Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 24.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng TP.HCM tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên chống dịch, tuy nhiên các sở ngành, quận huyện vẫn phải thực hiện mục tiêu kép, không để đứt gãy kinh tế.

TP.HCM: Phòng dịch là ưu tiên hàng đầu nhưng không để đứt gãy kinh tế

24/08/2020, 19:01

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 24.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng TP.HCM tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên chống dịch, tuy nhiên các sở ngành, quận huyện vẫn phải thực hiện mục tiêu kép, không để đứt gãy kinh tế.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp - Ảnh: HMC

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

Theo ông Nguyễn Thành Phong, tính đến ngày 24.8, TP.HCM đang điều trị 16 bệnh nhân, trong đó 8 trường hợp lây lan trong cộng đồng có liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng. Tính đến nay, thành phố cũng đã có 22 ngày không phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng.

Ông Phong cho rằng đạt được kết quả này không phải tự nhiên có, mà đến từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các sở ngành, quận huyện. Đây là kết quả rất đáng biểu dương. Mặc dù vậy, thành phố không được lơ là, chủ quan, tự bằng lòng kết quả đạt được bởi dịch bệnh tại các địa phương khác vẫn còn diễn biến phức tạp, các nước chưa có dấu hiệu suy giảm.

“Tôi đề nghị cần rà soát, truy vết triệt để nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh. Cách sở ngành, quận huyện phải giữ vững kết quả, không để dịch bùng phát. Tuy nhiên, các ngành vẫn phải thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế. Phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu nhưng không để đứt gãy kinh tế”, ông Phong nói.

Để thực hiện tốt mục tiêu kép, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh sắp tới, đưa ra các giải pháp cụ thể như tăng cường phòng chống dịch ở các cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường xét nghiệm những người nghi ngờ để phát hiện sớm, cách ly kịp thời, không để phát hiện muộn trường hợp nhiễm bệnh…

Ngoài ra, ông Phong cũng yêu cầu người đứng đầu quận huyện, sở ngành phải chịu trách nhiệm trươc thành phố nếu để dịch bệnh lây lan, khẩn trương ban hành việc phòng chống dịch dịp lễ 2.9.

Song song đó, thành phố cũng tuyên truyền việc đeo khẩu trang đúng cách và xử phạt việc không đeo khẩu trang nơi công cộng. Ông Phong lưu ý những trường hợp không đeo khẩu trang thì đã có chỉ đạo của UBND TP.HCM để xử phạt, còn những trường hợp vứt khẩu trang không đúng nơi quy định thì chưa nên phạt, mà nên nhắc nhở người dân trước.

TP.HCM có bao nhiêu doanh nghiệp giải thể?

Đáng chú ý, đề cập đến việc chuẩn bị triển khai gói hỗ trợ thứ 2 cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM, Sở rà soát xem có bao nhiêu doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Con số của Sở cho thấy doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động tăng rất cao so với năm trước, khi có đến hơn 10.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 94%.

Qua rà soát, ông Tuấn nói rằng Sở tạm tính thành phố đang có hơn 8.000 doanh nghiệp siêu nhỏ. Để bổ sung vào vốn lưu động, hỗ trợ doanh nghiệp thì TP.HCM cần phải chi 1.311 tỉ đồng nhưng thành phố không thể sử dụng vốn ngân sách. Do vậy, thành phố nên hỗ trợ lãi suất. Theo báo cáo của các hiệp hội, doanh nghiệp siêu nhỏ cần bổ sung vốn lưu động để tiếp tục sản xuất, trả lương với lãi suất 8,5% thì ngân sách chi là 111 tỉ. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ cần hỗ trợ lãi suất là 243 tỉ đồng.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư nói rằng cơ quan này sẽ tiếp tục xem xét khó khăn, vướng mắc để tổng hợp và báo cáo cho UBND TP.HCM. Sở cũng đang rà soát các đối tượng đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như các nhóm ngành bán buôn bán lẻ, du lịch, logistic… để trình phương án.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng gói hỗ trợ thứ 2 sẽ do Sở Kế hoạch – Đầu tư là cơ quan thường trực, chuẩn bị đề án, còn việc triển khai phải phối hợp phải là các ngành.

“Con số mà Sở Kế hoạch – Đầu tư báo cáo về doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động là chưa chính xác. Con số mà tôi nắm được là tính đến 31.7, thành phố có 21.226 doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể. Con số này từ bên Cục Thuế nên rất chính xác.

Tôi đề nghị Sở Kế hoạch – Đầu tư trao đổi với Cục thuế để phân tích rõ phương án hỗ trợ ra sao, ở lĩnh vực nào, tác động thế nào đến người lao động. Việc hỗ trợ không nhất thiết phải bằng tiền, mà tính toán xem có bao nhiêu người mất việc, doanh nghiệp nào, ngành nào bị ảnh hưởng. Sở Kế hoạch – Đầu tư cũng cần báo cáo xem gói số 1 mang lại hiệu quả gì để từ đó có phương án cho gói hỗ trợ thứ 2. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nào, những lĩnh vực nào thì phải làm cụ thể, đồng bộ vì các ngành có mối quan hệ chằng chịt với nhau”, ông Phong chỉ đạo.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Phòng dịch là ưu tiên hàng đầu nhưng không để đứt gãy kinh tế