Bác sĩ Hoàng Trọng Hùng, Tổng thư ký Hội Răng Hàm Mặt TP.HCM cho biết như thế về tình trạng sâu răng ở trẻ em TP.HCM tại Hội nghị khoa học “Nha khoa hiện đại vì chất lượng cuộc sống” diễn ra trong 2 ngày 18 và 19.1.
Theo bác sĩ Hùng, fluor hóa nước máy có tác dụng hạn chế các bệnh về răng miệng, nhất là bệnh sâu răng. Do đó, những trẻ em sống ở vùng không có nước nước máy hoặc nước máy không đảm bảo lượng fluor luôn có tỷ lệ mắc bệnh sâu răng cao hơn so với trẻ sống ở vùng có nước máy đảm bảo lượng fluor.
Hiện nay nhiều khu vực của TP.HCM chưa có nước máy, nhất là các quận, huyện ngoại thành thường sử dụng nước giếng không đảm bảo chất lượng, nước từ các xe đẩy không có fluor hóa trong nước, hoặc có rất ít... Chính điều này đã khiến cho nhiều trẻ em ở các khu vực này bị các bệnh về răng miệng, trong đó chủ yếu là tình trạng sâu răng.
Bác sĩ Hùng cho hay, kết quả điều tra gần đây của Tổ chức Y tế thế giới ở trẻ em sống ở hai vùng có và không có fluor nước máy trên địa bàn TP.HCM cho thấy có sự khác biệt về tỷ lệ trẻ bị sâu răng. Mức độ sâu răng trầm trọng và khuynh hướng gia tăng ở vùng không có fluor nước máy.
“Điều đáng nói, mặc dù chương trình nha khoa học đường phủ hầu hết các trường tiểu học và mẫu giáo trên địa TP.HCM nhưng mức độ sâu răng của trẻ em (3-12 tuổi) tại TP vẫn cao nhất nước với 85%”, ông Hùng cho biết.
Cũng theo bác sĩ Hùng, từ những năm 1990-2000, chương trình fluor hóa nước máy ở TP.HCM đã được triển khai nhằm hạn chế tình trạng sâu răng, tuy nhiên do hệ thống cung cấp nước máy không bao phủ hết các quận, huyện ở TP nên một số khu vực không hưởng được lợi ích này.
Để hạn chế tình trạng trẻ mắc các bệnh về răng miệng, nhất là sâu răng, theo bác sĩ Hoàng, TP.HCM cần nghiên cứu tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh về răng miệng để có chiến lược phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, trước mắt TP cần tăng cường chương trình nha khoa học đường, fluor hóa nước máy.
Hồ Quang