Đêm 28.7 (giờ Mỹ), Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký lệnh trừng phạt Nga, sau khi Moscow buộc Mỹ giảm số nhân viên ngoại giao và sẽ kê biên hai cơ sở ngoại giao của Mỹ tại Nga.
Một ngày trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua luật trừng phạt Nga (sau Hạ viện) và trình chủ nhân Nhà Trắng ký. Dự luật này buộc ông Trump phải chọn có quan điểm cứng rắn với Nga, đồng thời đập tan hy vọngcủa ông Trump trong việc tạo mốiquan hệ ấm nồng với Nga. Nếu ông dùng quyền phủ quyết đạo luậtthì càng tăng thêmnghi ngờ ông có quan hệ thân cận với Nga.
Hiện các ủy ban tình báo Thượng - Hạ viện Mỹ cùng Cục điều tra liên bang (FBI) đang điều tra nghi ánNga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016và mối quan hệ giữanhóm tranh cử của ông Trump với các quan chức Nga.
Khi đặt bút phê duyệt đạo luật trừng phạt Nga, ông Trump sẽ không thể nới lỏng các lệnh trừng phạt nước nàytrừ khi ông được sự cho phép của Quốc hội Mỹ. Nếu ông Trump dùng quyền phủ quyết, Quốc hội Mỹ vẫn có quyền bác quyết định của ông và thông qua thành luật.
Ngày 28.7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn các biện pháp trả đũa Mỹ của Bộ Ngoại giao Nga. Bộ này cho biết sẽ ngừng cho phép Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng biệt thự ở vùng Serebryany Bor (Cộng hòa Sakha thuộc Nga) và khu nhà trên đường Dorozhnaya ở thủ đô Moscow từ ngày 1.8.2017.
Nga cũng yêu cầu Mỹ giảm số nhân viên thuộc đại sứ quán và các cơ quan lãnh sự của Mỹ tại Nga xuống còn 455 người từ ngày 1.9, ngang bằng số nhân viên của Nga tại Mỹ.
Đólà các biện pháp trả đũa của Nga, tương tự việc ông Barack Obama vào cuối nhiệm kỳ hồi cuối năm 2016 đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, tịch thu hai cơ sở của Đại sứ quán Nga tại các bang Maryland và New York. Lý do trừng phạt củaông Obama làvì Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Lúc đó, Tổng thống Nga Putin không phản ứngvì hy vọng sẽ lập được quan hệ tốt hơn với chính quyền ông Donald Trump.
Ông Putin bác bỏ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ. Ông Trump phủ nhận cáo buộc nhóm tranh cử của ông thông đồng với các quan chức Nga.
Hiện chưa rõ bao nhiêu nhà ngoại giao Mỹ phải rời khỏi Nga. Nguồn tin không chính thức của Interfax (Nga) nói khoảng vài trăm người phải về nước hoặc thôi việc.
Một quan chức Đại sứ quán Mỹ đề nghị giấu tên vì không được phép nói chuyện với báo chí, nói Đại sứ quán Mỹ sử dụng khoảng 1.100 nhà ngoại giao và nhân viên giúp việc tại Nga, gồm các công dân Mỹ và Nga.
Kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya 24 nói có 700 nhân viên bị ảnh hưởng, nhưng Đại sứ quán Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố việc Thượng viện Mỹ ký lệnh trừng phạt Nga đã tái khẳng định "tính hiếu chiến của Mỹ trong các vấn đề quốc tế, phớt lờ quan điểm và lợi ích của các quốc gia khác".
Bộ này khẳng định đang làm tất cả để bình thường hóa quan hệ với Mỹ, phát triển hợp tác trong các vấn đề quốc tế quan trọng nhất, gồm chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, di cư trái phép và tội phạm mạng.
Các nghị sĩ Mỹ nói động thái trả đũa của Nga là một “huy hiệu danh dự” cho họ. Hạ nghị sĩ Adam Schiff của đảng Dân chủ nói: “Đólà liều thuốc đắng mà Putin phải uống, vì đó là hậu quả của việc ông ta trắng trợn can thiệp vào cuộc bầu cử để tạo thuận lợi cho Tổng thống Trump.Quốc hội Mỹ đã áp thêm các mức trừng phạt Nga và hạn chế đáng kể quyền nới lỏng những trừng phạt đã có”.
Bích Ngọc (theo Reuters)