Báo Washington Times ngày 3.5 (giờ Mỹ) đưa tin một tổ chức Iran lưu vong ở Mỹ muốn “thay đổi chế độ” ở quê hương họ sẽ dự một hội thảo lớn ngày 5.5, để ủng hộ người dân trong nước đang phản đối chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Iran từ nhiều tháng qua.

Tổ chức lưu vong Iran đòi ‘thay đổi chế độ’ ở quê nhà

Trần Trí | 06/05/2018, 14:24

Báo Washington Times ngày 3.5 (giờ Mỹ) đưa tin một tổ chức Iran lưu vong ở Mỹ muốn “thay đổi chế độ” ở quê hương họ sẽ dự một hội thảo lớn ngày 5.5, để ủng hộ người dân trong nước đang phản đối chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Iran từ nhiều tháng qua.

Tổ chức Cộng đồng kiều dân Iran tại Mỹ (OIAC) nói sẽ có hơn 1.000 kiều dân Iran trên toàn Mỹ tham dự hội nghị ở khách sạn Grand Hyatt, không xa Nhà Trắng.

Đề nghị "thay đổi chế độ" để Iran tự do, dân chủ, thế tục và phi hạt nhân

OAIC là một nhánh của Hội đồng kháng chiến Quốc gia Iran (NCRI), một tổ chức Iran lưu vong lâu nay đòi lập chính phủ mới ở Tehhan và chỉ trích Cộng hòa Hồi giáo Iran vi phạm nhân quyền.

NCRI đặt trụ sở ở Paris và có OAIC là nhánh ở Mỹ, cùng các nguồn tin “cắm sâu” ở Iran. NCRI được tín nhiệm vì hồi đầu những năm 2000, họ từng vạch trần những cơ sở hạt nhân bí mật của Iran.

Tuy nhiên nhiều lúc, tổ chức này cũng có quan hệ xung đột với nhiều đời chính phủ Mỹ. Nhánh vũ trang của NCRI là Tổ chức Mujahideen Nhân dân Iran (MEK) từng bị Bộ Ngoại giao Mỹ xếp vào danh sách đen các tổ chức khủng bố cho đến tận năm 2012.

Sau đó, nhiều chính khách nổi tiếng của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều lên tiếng ủng hộNCRI và MEK, nói MEK bị xếp oan vào danh sách đen trên.

Một trong các chính khách Mỹ ủng hộ NCRI mạnh nhất, theo vài thành viên cho biết, chính là tân Cố vấn Anninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton. Sau khi phát biểu tại một cuộc mít-tinh của NCRI năm 2014 ở Pháp, ông Bolton từng nói với Washington Times: “Chính sách của Mỹ phải là lật đổ chế độ ở Tehran”.

OAIC nói mục tiêu hội nghị ngày 5.5 nhằm thể hiện việc Mỹ công nhận phong trào đòi dân chủ trong Iran, cụ thể là luật sư Rudolph Giuliani của Tổng thống Donald Trump và cựu thống đốc Bill Richardson của bang New Mexico sẽ có những bài phát biểu.

Người phát ngôn Shiran Nariman của OIAC nói ông Trump đã công khai hứa “ủng hộ mạnh” người Iran xuống đường biểu tình hồi đầu năm nay, và Mỹ có thể sẽ chính thức “công nhận phe đối lập Iran”.

OAIC nói “các đại diện của cộng đồng từ 40 bang sẽ lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình đang tiếp diễn,và các cuộc nổi dậy đang bùng nổ ở 142 thành phố Iran để đất nước quê hương trở thành một nền cộng hòa tự do, dân chủ, thế tục và phi hạt nhân”.

Iran bắt đầu dọa rút khỏi JCPOA

Ban tổ chức lưu ý hội nghị này diễn ra trước thời hạn chót 12.5 mà ông Trump đặt ra: sau ngày này, ông có thể tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân 2015 (tên chính thức là Hành động chung toàn diện - JCPOA).

JCPOA được Iran ký ngày 14.7.2015 với Mỹ (thời Tổng thống Barack Obama), Nga, Trung Quốc và nhóm E3 (Anh, Pháp, Đức), với điều kiện Iran nghiêm khắc hạn chế làm giàu uranium (để giúp kéo giảm sự lo ngại Iran theo đuổi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế hàng tỉ USD.

Các nước châu Âu đã thuyết phục Mỹ rằng việc giữ JCPOA là cần thiết để kéo giảm cuộc chạy đua vũ trang gây bất ổn ở Trung Đông, và Iran cũng đã thực hiện đầy đủ những điều kiện trong thỏa thuận. Đây là một quan điểm được tình báo Mỹ và Ủy ban năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) nhất trí.

Nhóm E3 muốn giữ nguyên thỏa thuận này, nhưng nay muốn giữ Mỹ ở lại, nên muốn đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo và các hoạt động hạt nhân của Iran từ sau năm 2025 (thời điểm nhiều điều khoản chính của JCPOA hết hiệu lực) và vai trò của Iran trong các cuộc khủng hoảng của Syria và Yemen.

Thế nhưng ông Trump đã gọi JCPOA là “một thỏa thuận tồi tệ” và dọa sẽ hủy bỏ vì thỏa thuận có nhiều “sơ hở khủng khiếp, không giải quyết rốt ráo hoạt động tên lửa của Iran, Iran ủng hộ các tổ chức chính trị nước ngoài, như lực lượng vũ trang Hezbollah được Iran cung cấp vũ khí và huấn luyện, đang chiến đấu giúp chính phủ Syria trong cuộc nội chiến".

Ban tổ chức hội nghị nói: “Điều quan trọng là công luận biết cộng đồng kiều dân Iran tại Mỹ nghĩ gì về thỏa thuận này”.

Người phát ngôn Nariman nói với Washington Times rằngOAIC tin tưởng Mỹ cần có một chính sách mới về Iran: “Chính sách nới lỏng cấm vận không là lựa chọn đúng và chúng tôi cũng chống chiến tranh. Thay vào đó, chúng tôi vận động một chính sách Mỹ ủng hộ các phong trào dân chủ ở Iran. Chúng tôi xem đấy là nhân tố thay đổi duy nhất có thể thực hiện”.

Ngày 3.5, ông Ali Akbar Velayati, một cố vấn cấp cao của Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei (vị lãnh đạo tối cao của Cộng hòa Hồi giáo Iran) cảnh báo châu Âu về vụ “xét lại” JCPOA: “Nếu như đồng minh của Mỹ, đặc biệt là châu Âu, toan tính xem xét lại thỏa thuận... thì một trong những giải pháp của chúng tôi là rút khỏi thỏa thuận”.

Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif của Iran cũng nói việc Mỹ đòi nhóm E3 đổi JCPOA là “không thể chấp nhận được và Iran sẽ không tái đàm phán”. Ông nhắc ông Trump từng là nhà thầu bất động sản: “Nói về lĩnh vực này, khi bạn mua nhà và đưa gia đình đến ở, hoặc khi bạn phá nó để xây một tháp chọc trời, thì bạn không thể hai năm sau quay lại đòi đàm phán lại về giá cả”.

Theo Reuters, dù phương Tây yêu cầu, Iran liên tục khẳng định rằng Tehran không có ý định giảm tầm ảnh hưởng trong các vấn đề của Trung Đông, và biện hộ khả năng tên lửa nhằm phòng thủ và không liên quan hoạt động hạt nhân bí mật trước đây.

Ngoại trưởng Zarif nói: “Xem ra hiện nay có vài nước châu Âu muốn moi thêm sự nhượng bộ từ túi chúng tôi”, và cáo buộc Mỹ “liên tục vi phạm JCPOA, nhất là bắt nạt các nước khác, không cho công ty họ trở lại Iran”.

Nhiều ngân hàng lớn và doanh nghiệp châu Âu tiếp tục tránh Iran, vì sợ bị Mỹ cấm vận, khiến Iran bị cản trở trong nỗ lực tái lập ngoại thương và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế quốc gia.

Bảo Vĩnh (theo Washington Times, Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổ chức lưu vong Iran đòi ‘thay đổi chế độ’ ở quê nhà