Ngày 28.4, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện đề án "Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021-2030".
Tại hội nghị, những mục tiêu được đề ra như: đến năm 2030, các trường phổ thông đáp ứng 80% nhu cầu học sinh học môn Tin học; 50% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế; riêng các trường tiên tiến, hội nhập đảm bảo 100% học sinh được học Tin học và 80% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế.
Đề án có mục tiêu cụ thể giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022 là đối với các trường tiên tiến - hội nhập có 90% học sinh được học và 30% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông khác, đáp ứng 40% nhu cầu học sinh và 20% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Về đội ngũ giáo viên, 80% giáo viên dạy tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy Chương trình Tin học quốc tế theo cấp học.
Trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, các trường tiên tiến - hội nhập có 100% học sinh được học và 50% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Các trường phổ thông khác đáp ứng 50% nhu cầu học sinh và 30% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. 100% giáo viên dạy tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy Chương trình Tin học quốc tế theo cấp học.
Ở giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, các trường tiên tiến - hội nhập phấn đấu 100% học sinh được học và 80% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Các trường phổ thông khác đáp ứng 80% nhu cầu học sinh và 50% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Về đội ngũ giáo viên, 100% giáo viên dạy tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy Chương trình Tin học quốc tế theo cấp học.
Sở GD-ĐT tập trung các giải pháp: nâng cao vai nhận thức về vai trò của kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong xã hội, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý của ngành đồng bộ và đảm bảo tính kết nối, nhất là về cơ sở dữ liệu với hệ thống của thành phố; rà soát, nâng cấp đồng bộ hệ thống đường truyền Internet, đầu tư hệ thống thiết bị, phần mềm dùng cho việc dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Bên cạnh đó, để hội nhập quốc tế thành công và không tụt hậu, kỹ năng sử dụng tin học của nguồn nhân lực thành phố phải đạt trình độ khu vực và quốc tế. Chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên Tin học, trong đó có những chính sách thu hút, hỗ trợ, đào tạo bồi dưỡng để đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chuẩn quốc tế. Cùng với đầu tư từ ngân sách, thành phố đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong dạy học Tin học, góp phần từng bước thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ rằng hiện nay, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, học sinh không chỉ được đánh giá về các chỉ số IQ, EQ mà còn được đánh giá về trí tuệ số. Trong đó, kiến thức, kỹ năng và các giá trị số cần được đánh giá theo chuẩn quốc tế. Trong bộ môn Tin học, các em không chỉ đáp ứng yêu cầu thao tác nhanh mà phải biết ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, tránh lạm dụng về công nghệ. Học sinh được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng tin học theo chuẩn quốc tế sẽ có nền tảng tốt, đủ khả năng áp dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống.
Việc thực hiện hiệu quả đề án này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần tham gia xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học đã trở thành bộ môn chính thức đưa vào giảng dạy ngay từ bậc tiểu học. Vì vậy, việc đầu tư phòng máy, máy vi tính và đội ngũ đạt chuẩn nhằm đảm bảo 100% các trường phổ thông dạy môn Tin học là yêu cầu bắt buộc trong thời gian tới.
Từ năm 2014 đến nay, thành phố bắt đầu thực hiện thí điểm đưa môn Tin học theo chuẩn quốc tế vào giảng dạy tại các trường phổ thông. Dù có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng nhưng việc mở rộng chương trình gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế để xây dựng chương trình, kêu gọi xã hội hóa, thiếu sự đầu tư đồng bộ và đạt chuẩn về cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên cũng chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng.