãi đá ngầm, gồm một đường băng đủ lớn để chiến đấu cơ hạ cánh trên Bãi Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo lịch trình hội nghị thượng đỉnh, ông Carter sẽ có phát biểu vào sáng 30.5. Ông đã báo trước với Bắc Kinh, rằng Mỹ sẽ thách thức những ý đồ cản trở tự do hàng hàng hải ở những khu vực quanh các đảo nhân tạo.

Ông nói tại Hawaii hồi đầu tuần: “Chớ nên phạm sai lầm: Mỹ sẽ bay, đưa tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, và chúng tôi thực hiện việc này ở khắp thế giới”.

Ông cũng lệnh cho Lầu Năm Góc soạn kế hoạch đưa thêm các tàu chiến, máy bay đến gần các đảo nhân tạo, để thể hiện sự kiên quyết của Mỹ.

Không có kế hoạch ông Carter nói chuyện với các quan chức TQ. Nhưng dù nói cứng trong tuần này, lời lẽ của ông được chọn lọc cẩn thận, theo Rory Medcalf, lãnh đạo khoa an ninh quốc gia ở đại học quốc gia Úc: “Đó không phải là tối hậu thư, nhưng là một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất của Mỹ. Nó có sự mập mờ cố tình về chi tiết nhưng rõ ràng về tinh thần bảo vệ quyền tự do hàng hải và giám sát của Mỹ”.

Ông Carter được kỳ vọng sẽ có quan điểm chống việc TQ bành trướng trên Biển Đông. Nhưng Mỹ có ít lựa chọn trong việc ngăn chặn TQ, vì những động thái cứng rắn hơn của Mỹ có thể tăng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp với TQ, điều mà Mỹ-Trung đều muốn tránh.

Khả năng hùng biện của đô đốc Harry Harris, tân chỉ huy lực lượng quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM) cũng sẽ được chú ý kỹ.

Ông là người điều phối các thách thức quân sự của Mỹ đối với các dự án cải tạo đất của TQ. Như ông Carter, ông sẽ chịu sức ép từ các đồng minh phải thể hiện uy lực cảnh cáo TQ rằng họ sẽ bị trừng phạt nếu bắt nạt các nước nhỏ. 

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS tổ chức nghiên cứu Anh đăng cai Đối thoại Shangri-La) đoàn TQ cử đại diện mạnh hơn năm ngoái, thể hiện sự tự tin đang tăng của TQ và có thể khiến có những đấu khẩu cứng rắn hơn so với năm 2014. Khi ấy, đại diện Mỹ-Trung bất đồng sâu sắc về vai trò TQ như một siêu cường đang nổi.

Đoàn TQ do đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA) dẫn đầu.

Từ lâu, các quan chức TQ đã tuyên bố: TQ có toàn quyền làm những điều họ muốn làm “trên lãnh thổ TQ”.

Năm ngoái, tiền nhiệm của đô đốc Harris là đô đốc Samuel Locklear đã cảnh cáo TQ tại Đối thoại Shangri-La: TQ “đi lạc đường” trong tuyên bố ngang ngược độc chiếm toàn bộ Biển Đông.

Nhưng Bắc Kinh phớt lờ các cảnh báo này, từ đó đã tiến hành chuyện xây đảo nhân tạo.

Theo WSJ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ khai mạc Đối thoại Shangri-La, có thể là kêu gọi tăng đối thoại để kéo giảm căng thẳng khu vực. Nhưng những nỗ lực đối thoại trước đây cũng không đạt được nhiều kết quả.

Mọi sự chú ý sẽ dồn vào những tuyên bố cứng rắn của ông Carter và đô đốc Tôn.

Geoff Raby, đại sứ Úc tại TQ từ năm 2007 đến 2011, nói:

“Luôn có thể xảy ra sự cố, khi người ta giơng cơ bắp và nói mạnh, nhưng Mỹ-Trung từng xử lý nhiều khủng hoảng trước đây, và thông qua ngoại giao cùng tinh thần chung để cố tránh mọi sự vượt qua tầm kiểm soát.

Nhưng khi TQ thể hiện một chính sách ngoại giao cơ bắp hơn, nó gây hại đến quyền lợi dài hạn, vốn làm cân bằng tầm ảnh hưởng và quyền lực của Mỹ tại khu vực, vì nó chỉ làm các nước khác gần Mỹ hơn”.

Bích Ngọc (theo The Wall Street Journal)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn bầu làm Chủ tịch Quốc hội
11 giờ trước Theo dòng thời sự
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ: Trung-Mỹ khẩu chiến ở Đối thoại Shangri-la