Với bất cứ một quốc gia nào, một khi đã được ban bố tình trạng khẩn cấp, hoặc do chiến tranh, hoặc do thiên tai địch họa thì nhất nhất khi chúng ta muốn quyết định một điều gì cũng cần hết sức cẩn trọng và tỉnh táo. “Sai một ly“ là có thể đi xa cả trăm dặm chứ đâu chỉ là 1 dặm. Muốn có được điều này, người tham mưu cho cấp trên luôn phải có tầm nhìn hơn người.

Trăn trở từ cái khẩu trang rởm đến chuyện xuất khẩu gạo

30/03/2020, 14:02

Với bất cứ một quốc gia nào, một khi đã được ban bố tình trạng khẩn cấp, hoặc do chiến tranh, hoặc do thiên tai địch họa thì nhất nhất khi chúng ta muốn quyết định một điều gì cũng cần hết sức cẩn trọng và tỉnh táo. “Sai một ly“ là có thể đi xa cả trăm dặm chứ đâu chỉ là 1 dặm. Muốn có được điều này, người tham mưu cho cấp trên luôn phải có tầm nhìn hơn người.

Xuất khẩu gạo hay không đang là vấn đề gây tranh cãi - Ảnh: Internet

Chuyện đâu chỉ là chiếc khẩu trang rởm, cứ phạt là xong

Câu chuyện về Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Ninh khi họ đã nhìn rõ mười mươi cảnh sản xuất khẩu trang kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn khẩu trang y tế có kháng khuẩn đã được quy định. Sự việc bị phát hiện trên địa bàn hôm 4.3 quả là quá tệ hại cho người tiêu dùng nếu ai đó mua phải của giả khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành .

Lẽ ra, họ (quản lý thị trường) phải khẩn trương cho lập biên bản, phải kiểm đếm số hàng đã sản xuất cho rõ ràng rồi cùng ký biên bản cũng như niêm phong bao bì ghi sai của doanh nghiệp Quốc Bảo cố tình lừa người tiêu dùng rồi xử lý thật nghiêm khắc thì đằng này, họ bật đèn xanh cho người vi phạm phi tang hiện vật thật nhanh rồi phạt lấy lệ (17,5 triệu đồng).

Sự việc bất thường này, ngay sau đó Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương biết chuyện, nhất là khi được Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban 389) yêu cầu báo cáo vụ việc để báo cáo Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia 389 Trương Hòa Bình thì xem ra có gì đó vẫn loanh quanh khó hiểu. Cái cần là phải nghiêm trị Đội QLTT số 4 của tỉnh này đã cố ý làm sai thì họ rất hờ hững.

Cứ cho rằng “quy trình” mà Tổ công tác 304 của Tổng cục QLTT thực thi nhiệm vụ mà bộ trưởng Bộ Công Thương giao có gì đó chưa rõ về quyền hạn và trách nhiệm khi xử lý từ thực tiễn (được nguồn tin báo chí phát hiện) thì có thể sau đó, nên tự điều chỉnh lại cho phù hợp, đặng hiệu quả hơn chứ không nên vì chuyện đó mà bỏ qua sai phạm dưới địa phương.

Thế nhưng ngược lại, những tưởng tổ công tác này sẽ được xem như một mũi nhọn để chống lại tình trạng gian lận thương mại, hàng giả ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi dịch COVID-19 hoành hành là một sáng suốt của lãnh đạo Bộ Công Thương, thì thật buồn vì sau đó lãnh đạo lại cho rằng tổ công tác nói trên “chưa làm đúng quy trình và có dấu hiệu vượt thẩm quyền .

Lẽ ra, ngay sau khi trên Truyền hình VN phát đi toàn bộ sự việc, lãnh đạo Bộ Công Thương phải có những động thái cứng rắn hơn cả trăm lần với Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh. Thậm chí, phải yêu cầu ông quyền Cục trưởng tỉnh lên Bộ giải trình tức thì để giải thích rõ cho dân an lòng. Ngược lại, những thao tác này xem ra rất chậm chạp. Hình như họ quên rằng, nếu hàng trăm ngàn chiếc khẩu trang của doanh nghiệp Quốc Bảo được tung ra thị trường hòng đánh lừa người tiêu dùng hưởng lợi bất chính sẽ có bao nhiêu nạn nhân vì nó mà bị lây nhiễm oan.

Chỉ một chuyện bé xíu như vậy mà không hiểu sao Bộ Công Thương không làm nổi để yên lòng dân.

Nếu như cơ quan QLTT tỉnh nào mà cũng giải quyết vô trách nhiệm như ở tỉnh Bắc Ninh thì có khác nào họ đang tiếp tay phá hỏng công cuộc phòng chống dịch mà Đảng, Chính phủ ta đã và đang gồng mình đối phó, đang triển khai đầy quyết liệt và bài bản, hòng ngăn chặn đại dịch để không bùng phát như dự liệu.

Thế nhưng, quả là khó hiểu khi sự việc rõ như ban ngày mà cơ sở nọ vẫn bưng bít sự thật để xử nhẹ hều khiến dư luận bất bình. Khi đã thấy có dấu hiệu vi phạm nhưng Đội QLTT số 4 của tỉnh Bắc Ninh lại không chỉ đạo ra quyết định kiểm tra ngay, không tạm giữ số hàng khẩu trang có dấu hiệu vi phạm để làm căn cứ xử lý. “Dễ tin” đến vậy sao và thật khó hiểu khi cơ quan công an vào cuộc nhưng lại nghe doanh nghiệp trình bày việc để xảy ra sai phạm này chỉ là “do công nhân đóng nhầm” (!).

Chỉ vì một mắt xích xử lý tồi tệ kiểu như chuyện vừa xảy ra ở ngành QLTT tỉnh Bắc Ninh mà tôi nêu trên, nhiều khi chỉ vậy thôi nhưng đã mang lại hậu quả vô cùng tai hại và khó lường cho xã hội do người tiêu dùng mua phải hàng y tế giả, không có tác dụng khử khuẩn mà cứ ngỡ mình được an toàn.

Tầm nhìn của người lãnh đạo một ngành là quá hạn chế, kém cỏi nếu còn có tư duy coi mấy cái khẩu trang giả kia chỉ là chuyện vặt trong khi còn biết cơ man chuyện lớn phải làm.

Hãy làm cho tốt ngay từ cái tưởng là nhỏ kia thì mới hy vọng đủ tầm để xử lý việc lớn trong công cuộc phòng chống đại dịch, mà chuyện có cho xuất khẩu gạo hay không vào thời điểm này là một ví dụ rất đáng suy nghĩ.

Trong thời điểm căng thẳng dập dịch như hiện nay, những việc tiêu cực rất nhỏ như vậy mà cũng phải để đến cỡ như Phó thủ tướng thường trực kiêm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia 389 cho ý kiến xử lý thì quả là đáng buồn cho cung cách điều hành của Tổng cục QLTT và của Bộ Công Thương.

Dừng hay chưa dừng việc xuất khẩu gạo? Một quyết định cần hết sức cẩn trọng

Trong lúc còn đang tạm dừng để đoàn khảo sát liên ngành (các bộ Công Thương, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài chính) tập hợp số liệu điều tra rồi báo cáo lại Thủ tướng trước khi đưa ra quyết định hệ trọng có cho tiếp tục xuất khẩu gạo hay là tạm dừng, tôi cho rằng chúng ta nên cẩn trọng chờ thêm ít ngày cũng không có gì quá ghê gớm. Thà chậm mà chắc cũng còn hơn mắc sai lầm tai hại sau này.

Trên cơ sở đó, liên bộ sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh xuất khẩu gạo theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15.8.2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định pháp luật khác có liên quan trước ngày 28.3.2020.

Việc Bộ Công Thương “nhất dạ sinh bá kế” qua chuyện xin tạm dừng quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tối 24.3 mới đây đã cho thấy có gì đó không ổn. Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận phần nào sự dũng cảm của lãnh đạo bộ này khi họ “nghĩ lại” vì phát hiện ra có độ vênh nhất định nào đó về số liệu.

Thế rồi đích danh Bộ trưởng Công Thương đã ký công văn “Hỏa tốc” cấp báo lên Thủ tướng Chính phủ khi có “sự vênh” về số liệu này nọ. Thà như vậy, theo tôi vẫn còn hơn việc biết mình sai mà vẫn bảo thủ, không chịu sửa

Sự lý giải về điều này trong nội bộ lãnh đạo Bộ Công Thương, xem ra họ không đủ tự tin cũng như có vẻ không theo kịp với cách theo dõi, thống kê số liệu về tình trạng tích trữ lương thực hiện nay của nước ta.

Về số liệu mà ngành thống kê nắm được trong năm nay, sau khi tiêu dùng trong nước, chúng ta có thể xuất khoảng 6 triệu tấn lương thực ra nước ngoài. Nhưng đó là về con số trên lý thuyết.

Trong thực tế, tôi có hỏi một vị lãnh đạo cơ sở ở một địa phương thuộc đồng bằng Bắc Bộ về chuyện này. Với kinh nghiệm nhiều năm bám sát cơ sở, ông cho rằng hiện nay ở các địa phương không còn cách làm cũ là “gặt ruộng điểm .

Từ kết quả gặt thí điểm vài thửa ruộng (gọi là gặt ruộng điểm) trong một xã rồi sẽ lấy con số trung bình cộng về năng suất của nó nhân lên tổng số ruộng trồng lúa của địa phương mình. Với kết quả có được nói trên, họ sẽ báo cáo tổng sản lượng thu hoạch lên cấp trên.

Nhưng hiện nay, do không còn chuyện thiếu lương thực cho nên nhà nước cũng không quá câu nệ chuyện này lắm. Vì lý do này, cách ước lượng sản lượng cũng đơn giản hơn xưa nhiều. Đó là chưa kể bệnh thành tích lâu nay vẫn chưa hết nặng nề, con số báo cáo tuy cũng tàm tạm tin được nhưng thế nào cũng bị trên dội xuống theo lối năm sau cần nhích lên, cao hơn năm trước chút xíu nếu thấy thời tiết thuận lợi.

Và cứ như thế, lâu dần số liệu không thật chính xác nữa.

Từ đó, kết quả báo cáo thường lạc quan hơn sự thật. Đây là điều có thật trong thực tế. Nó không còn được chuẩn xác như ngày trước, cái thời còn thiếu ăn và làm ruộng tính theo công điểm để cuối vụ chia nhau từng ký thóc/công lao động của nhà nông.

Tôi là người không tán thành việc duy trì hạn ngạch xuất khẩu gạo mà cũng không tán thành việc quy hoạch cố định diện tích đất trồng lúa. Hãy để nhà nông họ tự điều chỉnh, tự quyết định thì sẽ tốt hơn dù vấn đề an ninh lương thực lại là công việc mang tầm quốc gia đại sự.

Thế nhưng, một khi đại dịch toàn cầu đang diễn ra thì người nông dân cũng sẽ phải nghĩ khác thời bình. Đất nước ta trải qua biết bao cuộc chiến tranh tàn khốc và kéo dài. Vì thế, nó đã khiến họ nghĩ khác bởi đó là bản chất của dân Việt mình, luôn biết lo xa. Cái lo xa của con nhà nghèo...

Vừa qua, trên truyền thông nhiều người tranh cãi có nên tiếp tục cho xuất khẩu gạo hay là tạm dừng. Nếu đọc thì xem ra bên nào cũng có lý lẽ riêng của nó. Tôi không phải là dân nghiên cứu sâu lĩnh vực này nên không dám đi sâu phân tích. Chỉ cần chờ kết quả điều tra vài hôm nữa xem thế nào. Có lẽ lúc này hãy để đoàn công tác được Thủ tướng yêu cầu đi cơ sở nắm bắt trở về, kết quả ra sao thì lúc đó hãy bàn tiếp để ra quyết định chính xác. Khi đó cũng chưa muộn.

Tổng cục Thống kê năm nào cũng công bố số liệu về sản lượng lúa năm này mấy chục triệu tấn, năm trước mấy chục triệu tấn, thậm chí lại có cả số lẻ, nghe rất oách. Thực ra, cách tính hiện nay không giống như xưa nữa vì nhà nước ta suốt vài chục năm nay luôn có gạo xuất khẩu và trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo của thế giới.

Vì vậy cho nên sau mỗi một vụ lúa thu hoạch, người nông dân chẳng mấy ai nghiêm túc đong đếm rồi hớn hở đi báo cáo với nhà nước mình thu hoạch được bao nhiêu. Ngay cả khi họ có khai không nghiêm túc chăng nữa thì cũng không một ai bị xử phạt gì hết. Vì thế, sự thống kê nói trên chỉ là hình thức, là “đếm cua trong lỗ”, mang tính tương đối mà thôi.

Tôi rất thú vị khi một đồng nghiệp của tôi có phân tích rằng:

“Dân ăn bao nhiêu gạo (tiêu thụ nội địa) nhà nước cũng không thể biết. Nhà nước căn cứ vào số “miệng ăn” của cả nước, rồi căn cứ vào lượng gạo do các doanh nghiệp bán ra (có khai thuế) rồi ước chừng mỗi năm dân ăn bao nhiêu. Nhưng nhà nước nào có thể biết trong các “miệng ăn” kia, ai nhậu nhiều hơn ăn cơm ngày ba bữa, ai ăn nhiều thực phẩm khác hơn là ăn cơm, nhà nước cũng đâu có biết dân nhậu hiện nay phải "nằm nhà ăn cơm yêu nước" thì nhu cầu lúa gạo có tăng thêm hay không, nhà nước cũng làm sao biết được những người buôn bán nhỏ mua lúa gạo của nông dân rồi bán lại cho các “miệng ăn” trong nước hay là gom lại để bán tiểu ngạch ra nước ngoài. Cho nên không thể căn cứ vào “miệng ăn” lúc ăn cơm lúc ăn mì lúc ăn gà nướng để nói tiêu thụ nội địa bao nhiêu là đủ...”.

Cả thế giới nay đang phải đối phó với đại dịch toàn cầu. Một “thế giới phẳng” của hôm nay thật khó đoán định chính xác những gì sẽ xảy ra sau đại dịch kết thúc, trừ một điều rất rõ. Đó là “phận nước nào nước nấy tự lo vẫn cứ là cơ bản.

Nước Ý qua cơn đại dịch nói trên đã thấy sự đơn độc khi cả khối Liên minh châu Âu lạnh lùng với họ dù số người chết cả ngàn người trong mỗi ngày qua, xem ra thật đau xót.

Mới 3 tháng trước, có lẽ cũng không ai dự đoán được những gì đang diễn ra như hôm nay. Và cũng không ai dự đoán nổi rồi những gì sẽ diễn ra trong 3 tháng tới, hoặc là 1 năm tới...

Vậy thì an ninh lương thực rõ ràng sẽ là đại sự với một quốc gia, không riêng gì chúng ta. Nếu họ có nhiều tiền, họ sẽ tích trữ lương thực, thực phẩm thì cũng là đương nhiên bởi vì không ai có thể xem nhẹ chuyện này. Tôi tin rằng với tầm nhìn của các nhà hoạch định chiến lược thế giới, họ đã và đang tính đến những tình huống xấu nhất xảy ra, đó là nạn đói sẽ rình rập các nước nghèo.

Việc phải lo “tích cốc phòng cơ trong bất cứ một quốc gia nào bao giờ cũng là hệ trọng khi chiến tranh, thiên tai, địch họa xảy ra. Thà chúng ta phải (được) ăn gạo hẩm (do tích trữ nhiều) vẫn là may mắn hơn phải thấy cảnh bị nạn đói đe dọa gần trăm triệu dân Việt.

Khi ấy giá lương thực sẽ tăng đột biến và lúa gạo sẽ chảy đến nơi nào có giá cao hơn. Lúc đó với nước ta, thật là mệt mỏi vì ngân quỹ nước nhà cũng đâu dư dả gì.

Tôi cho rằng, cho dù nước ta lúa gạo có thừa đi nữa thì vấn đề an ninh lương thực vẫn chưa thật đảm bảo. Đó là chưa nói đến chuyện đồng bằng sông Cửu Long hiện đang đối mặt với nạn hạn hán vô cùng khốc liệt cũng như dự báo nạn châu chấu từ châu Phi nhiều khả năng sẽ sang tận châu Á, thì tính sao?

Mỹ, châu Âu đã bắt đầu tung ra những gói tài chính chưa từng có để cứu nguy đất nước họ thoát khỏi “khủng hoảng hậu dịch COVID-19”. Điều đó đã cho thấy tầm nhìn của người tham mưu cho lãnh đạo không thể một sớm một chiều lại chập chờn và thay đổi. Không chỉ là chậm mới chắc mà vào lúc lâm nguy, sự quyết đoán dù thật nhanh cũng vẫn phải chính xác.

Vì lẽ đó, từ “chuyện cỏn con” là chiếc khẩu trang giả tung ra thị trường gây hại cho dân nếu họ không biết nên mua phải cho đến “chuyện đại sự “có cho xuất khẩu gạo lúc này hay không , với người làm lãnh đạo đều phải quan tâm và xử lý chính xác như nhau và không thể coi nhẹ bất cứ chuyện gì, dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ. Cổ nhân dạy quả không sai: “Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Tiếc rằng, muốn “thần thiêng” thì phải có “bộ hạ “tham mưu chuẩn. Song, trong mấy câu chuyện trên, xem ra các cơ quan tham mưu đều có vấn đề để rồi có chuyện cần bàn.

Việc Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương cần rút kinh nghiệm sâu sắc chuyện bộ này đã tham mưu thiếu nhất quán cho Chính phủ, như vụ việc tạm dừng triển khai quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo nói trên không chỉ là bài học cho một cuộc chiến chống giặc đại dịch hôm nay mà còn mãi mãi sau này.

Tôi hy vọng rằng số liệu sẽ công bố tới đây sẽ là con số tích cực, đủ tự tin để nhà nước có thể có những quyết sách chuẩn xác trong việc có cho xuất khẩu gạo hay không và nếu có thì cho đến mức nào để hài hòa cả hai.

Đó mới là câu chuyện đáng nói, đáng suy nghĩ.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trăn trở từ cái khẩu trang rởm đến chuyện xuất khẩu gạo