Ngày 22.4, UBND TP.HCM có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn TP.
Theo UBND TP.HCM, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến về thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng chống. Đồng thời tuyên truyền người dân có hình thức linh hoạt trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt để chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Ngoài ra cần chủ động nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng bị bồi lắng, tắc nghẽn để khôi phục, tăng khả năng trữ nước. Vận hành hợp lý các cống điều tiết để đảm bảo ngăn mặn, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt người dân.
UBND TP.HCM giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ công trình thủy lợi.
Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sawaco) triển khai các giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Chủ động phối hợp với các địa phương và cơ quan có liên quan triển khai phương án để từng bước chủ động cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn.
UBND TP.HCM cũng đề nghị Sở Y tế tăng cường hướng dẫn cho người dân biện pháp chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh mùa nắng nóng, nhất là trong những ngày nắng nóng kéo dài.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.
Về diễn biến nắng nóng, tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng gia tăng trong thời kỳ từ tháng 5 - 7. Nắng nóng tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước.
Tháng 5, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1 - 2 độ C, có nơi cao hơn. Tháng 6 - 7 cao hơn từ 0,5 - 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.