Trung Quốc ngày càng khiến cho căng thẳng ở Biển Đông dâng cao do chính sách bành trướng của nước này. Ngày mai (30.5) sẽ là ngày khai mạc Đối thoại Shangri-La nơi có thể xem là cơ hội cuối cùng giảm căng thẳng Biển Đông của Trung Quốc với các nước trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Đô đốc hải quân Trung Quốc Sun Jinaguo đều sẽ có những bài phát biểu trong cuộc họp chính tại Singapore cuối tuần này, nội dung chính chắc chắn là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay đó chính là căng thẳng quân sự tại Biển Đông.
Nhưng, một cuộc gặp trực tiếp giữa hai bên có thể được thực hiện để tận dụng cơ hội cuối cùng giảm căng thẳng Biển Đông trước khi căng thẳng đi quá giới hạn thông thường.
Chuyện Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ là vấn đề nóng nhất hội nghị Đối thoại Shangri-La năm nay. Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự quá mức khiến các nước trong khu vực cảm thấy lo lắng và tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để đảm bảo an ninh trong khu vực.
Việc Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trái phép và xua đuổi máy bay nước ngoài trong khu vực khiến Mỹ lo lắng và muốn tăng cường tuần tra bảo vệ an ninh khu vực. ông Carter đã tuyên bố đanh thép rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 27.5 ông tuyên bố, Trung Quốc phải "dừng ngay lập tức và lâu dài việc cải tạo đất mà không được đưa ra bất cứ yêu sách nào" và Mỹ sẽ chống lại việc "quân sự hóa vùng lãnh thổ tranh chấp".
"Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, những bài hùng biện sẽ thúc đẩy ý chí của các bên lên tới đỉnh điểm" ông Nick Bisley, giám đốc điều hành của trung tâm châu Á La Trobe tại Đại học La Trobe ở Melbourne, người đã xuất bản một báo cáo về sự tham gia của Trung Quốc tại hội nghị Shangri-La cho biết .
"Không nên có hiểu lầm: Mỹ sẽ bay, tuần tra trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép", ông Carter nói về việc Mỹ sẽ gia tăng tuần tra để đảm bảo an ninh trong khu vực.
Mỹ từ trước đến nay luôn khẳng định mình chỉ là người ngoài cuộc trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, và họ chỉ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh hàng hải cho khu vực.
Nhưng với phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể xem đó là "một câu nói thể hiện ý chí chắc chắn nhất của Mỹ", ông Rory Medcalf, người đứng đầu của Trường Cao đẳng An ninh Quốc gia tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra bình luận.
"Nó khá mơ hồ trong chi tiết thực hiện, nhưng nó là cam kết rõ ràng của Mỹ về việc bảo vệ tự do hàng hải và gia tăng giám sát an ninh trong khu vực".
Trung Quốc hồi tuần trước đã thách thức và xua đuổi một máy bay tuần tra của Mỹ trên Biển Đông. Mỹ cho rằng họ đang bay trong không phận quốc tế và không việc gì phải nghe lệnh của Trung Quốc.
Ông Carter hồi đầu tuần này đã khẳng định rằng Mỹ sẽ cho máy bay và tàu chiến di chuyển sát khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép để chứng minh sự phi pháp của những đảo nhân tạo này.
Thiên Hà (theo Bloomberg)