Tình dục và ức chế ở xã hội man dã (Sex and Repression in Savage Society, 1927) là tác phẩm giàu tính sáng tạo và độc đáo của Bronislaw Kaspar Malinowski, vừa ra mắt phiên bản tiếng Việt, bởi nhà nghiên cứu - dịch giả Phạm Minh Quân, NXB Thế Giới phát hành.
Năm 1908, Malinowski nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành triết học tại Đại học Jagiellonian. Từng say mê toán học và vật lý, nhưng sau khi đọc quyểnThe Golden Bough(Cành vàng) của James Frazer, ông quyết định trở thành nhà nhân học. Ông xin vào Đại học Leipzig để nghiên cứu, dưới sự chỉ dẫn của nhà kinh tế học Karl Bucher và nhà phân tâm học Wilhelm Wundt. Năm 1910, Malinowski đến Anh học tại trường Kinh tế và Chính trị London (LSE) dưới sự hướng dẫn của các giáo sư C. G. Seligman và Edvard Westermarck.
Nhà nhân học Bronislaw Malinowski. Ảnh: TL
Bấy giờ, nhân học phòng giấy của Tylor và Frazer đã bắt đầu nhàm chán, do không có những tư liệu sống nơi thực địa. Vì thế, năm 1914, Malinowski đến quần đảo Trobriand, thuộc Melanesia, để nghiên cứu văn hóa xứ này. Chuyên khảo đầu tiên của ông,The Natives of Mailu(Những người thổ dân Mailu, 1915), thể hiện rõ ràng lý thuyết và phương pháp dân tộc chí. Những công trình tiếp sau như:Argonauts of the Western Pacific(Những kẻ phiêu lưu ở Tây Thái Bình Dương, 1922),Crime and Custom in Savage Society(Tội ác và phong tục ở xã hội man dã, 1926),The Sexual Life of Savage in Northwestern Melanesia(Đời sống tình dục của người man dã ở Tây Bắc Melanesia, 1929) vàCoral Gardens and their Magic(Những khu vườn san hô và ma thuật của chúng, 1935), tiếp tục phát triển phương pháp miêu tả và diễn giải nhân học văn hóa. Ở những tác phẩm này, Malinowski đã có nhiều khái quát lý thuyết, thoát khỏi dân tộc chí và đưa chúng trở thành những tác phẩm dân tộc học/nhân học văn hóa hoàn chỉnh.
Trong công trình về quần đảo Trobriand, Malinowski mô tả thiết chế phức tạp của vòngKula, tập tục này cùng vớipotlatchtrongKhảo về quà tặngcủa M. Mauss, trở thành cơ sở cho những lý thuyết về tặng biếu và trao đổi hàng hóa sau này. Ông cũng được coi là một nhà nghiên cứu thực địa xuất sắc, và những bài viết của ông về phương pháp điền dã là cơ sở đầu tiên của nhân học, ví như thuật ngữ “quan sát tham dự” của ông đã nhanh chóng trở thành một phương pháp cơ bản cho các nhà nghiên cứu nhân học đến tận ngày nay. Cách tiếp cận của Malinowski đối với lý thuyết xã hội là kiểu chức năng luận tâm lý nhấn mạnh những thiết chế xã hội và văn hóa phục vụ nhu cầu cơ bản của con người, một quan điểm đối lập với chức năng luận cấu trúc của Radcliffe-Brown vốn nhấn mạnh những cách mà thiết chế xã hội vận hành trong mối quan hệ với xã hội tổng thể.
Đọc lại Malinowski, bạn đọc sẽ thấy một nhà nhân học khác, một “thế giới sống” vừa khắc nghiệt vừa thơ mộng được biểu đạt bằng một văn phong chính xác và bay bổng,
Năm 1916, ông kết hôn với Elsie Rosaline Masson. Một năm sau đó, họ rời Úc đến Anh sinh sống, đến năm 1921, Malinowski giảng dạy tại trường LSE. Năm 1927, ông trở thành nhà nhân học đầu tiên của LSE. Ông thu hút rất nhiều học viên và có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trường phái nhân học xã hội Anh. Học trò ông trong giai đoạn này đều là những nhà nhân học nổi tiếng như Raymond Firth, E. E. Evans-Pritchard, Hortense Powdermaker, Edmund Leach, Audrey Richards và Meyer Fortes.
Malinowski trở thành một trong những nhà nhân học quan trọng ở châu Âu khi xuất bản cuốnArgonauts of the Western Pacific(1922). Ông đã đóng góp cho sự phát triển ngành nhân học xã hội của nước Anh. Và có ảnh hưởng đến một thế hệ nghiên cứu nhân học Mỹ khi ông giảng dạy tại Đại học Yale trong thời điểm chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Có thể nói, trường phái nhân học Mỹ đứng đầu là Franz Boas và các học trò nổi tiếng của ông như Ruth Benedict, Margaret Mead… ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của Malinowski. Ông sống ở Mỹ đến cuối đời.
Bronislaw Malinowski đã để lại một khối lượng đồ sộ tài liệu liên quan đến cuộc sống và công việc của ông, trong đó đặc biệt quan trọng là những tư liệu điền dã, những bài giảng của ông ở các trường đại học như LSE, Yale và nhiều trường khác; những bài viết chưa được in thành sách hoặc chưa được công bố, và cả những giấy tờ cá nhân như nhật ký và thư từ của gia đình. Có khoảng 1.000 hình ảnh được chụp trong những chuyến điền dã của ông trên đảo Trobriand vào những năm từ 1915 đến 1918.
Trong những công trình khoa học mà Malinowski để lại, thìTình dục và ức chế ở xã hội man dã(Sex and Repression in Savage Society, 1927) là một tác phẩm giàu tính sáng tạo và độc đáo. Ở công trình này, tác giả nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa trong phát triển xã hội và con người. Bởi vậy, ông cực lực phê phán lý thuyết phức cảm Oedipus được Freud trình bày trong cuốnVật tổ và cấm kỵ(Totem and Taboo) như là nguồn gốc của tôn giáo và văn hóa. Sự đối lập các xã hội nguyên thủy mẫu hệ với các xã hội phụ hệ Tây Âu được Malinowski coi là nguồn gốc của phân tâm học.
Bởi vậy, ông cho rằng phức cảm Oedipus không có tính phổ quát với mọi con người và mọi xã hội. Cái mà có vẻ như phức cảm Oedipus trong xã hội mẫu hệ chỉ là sản phẩm của cấu trúc gia đình, của văn hóa. Ông muốn thay thế phức cảm này của Freud bằng phức cảm hạt nhân gia đình. Thực ra, phức cảm Oedipus tồn tại phổ quát trong vô thức của con người, còn khi nó đã biểu hiện ra trong các xã hội người cụ thể thì nó có những khác biệt do dị biệt văn hóa. Freud hẳn đã nghĩ đến trường hợp này khi ông đề ra nguyên tắc chuyển vị: vai trò của ngôi cha trong xã hội mẫu hệ có thể chuyển sang ngôi cậu, ngôi mẹ sang ngôi chị em gái... Có điều dù phủ nhận phức cảm Oedipus, nhưng Malinowski luôn kêu gọi sự kết hợp giữa phân tâm học và văn hóa học ở các nhà nhân học nhằm nâng cao tính sáng tạo của các công trình nghiên cứu của mình.
Trước đây, Tủ sách Văn Hóa Học đã có dịp giới thiệu các nhà nhân học xã hội và văn hóa Anh, như James Frazer (Cành vàng, Những huyền thoại về nguồn gốc của lửa), Edward Burnett Tylor (Văn hóa nguyên thủy), những nhà nhân học ghế bành. Các tác phẩm của họ được bạn đọc Việt Nam, nhất là các nhà nghiên cứu chuyên ngành đón nhận nồng nhiệt. Lần này, chúng tôi giới thiệu một nhà nhân học Anh kiểu khác, nhà “nhân học chân trần” Malinowski, qua tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Đọc lại Malinowski, bạn đọc sẽ thấy một nhà nhân học khác, một “thế giới sống” vừa khắc nghiệt vừa thơ mộng được biểu đạt bằng một văn phong chính xác và bay bổng, mở đầu cho lối viết văn hay của các nhà dân tộc học hay nhân học văn hóa. Tôi rất hân hạnh được là người trao cuốn sách này vào tay bạn đọc.
Đỗ Lai Thúy/Người Đô Thị