Dù có nhiều người liên quan, người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa xét xử nhưng HĐXX cho biết sẽ tiếp tục triệu tập họ trong quá trình phiên tòa diễn ra.

Tòa án sẽ tiếp tục triệu tập người liên quan đến phiên xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’

Nhã Thanh | 11/07/2023, 09:50

Dù có nhiều người liên quan, người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa xét xử nhưng HĐXX cho biết sẽ tiếp tục triệu tập họ trong quá trình phiên tòa diễn ra.

Sáng 11.7, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 30 ngày do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử về 5 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó, 1 bị cáo bị đưa ra xét xử về 2 tội là “Đưa hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tòa án Hà Nội đã triệu tập hơn 30 người làm chứng, 16 công ty và hơn 40 cá nhân có liên quan. Tại phiên tòa, một số người liên quan và người làm chứng được tòa triệu tập đã vắng mặt. Với những người vắng mặt này, HĐXX cho biết sẽ tiếp tục triệu tập tới phiên tòa trong những ngày xét xử.

to-anh-dung.jpg
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng được dẫn giải đến phiên xét xử - Ảnh: D.T

Theo đại diện VKS, phần thủ tục đã được thực hiện đảm bảo đúng pháp luật. Việc vắng mặt những người liên quan, người làm chứng cũng đã được chủ tọa thông báo.

Vụ án có gần 100 luật sư tham gia bào chữa. Trong số đó, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) có 3 luật sư bào chữa; cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng có 3 luật sư bào chữa… Đặc biệt, trong số 3 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng có luật sư Trịnh Văn Tuyến - Văn phòng Luật sư Giang Thanh (thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) từng là học trò cũ của ông.

Tham gia phiên tòa với vai trò là luật sư bào chữa, trong khi đó bị cáo lại chính là người thầy giáo cũ, luật sư Tuyến chậm rãi nói: “Tôi rất đau buồn và lấy làm tiếc. Không ai có thể ngờ được là thầy trò lại phải gặp nhau trong hoàn cảnh này”.

Chia sẻ bên lề phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, luật sư Tuyến cho biết quá trình điều tra, bị cáo Dũng rất ăn năn hối cải và luôn day dứt về hành vi của bản thân. Hiện bị cáo vẫn đang tích cực tác động gia đình, người thân để ngay trong phiên tòa sơ thẩm này sẽ khắc phục hết số tiền bị cáo buộc hưởng lợi bất chính.

356279973_1215436482454461_4921070847887344061_n.jpg
Các bị cáo được dẫn giải tới tòa - Ảnh: D.T

Theo cáo trạng truy tố, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ đã giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành, địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9.2020 đến tháng 12.2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.

VKS xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỉ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tòa án sẽ tiếp tục triệu tập người liên quan đến phiên xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’