Người nông dân quanh năm bám ruộng đồng chỉ hy vọng bán nông phẩm được giá. Giờ giá xuống thấp rất tội cho họ, điều mà những người ở thành thị chỉ ngồi trong nhà bật máy tính lên mạng đòi không xuất khẩu gạo chẳng bao giờ hiểu được.
Trong đại dịch COVID-19 đang lan tràn khắp thế giới, việc con người nảy sinh tâm lý lo lắng nhiều thứ là điều dễ hiểu. Người dân lo lắng về bệnh dịch ám ảnh xung quanh mình, sợ rằng mình tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm bệnh, sợ chẳng may một ngày xấu trời nào đó phải đi cách ly tập trung…, và sợ hết cả cái ăn.
Khi thấy hoạt động xung quanh ngưng đọng, người ta đã lo lắng đến sự thiếu nhu yếu phẩm một cách thái quá. Vài tuần trước, đã xảy ra chuyện đám đông đổ xô đi siêu thị vơ đồ ăn, vét lương thực. Phải đến khi các cơ quan chức năng thông tin kịp thời, tình trạng đó mới chấm dứt và các siêu thị trở lại hoạt động bình thường.
Trong tâm lý sợ đại dịch, thiếu cái ăn nên dư luận tuần qua bàn tán xôn xao việc Bộ Công Thương xin hạn chế xuất khẩu gạo rồi ngay sau đó lại xin tiếp tục xuất khẩu gạo. Phần đông lo xa cho rằng giai đoạn bệnh dịch cộng với hạn mặn ở miền Tây Nam Bộ khiến Việt Nam có thể rơi vào khủng hoảng lương thực trong tương lai nên tốt nhất là ngưng xuất khẩu gạo. Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng đây là thời cơ tốt để xuất khẩu gạo giá cao, nhất là khi năng lực sản xuất lương thực của Việt Nam trong thời gian trước mắt dư sức đảm bảo an ninh lương thực.
Suy tính nào cũng có lý, cũng chính đáng. Tuy nhiên, dường như người ta quên chưa hỏi ý kiến người nông dân – những người chủ thật sự của vựa lúa, rằng họ muốn như thế nào. Theo báo VNE, hàng trăm nghìn tấn lúa của nông dân các tỉnh miền Tây nhiều khả năng bí đầu ra khi thương lái tạm ngưng mua. Giá sẽ rớt mạnh nếu không được xuất khẩu.
Người nông dân quanh năm gắn với ruộng đồng chỉ hy vọng bán lúa với giá cao. Giờ giá xuống thấp rất tội cho họ, điều mà những người ở thành thị chỉ ngồi trong nhà bật máy tính lên mạng đòi không xuất khẩu gạo chẳng bao giờ hiểu được. Cũng khó trách bởi những người hô hào không xuất gạo sợ cảnh đói, thiếu ăn nhưng họ đâu biết rằng khi nông dân chán cây lúa, không trồng gạo nữa thì sau này lấy gạo đâu nuôi thành thị.
Vấn đề là cần tìm giải pháp để giúp người nông dân bán gạo giá cao mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực.
Dân thành thị lo hết gạo nhưng không thể mua nhiều gạo về nhà bởi dự trữ là cả vấn đề nan giải, không thể bảo quản được. Nếu như nhà nước giải quyết được kho trữ gạo thì lúc này dân sẵn sàng bỏ tiền mua gạo trữ cho mấy tháng, mấy năm. Thời đại 4.0, có thể dễ dàng xây dựng phần mềm ứng dụng để người ở bất cứ nơi nào trên đất nước cũng ngồi nhà đặt mua gạo của miền Tây Nam Bộ với thời gian tích trữ tự chọn. Chuyển tiền qua tài khoản xong thì sẽ có gạo trữ trong kho, bao giờ muốn nhận thì trả tiền vận chuyển. Nhanh gọn, đơn giản.
Dĩ nhiên mỗi ký (yến, tạ, tấn...) gạo được bảo quản cất giữ trong kho thì người mua phải trả tiền thuê theo ngày/tháng cho đơn vị tích trữ. Như vậy không lo thiếu kinh phí bảo dưỡng. Gạo khi ấy là tài sản riêng của người dân như tiền cất trong ngân hàng. Nói nôm na thì các kho giống như ngân hàng gạo mà người dân gửi vào đó, thay vì cất giữ tiền sẽ cất giữ gạo tích trữ.
Việc quản lý tài sản gạo của dân trong các kho có thể giúp nhà nước biết được lương thực tích trữ trong nước là bao nhiêu, có bao nhiêu người đã tự lo xong vấn đề lương thực… Và khi hết muốn trữ gạo, người dân có thể bán lại cho nhà nước để xuất khẩu.
Giải pháp này có thể giúp tất cả người dân, nhất là những người hay lo xa chung tay với chính phủ xây dựng an ninh lương thực. Những người lo xa khi ấy có điều kiện bỏ tiền để giúp mua gạo cho nông dân thay vì chỉ biết ngồi một chỗ phản đối xuất khẩu gạo. Phản đối miệng thì đâu mất gì.
Anh Tú